Ai đang sở hữu khối nợ chính phủ hơn 21 nghìn tỷ USD của Mỹ?
Thực ra, các chủ nợ nước ngoài chỉ nắm chưa đầy 30% nợ chính phủ Mỹ
Các chủ nợ Mỹ hiện nắm 70% nợ chính phủ Mỹ, nhưng các chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Washington như Trung Quốc và Nhật Bản cũng nắm một lượng không nhỏ.
Trang Market Watch dẫn số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết, khoảng 70% nợ công của nước này hiện nay nằm trong tay Chính phủ Mỹ, các nhà đầu tư tại Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Các chủ nợ nước ngoài chỉ nắm chưa đầy 30% nợ chính phủ Mỹ.
Tính đến cuối tháng 6, nợ quốc gia của Mỹ đạt kỷ lục 21,21 nghìn tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các định chế tài chính Mỹ, như các quỹ lương hưu nhà nước và tư nhân, và các nhà đầu tư cá nhân Mỹ chính là đối tượng đang nắm nhiều nợ Mỹ nhất. Nhóm này sở hữu 6,89 nghìn tỷ USD nợ Mỹ và hút khoảng 80% tổng số nợ mới mà Chính phủ Mỹ phát hành trong vòng 1 năm qua.
Không loại trừ khả năng số nợ quốc gia Mỹ mà Trung Quốc và Nhật nắm giữ còn nhiều hơn con số được công bố, bởi chính phủ và nhà đầu tư của hai nước này có thể mua nợ Mỹ thông qua các thực thể đặt tại các quốc gia khác như Hồng Kông, Luxembourg, hay Cayman Islands. Cả ba nền kinh tế này vốn đều là những "thiên đường thuế".
Đáng chú ý, Nga đã giảm mạnh nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ xuống còn vỏn vẹn 15 tỷ USD từ mức đỉnh 153 tỷ USD vào giữa năm 2013. Việc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ được Nga tiến hành trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow với Washington đi xuống.
Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các quốc gia khác sẽ bán tháo nợ Mỹ để trả đũa Washington về vấn đề thương mại. Trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn được xem là một trong những tài sản an toàn nhất thế giới.
Về phần mình, Chính phủ Mỹ nắm giữ 5,73 nghìn tỷ USD nợ quốc gia Mỹ, chủ yếu thông qua các quỹ an sinh xã hội (Social Security) và quỹ lương hưu liên bang.
FED nắm 2,38 nghìn tỷ USD nợ quốc gia Mỹ, và mức này đã giảm 85 tỷ USD so với thời điểm tháng 6/2017. Năm ngoái, FED bắt đầu bán ra lượng trái phiếu kho bạc Mỹ khổng lồ mà ngân hàng trung ương này đã mua vào trong thời kỳ khủng hoảng tài chính và suy thoái nhằm mục đích hạ lãi suất và bơm tiền để vực dậy nền kinh tế.