17:50 30/03/2016

ADB: “Lãi suất cho vay có thể chịu áp lực tăng năm 2016”

Đan Nguyên

Theo ADB, lãi suất cho vay có thể chịu áp lực tăng trong năm 2016 bởi mức tăng trưởng tín dụng cao để thúc đẩy kinh tế

ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, sau đó giảm tốc nhẹ xuống còn 6,5% trong năm 2017 - Ảnh: Chinhphu.vn.
ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, sau đó giảm tốc nhẹ xuống còn 6,5% trong năm 2017 - Ảnh: Chinhphu.vn.
Trong báo cáo mới nhất về kinh tế Việt Nam được công bố ngày 30/3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, sau đó giảm tốc nhẹ xuống còn 6,5% trong năm 2017.

Dựa trên con số cam kết vốn đầu tư nước ngoài (FDI) gần như không thay đổi trong năm 2015 là 22,8 tỷ USD, ADB dự báo FDI giải ngân trong năm 2016 sẽ không tăng, thậm chí có thể giảm trong năm 2017. Khoảng 60% số vốn FDI được cam kết là dành cho các ngành chế tác định hướng xuất khẩu.

Năm 2015, doanh số bán ôtô tại Việt Nam đã tăng hơn 55%, theo ADB, đây chính là minh chứng về lòng tin người tiêu dùng hồi phục. ADB khẳng định niềm tin doanh nghiệp cũng đang tăng lên bởi kết quả một cuộc khảo sát do ADB thực hiện vào cuối năm 2015 cho thấy 40% doanh nghiệp kỳ vọng điều kiện sẽ giữ ổn định.

ADB cho rằng sản xuất công nghiệp và xây dựng sẽ tiếp tục tăng trưởng vững vàng. Chỉ số PMI trong 2 tháng đầu năm 2016 phát đi tín hiệu cho thấy điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất đã cải thiện khi số lượng đơn hàng gia tăng.

Theo tính toán của ADB, lạm phát tăng lên trung bình 1,3% trong 3 tháng đầu năm 2016, dự báo sẽ đạt mức 3% trong năm 2016 và 4% trong năm 2017. Giá nhập khẩu nhiều khả năng sẽ tăng khi tiền đồng hạ giá.

Lãi suất cho vay có thể chịu áp lực tăng trong năm 2016 bởi Ngân hàng Nhà nước đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là từ 18 - 20% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

ADB chỉ ra tiến bộ chậm chạp trong kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước là những nguy cơ đe dọa triển vọng tích cực của nền kinh tế.

Các ngân hàng thiếu vốn và thiếu minh bạch tài chính sẽ tiếp tục dễ bị tổn thương trước các cú sốc. Tăng trưởng tín dụng hồi phục có thể dẫn đến làn sóng đầu cơ mới đối với các dự án bất động sản rủi ro cao.

ADB đánh giá cao động thái phát tín hiệu thắt chặt yêu cầu cho vay trong lĩnh vực bất động sản mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra trong những tháng đầu năm 2016.

ADB nhấn mạnh Việt Nam cần có nhiều tiến bộ hơn nữa trong kế hoạch củng cố hệ thống ngân hàng, tăng trưởng tính minh bạch, phân loại tài sản, giải quyết nợ xấu và các yêu cầu công khai thông tin để đảm bảo được sức mạnh của khu vực ngân hàng.

Năm 2015 chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể của doanh số bán buôn và bán lẻ, mức tăng trưởng lên đến 9,1% nhờ tiêu dùng tư nhân cao. Lĩnh vực tài chính ngân hàng tăng trưởng 7,4% nhờ tín dụng tăng vọt 18%, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu 14 -15% mà Chính phủ đề ra. Tổng phương tiện thanh toán tăng 14%.
 
Trong năm 2015, xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 7,9% lên 162 tỷ USD. Trong đó, số liệu từ hải quan cho thấy xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại di động tăng trưởng 30% và chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu.

ADB tính toán rằng đến hiện nay, giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt trên 165% GDP, cao hơn gấp đôi so với mức dưới 70% hồi giữa thập niên 1990.