14:00 25/05/2023

AI được tận dụng để phân loại kim cương như thế nào?

Băng Hảo

Giờ đây, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng nhiều ở các nhà bán lẻ kim cương tự nhiên khi sự cạnh tranh giữa kim cương tự nhiên và kim cương nhân tạo được đẩy lên tới đỉnh điểm...

Ảnh: National Jeweler
Ảnh: National Jeweler

Trước đây, việc phân loại kim cương phần lớn được thực hiện bằng phương pháp thủ công trải qua nhiều công đoạn, từ khâu kiểm tra màu sắc, độ trong suốt, vết cắt đến trọng lượng cara của chúng và thêm nhiều bước kiểm tra nữa dưới kính hiển vi. Cách đây rất lâu, trong một phòng thí nghiệm phân loại và xác thực kim cương, Don Palmieri nhớ lại rằng mọi người đã nói về “chiếc hộp đen” — một công cụ trong mơ có thể giúp làm tất cả các thao tác trên, sau đó “nhả” ra một tờ chứng nhận...

PHÂN LOẠI CHÍNH XÁC HƠN, ĐỊNH GIÁ CAO HƠN

Nhiều thập kỷ sau, ý tưởng về một công cụ tất cả trong một đã từ khái niệm trừu tượng trở thành hiện thực. Ông Palmieri, chủ tịch và đồng sáng lập của Hội đồng Chứng nhận và định giá đá quý (GCAL) cho biết: “Mặc dù đó là điều tưởng tượng của hầu hết mọi người trong thế giới đá quý hồi đó, nhưng khi bạn tua nhanh đến ngày nay, chúng ta đã có rất nhiều công cụ tích hợp công nghệ như vậy. Tuy không có một chiếc máy nào làm được tất cả mọi việc, nhưng công nghệ xung quanh việc phân loại kim cương quả thật đã phát triển vượt bậc”.

Theo tờ National Jeweler, các nhà khoa học đã phát triển máy móc để đo hiệu suất ánh sáng của kim cương và tạo ra các phương pháp để theo dõi đá thông qua chuỗi cung ứng. Hiện cũng đã có những máy ảnh chụp ảnh 360 độ và các công cụ hỗ trợ phân biệt giữa kim cương tự nhiên và kim cương nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Và, thậm chí có cả những máy có thể phân loại màu của kim cương mà không cần sự can thiệp của con người, xác định độ trong — được coi là công đoạn khó nhất — hiện đang được sử dụng bởi hai trong số những tên tuổi lớn nhất trong ngành, Viện Đá quý của Mỹ và Sarine Technologies Ltd.

Nhiều thập kỷ sau, ý tưởng về một công cụ tất cả trong một đã từ khái niệm trừu tượng trở thành hiện thực.
Nhiều thập kỷ sau, ý tưởng về một công cụ tất cả trong một đã từ khái niệm trừu tượng trở thành hiện thực.

David Block, Giám đốc điều hành của Sarine cho biết một số thương hiệu đá quý tại Mỹ đã sử dụng Máy đo màu để phân loại màu của kim cương từ những năm 1950. Công nghệ này đã phát triển đến mức Máy đo màu, vốn chỉ được sử dụng trong phòng thí nghiệm, có thể phân loại phần lớn kim cương mà không cần sự can thiệp của con người. Trong những năm gần đây, Sarine và Viện Đá quý Hoa Kỳ (GIA) bắt đầu thí nghiệm đưa cái gọi là trí tuệ nhân tạo vào hoạt động, đặc biệt là để phân loại độ trong, yếu tố đánh giá chất lượng kim cương.

Sau khi thử nghiệm máy móc tại phòng thí nghiệm và tại chỗ tại các nhà máy của một số khách hàng, máy phân loại màu sắc Sarine Color và máy phân loại độ trong Sarine Clarity bắt đầu triển khai cho các nhà cung cấp ở Ấn Độ vào cuối năm 2022. Các nhà cung cấp Ấn Độ sẽ vẫn là trọng tâm của việc triển khai công nghệ vào năm 2023, GCAL cũng nhận định. Với mong muốn mang đến những viên kim cương hoàn mỹ, nhà bán lẻ Rare & Forever có trụ sở tại New York cũng đã đưa AI vào quy trình phân loại kim cương từ năm 2018. Công đoạn này giúp họ đánh giá chuẩn xác độ tinh khiết của kim cương.

Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu Research and Market, doanh thu của thị trường kim cương nhân tạo năm 2022 đạt 22.45 tỷ USD. Hơn hết, sự tăng trưởng này được dự đoán sẽ chạm đến 37.32 tỷ USD vào năm 2028. Trong khi đó, Market.us dự đoán kim cương toàn cầu đột phá đạt giá trị khoảng 140.1 tỷ USD năm 2032. Nhà bán lẻ kim cương Queen Smith chỉ ra kim cương tự nhiên thường được bán với giá cao hơn 60 – 80% so với kim cương nhân tạo. Chất lượng và nguồn gốc đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy cao giá trị của chúng trên thị trường.

Viện Đá quý Hoa Kỳ (GIA) dùng trí tuệ nhân tạo để phân loại độ trong, yếu tố đánh giá chất lượng kim cương.
Viện Đá quý Hoa Kỳ (GIA) dùng trí tuệ nhân tạo để phân loại độ trong, yếu tố đánh giá chất lượng kim cương.

Sam Indelicato, Giám đốc trang sức của thương hiệu kim cương Rare & Forever, cho biết khả năng sai lệch của AI ít hơn con người vì nó xử lý thông tin dựa trên các bộ dữ liệu được lập trình sẵn. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo không bị ảnh hưởng bởi tâm trạng, không cần thời gian giải lao hay ăn uống, không có sự lo ngại hay thành kiến việc đang làm. Nó xử lý công việc một cách chính xác và thống nhất. Khi kim cương được phân loại chính xác hơn, chúng sẽ được định giá cao hơn.

NHỮNG THỢ KIM HOÀN CÔNG NGHỆ

Trí tuệ nhân tạo cũng giúp phát huy sức mạnh truy xuất nguồn gốc của các thương hiệu. Hiện tại, kim cương có thể được truy ngược lại nguồn gốc thông qua phân tích cấu trúc phân tử, mặc dù quá trình này tốn nhiều thời gian. De Beers sử dụng thành công công nghệ này nhằm theo dõi 100 viên kim cương của mình trong năm 2020. Thông tin sản phẩm ngày càng trở nên quan trọng đối với người bán kim cương tự nhiên, bởi khách hàng đang quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững của xã hội và môi trường cũng như nguồn gốc của sản phẩm khi mua hàng.

Bên cạnh đó, trong việc chế tác, trước đây ai có đủ điều kiện kinh tế đều có thể thuê những nghệ nhân lành nghề nhất mỗi thời để chế tác vàng bạc đá quý thành những món đồ trang sức đẹp mắt. Thế nhưng, chỉ trong vòng một vài năm tới, những người tiêu dùng bình thường cũng có khả năng tự trở thành thợ kim hoàn phục vụ cho chính mình nhờ sử dụng các công cụ đặc thù của kỹ thuật số.

Giả sử một cặp vợ chồng muốn có chiếc vòng cổ bằng vàng hồng 18 karat để kỷ niệm ngày ra đời của con gái cưng. Chỉ cần theo sự chỉ dẫn về kỹ thuật số trên trang web một thương hiệu, họ có thể tạo ra thiết kế đặc biệt, điểm xuyết những viên kim cương theo chòm sao hoàng đạo. Họ cũng xem được cả hình ảnh thực tế của chiếc vòng cổ trước khi đặt chế tác và sẽ nhận được hàng chỉ trong vòng vài ngày.

Công nghệ cũng giúp mang tới các thiết kế siêu cá nhân hóa đồ trang sức đá quý trong tương lai.
Công nghệ cũng giúp mang tới các thiết kế siêu cá nhân hóa đồ trang sức đá quý trong tương lai.

Theo Tanmay Shah, người đứng đầu mảng sáng tạo tại Imaginarium, một trung tâm chuyên sản xuất và tạo mẫu đồ trang sức lấy liền có trụ sở tại Mumbai, Ấn Độ, AI giờ đây còn đi sâu hơn trong mỗi phẩm vật trang sức kỷ niệm. Chẳng hạn, sản phẩm có thể được nhúng với một thẻ dữ liệu số mà khi đọc bằng điện thoại thông minh có thể kích hoạt những ký ức và kỷ vật của gia đình.

Tầm nhìn của Shah nghe có vẻ viển vông, nhưng thật sự ông lại là một trong số những thợ kim hoàn tin vào khả năng của công nghệ để có các thiết kế siêu cá nhân hóa đồ trang sức đá quý trong tương lai. Chúng sẽ do máy tính tạo ra qua kỹ thuật in kim loại 3D tinh vi, đối trọng hẳn với nghề kim hoàn cổ điển sử dụng các công cụ truyền thống như đúc sáp vốn dần đang bị thất truyền.

Các nhà kim hoàn trên thị trường đại chúng hiện nay như Tiffany sử dụng những công nghệ này nhiều vì chúng cải thiện độ chính xác, tăng tốc độ thiết kế để nhanh chóng đưa vào sản xuất. Đại dịch cũng khiến cả kỹ thuật thực tế ảo tăng cường AR được ứng dụng vào nghề kim hoàn. Những thương hiệu như De Beers, Tacori, Boucheron hay Bibi van der Velden nay đều khai thác bộ lọc A.R. cho nguồn cấp dữ liệu Instagram của hãng, cho phép khách hàng dùng hiệu ứng để đeo thử trước đồ trang sức ảo với từng bộ sưu tập từ nhẫn, hoa tai đến vương miện cô dâu.