Ấn Độ và Mỹ nhất trí giải quyết mâu thuẫn về thuế quan và thương mại
Trong đó, phía New Delhi hứa sẽ mua thêm dầu thô, khí đốt và thiết bị quân sự Mỹ, đồng thời tăng cường chống nạn nhập cư trái phép vào Mỹ...
![Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 13/2 - Ảnh: ANI.](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/14/anh-man-hinh-2025-02-14-luc-17-00-34.png)
Ấn Độ và Mỹ ngày 13/2 nhất trí khởi động đàm phán để sớm đạt một thỏa thuận thương mại và giải quyết tranh chấp về thuế quan. Trong đó, phía New Delhi hứa sẽ mua thêm dầu thô, khí đốt và thiết bị quân sự Mỹ, đồng thời tăng cường chống nạn nhập cư trái phép vào Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, loạt thỏa thuận trên được đưa ra sau các cuộc trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng. Kết quả này có được chỉ vài giờ sau khi ông Trump chỉ trích môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp Mỹ ở Ấn Độ và vạch ra một lộ trình áp thuế quan có đi có lại đối với tất cả các quốc gia đánh thuế quan hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
SẼ CÓ THỎA THUẬN THƯƠNG MẠI SAU 7 THÁNG
“Thủ tướng Modi gần đây đã tuyên bố sẽ giảm mức thuế quan bất bình đẳng và rất mạnh gây hạn chế đối với sự tiếp cận của chúng tôi với thị trường Mỹ. Và tôi thực sự phải nói rằng đó là một vấn đề lớn”, ông Trump nói.
Theo Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri, thỏa thuận để giải quyết vấn đề thương mại giữa hai nước sẽ được hoàn tất trong vòng 7 tháng.
Một tuyên bố chung sau cuộc gặp cho biết Washington hoan nghênh những bước đi gần đây của New Delhi nhằm hạ thuế quan đối với một số sản phẩm Mỹ và mở rộng quyền tiếp cận thị trường cho hàng hóa nông sản Mỹ. Tuyên bố cung cho biết hai bên sẽ tiến đến đàm phán những nội dung đầu tiên của một thỏa thuận thương mại song phương trước mùa thu năm nay.
Hai nhà lãnh đạo đều “có tầm nhìn của họ” về thuế quan, và “điều quan trọng hơn là việc chúng ta có một con đường phía trước để giải quyết vấn đề này” - ông Misri nói.
Một số nội dung mà hai nhà lãnh đạo đã đạt thỏa thuận là rất đáng khích lệ: Ấn Độ muốn mua thêm “hàng tỷ USD” thiết bị quốc phòng từ Mỹ và có thể đưa Mỹ trở thành “nhà cung ứng số 1” của nước này về dầu thô và khí đốt - ông Trump cho biết tại một cuộc họp báo chung với ông Modi. Phía New Delhi muốn đến năm 2030 tăng gấp đôi kim ngạch thương mại với Mỹ, ông Modi nói.
Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng chương trình hợp tác về năng lượng hạt nhân đã được lên kế hoạch từ lâu giữa hai bên - vấn đề cũng được hai nhà lãnh đạo thảo luận trong lần hợp này - đối mặt nhiều thách thức pháp lý”.
“Chúng tôi cũng sẽ mở đường để đi tới chỗ cung cấp máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho Ấn Độ”, ông Trump nói.
Sau đó, ông Misri cho biết việc Ấn Độ mua F35 mới là một đề xuất ở thời điểm này và chưa có một quy trình thảo luận chính thức nào.
Dù đã có mối quan hệ cá nhân nồng ấm với ông Modi trong nhiệm kỳ trước, ông Trump ngày 13/2 một lần nữa nói rằng thuế quan của Ấn Độ “rất cao” và tuyên bố sẽ đánh thuế tương xứng với hàng hóa Ấn Độ. Trước đó, thuế quan 25% mà ông Trump áp lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu đã có tác động nghiêm trọng đến Ấn Độ.
“Chúng tôi sẽ có đi có lại với Ấn Độ. Ấn Độ đánh thuế chúng tôi thế nào, chúng tôi sẽ đánh thuế lại họ như vậy”, ông Trump nói tại cuộc họp báo.
Về phần mình, ông Modi tuyên bố sẽ bảo vệ lợi ích của Ấn Độ. “Có một điều tôi đánh giá rất cao mà tôi học được từ Tổng thống Trump là ông ấy đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Cũng giống như ông ấy, tôi đặt lợi ích của Ấn Độ lên trên tất cả mọi thứ khác”, ông Modi phát biểu.
Hai nhà lãnh đạo ca ngợi lẫn nhau và nhất trí tăng cường hợp tác an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng như bắt đầu hợp tác sản xuất về các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI). Trước cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, khi được hỏi về các biện pháp mà Ấn Độ đang có ý định triển khai, một nguồn tin mô tả đó là một “món quà” dành cho ông Trump nhằm giảm căng thẳng thương mại. Một trợ lý của ông Trump nói ông xem việc bán trang thiết bị quốc phòng và năng lượng cho Ấn Độ sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với nước này.
VẤN ĐỀ NGƯỜI NHẬP CƯ
Ngoại trưởng Misri cho biết kim ngạch nhập khẩu năng lượng của Ấn Độ từ Mỹ có thể tăng lên mức 25 tỷ USD trong tương lai gần, từ mức 15 tỷ USD vào năm ngoái và sự tăng trưởng này sẽ góp phần giảm mất cân đối thương mại song phương.
Theo chuyên gia Richard Rossow, trưởng chương trình Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, thuế quan sẽ tiếp tục là vấn đề chính trong quan hệ Mỹ - Ấn thời gian tới. “Đó sẽ là một trận đấu quyền anh. Ấn Độ sẵn sàng chấp nhận một số đòn, nhưng có giới hạn”, ông Rossow nói.
Theo Reuters, Mỹ có thâm hụt thương mại 45,6 tỷ USD với Ấn Độ. Dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy thuế quan bình quân theo trọng số thương mại (trade weighted) của Mỹ là khoảng 2,2%, trong khi của Ấn Độ là 12%.
Ông Trump cũng muốn Ấn Độ hỗ trợ Mỹ nhiều hơn trong việc chống lại dòng người vượt biên trái phép vào Mỹ. Ấn Độ là một quốc gia có lượng lớn người di cư tới Mỹ, bao gồm những người tới Mỹ làm việc trong lĩnh vực công nghệ theo thị thực lao động, và cả những người nhập cư trái phép. Tuyên bố chung giữa hai nước nhất trí xử lý mạnh tình trạng nhập cư trái phép và nạn buôn người bằng cách tăng cường hợp tác thực thi pháp luật.
Đối với ông Trump, Ấn Độ có thể giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược của ông nhằm đối trọng với sự nổi lên của Trung Quốc. Ấn Độ có tranh chấp biên giới với Trung Quốc và cạnh tranh với Trung Quốc ở nhiều thị trường. Ngoài ra, Ấn Độ cũng có mối quan hệ khá gần gũi với Nga và là được cho vẫn là một thị trường xuất khẩu lớn của Nga, trong khi phương Tây đang muốn làm suy giảm nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của Moscow.
“Thế giới nghĩ rằng Ấn Độ là một quốc gia trung lập trong tất cả những chuyện này. Nhưng điều đó không đúng, Ấn Độ có phe, và đó là phe hòa bình”, ông Modi nhấn mạnh.