“Lãi suất cho vay còn cao so với diễn biến lạm phát”
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm tới
Nhiều ý kiến nhận định dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn thì việc giảm nợ xấu khó bền vững, lãi suất cho vay còn cao so với diễn biến lạm phát.
Thông tin này được Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu trong báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm tới.
Thu nhập bình quân vượt 2.100 USD
Trình bày báo cáo này trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 của Quốc hội sáng 21/3, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đánh giá, chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến tích cực, đóng góp của khoa học, công nghệ tăng, năng suất lao động tăng bình quân 4,2%/năm cao hơn giai đoạn trước.
Trong 5 năm qua, quy mô và tiềm lực của đất nước được nâng lên, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát giảm từ 11,75% năm 2010 xuống còn 0,6% năm 2015.
Các cân đối lớn dần được cải thiện, nhập siêu giai đoạn 2011-2015 chỉ còn khoảng 2% so với mức nhập siêu 17,4% giai đoạn 5 năm trước, trong đó có đóng góp đáng kể của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ riêng Samsung Việt Nam đã đóng góp xuất siêu 21,5 tỷ USD.
Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá, an sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người từ 1.168 USD năm 2010 lên 2.109 USD năm 2015.
Chính trị - xã hội ổn định, công tác quốc phòng, an ninh luôn được tăng cường nhất là trong bối cảnh tình hình biển Đông diễn biến phức tạp. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao, ông Giàu trình bày.
Nợ xấu chưa được xử lý triệt để
Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Uỷ ban Kinh tế cũng thể hiện lo lắng về cơ cấu thu, chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên tăng nhanh. Bội chi ngân sách còn cao chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn.
Liên quan đến ba trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng kỷ luật đầu tư công vẫn là vấn đề đáng lo ngại, nhiều công trình đã hoàn thành nhưng sử dụng không hiệu quả, nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng thủy lợi vùng khô hạn, ngăn xâm nhập mặn, cơ sở y tế... chưa đáp ứng kịp thời.
Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước so với yêu cầu còn chậm, một số doanh nghiệp triển khai chưa quyết liệt, có nơi thể hiện trách nhiệm chưa cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao.
Một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn lớn chưa tạo chuyển biến về chất đối với quản trị doanh nghiệp, báo cáo nêu rõ.
Trong tái cơ cấu ngân hàng, cơ quan thẩm tra lưu ý đã xuất hiện một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn gặp khó khăn phải thay đổi chủ sở hữu, người quản lý từ cơ quan quản lý Nhà nước.
Một số ý kiến cho rằng nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của VAMC chưa mang lại hiệu quả, ông Giàu cho hay.
Sớm triển khai dự án sân bay Long Thành
Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020, cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo giải quyết cơ bản những bất cập trong hai năm đầu kế hoạch, để tạo chuyển biến mạnh mẽ.
Nhất là cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, cải cách khu vực sự nghiệp công, tinh giảm biên chế, giảm nợ xấu, giảm bội chi ngân sách, chọn lựa thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện cán cân thương mại, tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp.
Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng cần tập trung xử lý ùn tắc giao thông hai thành phố lớn, rà soát lại các trạm thu phí giao thông đường bộ để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng...
Với giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược, cơ quan thẩm tra cho rằng cần ban hành cơ chế đặc thù về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Theo đó, đề nghị Quốc hội quyết định bố trí vốn và cho phép thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng cho dự án trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đảm bảo khởi công và hoàn thành giai đoạn 1 đúng thời gian đã được Quốc hội quyết định.