08:44 15/09/2022

akaBot, nền tảng tự động hóa từ Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu

Khánh Huyền

Theo báo cáo từ Research and Markets và Zion Market Research, akaBot là một trong ba đại diện từ Châu Á trong danh sách nhà cung cấp giải pháp Hyperautomation hàng đầu thế giới bên cạnh các ông lớn như Microsoft, SAP, IBM...

CÁC NHÀ CUNG CẤP GIẢI PHÁP HYPERAUTOMATION TOÀN CẦU

Vào tháng 6 và tháng 8 vừa qua, Research and Markets và Zion Market Research, 2 công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu lần lượt ra mắt các báo cáo về thị trường Siêu tự động hoá Hyperautomation với những dự báo hết sức ấn tượng. Theo báo cáo, thị trường ở Châu Á Thái Bình Dương APAC dự kiến sẽ là khu vực “bùng nổ” về công nghệ siêu tự động hóa với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm CAGR cao nhất trong 5 năm tới, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,...

Trong số các nhà cung cấp giải pháp Hyperautomation được nhắc tới trong hai báo cáo từ Research and Markets và Zion Market Research, akaBot là đại diện Việt Nam duy nhất và cũng một trong ba nhà cung cấp tới từ Châu Á. Bên cạnh các ông lớn trong ngành được nhắc tới trong báo cáo như: IBM, Microsoft, SAP,… và các đại diện khác tới từ các thị trường phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Israel,… akaBot (FPT software) là doanh nghiệp Việt Nam tiên phong mang giải pháp RPA, Siêu tự động hóa tới các thị trường lớn trên thế giới, mang các sản phẩm công nghệ “made in Vietnam” ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

akaBot được đề cập trong báo cáo của Zion Market Research. Nguồn: Bloomberg.
akaBot được đề cập trong báo cáo của Zion Market Research. Nguồn: Bloomberg.

Là nhà cung cấp giải pháp siêu tự động hoá tiên phong, akaBot cung cấp các gói giải pháp tổng thể, được “may đo” riêng đáp ứng nhu cầu của từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, akaBot phát triển Giải pháp phần mềm SaaS ứng dụng công nghệ RPA - Sản phẩm UBot giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu hành trình tự động hóa chỉ trong vài phút, nhanh chóng và linh hoạt. Hướng tới xu thế công nghệ “siêu tự động hóa”, akaBot liên tục tích hợp thêm nhiều công nghệ tiên tiến để đáp ứng các yêu cầu phức tạp của khách hàng, tấn công sâu rộng vào các thị trường tiềm năng trên toàn cầu.

Với hơn 5.000 robot phục vụ 600 khách hàng tại 14 quốc gia trên thế giới, akaBot đã giúp các doanh nghiệp tăng tốc kiến tạo môi trường làm việc số, đem lại lợi ích cho khoảng 10 triệu người dùng hàng ngày. Tính đến tháng 9/2022, nền tảng này đánh dấu cột mốc 2000 khách hàng, tăng trưởng 500% lượng khách hàng so với cùng kỳ năm 2018-2019.

Bên cạnh đó, nền tảng này cũng đã nhận được các giải thưởng trong nước và quốc tế như RPA Leader tại Báo cáo Mùa xuân và Mùa hè (G2, 2022), Top 21 RPA Vendors tại báo cáo Gartner Peer Insights năm 2021, Giải pháp cho Ngân hàng tự động hóa quy trình tốt nhất Việt Nam của The Asian Banker năm 2021; Giải Vàng Stevie Awards châu Á Thái Bình Dương 2021 hạng mục Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sản phẩm & Dịch vụ B2B; “Sản phẩm, giải pháp Chuyển đổi số Tiêu biểu" tại Vietnam Digital Awards 2021;...

THỊ TRƯỜNG SIÊU TỰ ĐỘNG HÓA "BÙNG NỔ" TRONG 5 NĂM TỚI

Theo báo cáo từ Research and Markets, thị trường Hyperautomation toàn cầu đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, dự kiến giá trị thị trường sẽ tăng từ 9,2 tỷ USD vào năm 2022 lên 26,0 tỷ USD vào năm 2027, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 23,1%. Cũng với dự đoán tương tự về thị trường Hyperautomation, các chuyên gia nghiên cứu của Zion Market Research đưa ra con số định giá thị trường đạt 26,5 tỷ USD vào năm 2028 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm CAGR khoảng 23,5% trong giai đoạn 2022-2028.

Dự báo thị trường RPA và Hyperautomation giai đoạn 2022-2027. Nguồn: Research and Markets.
Dự báo thị trường RPA và Hyperautomation giai đoạn 2022-2027. Nguồn: Research and Markets.

Những năm gần đây, chuyển đổi số, tự động hóa đã trở thành xu hướng mà nhiều doanh nghiệp hướng tới, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, tốc độ số hóa doanh nghiệp được đẩy nhanh hơn bao giờ hết. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, dịch Covid-19 như một cú huých để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn.

Theo một khảo sát của Viện Phát triển doanh nghiệp, trước dịch Covid-19, hơn 50% doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số. Từ khi xảy ra dịch Covid-19, thêm hơn 25% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số.

Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Covid-19 đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số của ngành này nhanh hơn từ 3 - 5 năm, tạo bước nhảy vọt cho thanh toán số. Tự động hóa được áp dụng ở đa dạng các lĩnh vực như Tài chính - Ngân Hàng, Sản xuất, Bản lẻ,...

Đơn cử như nghiệp vụ Kiểm thử tự động (Automation Test) của FPT Software đã hỗ trợ FWD 13.000 dữ liệu của các sản phẩm bảo hiểm từ công cụ tạo bảng minh họa phục vụ cho tiến trình kiểm thử tự động; số lượng trường hợp kiểm thử cho mỗi sản phẩm ước tính lên đến hơn 2.000, qua đó giảm thiểu lỗi và đảm bảo kiểm thử được hầu hết các trường hợp liên quan đến hợp đồng bảo hiểm của khách hàng. Kết quả, FWD đã tiết kiệm hơn 50% nguồn lực, tăng độ chính xác khi vận hành hệ thống nghiệp vụ bảo hiểm. Năng lực phục vụ khách hàng từ đó cũng được nâng cao.

Thị trường tự động hóa bằng robot (RPA) và siêu tự động hoá (Hyperautomation) không chỉ là sự lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp bứt phá và tạo lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua số hoá khốc liệt. Theo Gartner dự đoán, 90% doanh nghiệp lớn trên toàn cầu sẽ ứng dụng RPA vào năm 2022.

Bên cạnh đó, theo khảo sát từ Deloitte, Siêu tự động hoá đem lại hiệu quả vận hành vượt trội cho doanh nghiệp như cải thiện 90% chất lượng và độ chính xác của dữ liệu, thúc đẩy 86% năng suất và giảm thiểu 59% chi phí hoạt động.