10:05 22/03/2024

An Giang đề nghị dùng cát biển thay cát sông làm cao tốc

Thiên Ân

Tình hình sạt lở đang có dấu hiệu gia tăng, mở rộng vào các kênh rạch và cát sông ngày càng cạn kiệt, gây khó khăn cho việc có thể tiếp tục khai thác. Tỉnh An Giang đã kiến nghị sớm dùng cát biển thay cát sông phục vụ các dự án cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long...

Nguồn cát san lấp đang là vấn đề "nóng" cho các dự án cao tốc cả nước nói chung, ở ĐBSCL nói riêng.
Nguồn cát san lấp đang là vấn đề "nóng" cho các dự án cao tốc cả nước nói chung, ở ĐBSCL nói riêng.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tình hình quản lý khoáng sản trên địa bàn cùng một số kiến nghị liên quan đến nguồn vật liệu san lấp thay thế.

Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cho biết, hiện địa phương có 10 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Bao gồm: 4 khu mỏ cát sông với tổng diện tích 155,98 ha, công suất khai thác 2,37 triệu m3/năm, nhưng đã tạm dừng hoạt động từ tháng 12/2023; 6 khu mỏ đá xây dựng với tổng diện tích 178,5 ha, công suất khai thác 3,7 triệu m3/năm. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã thực hiện nghĩa vụ tài chính 248,92 tỷ đồng.

Về áp dụng cơ chế đặc thù, địa phương đã phân bổ, cấp đăng ký khai thác mỏ cát cho các nhà thầu dự án cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại những khó khăn trong công tác quản lý khai thác khoáng sản tại An Giang, gây khó khăn trong thống kê trữ lượng và thất thoát tài nguyên.

Cùng với đó, tình hình sạt lở bờ sông đang có dấu hiệu gia tăng, mở rộng phạm vi, địa bàn vào các kênh rạch. Song song, lượng cát sông đang dần cạn kiệt, không kịp bồi đắp gây khó khăn cho việc khai thác. Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang kiến nghị các cơ quan trung ương sớm xem xét nguồn vật liệu thay thế; cụ thể sớm đưa cát biển vào phục vụ các công trình xây dựng giao thông, đặc biệt các các dự án cao tốc đang triển khai ở đồng bằng sông Cửu Long.

Việc dùng cát biển thay cát sông đã được áp dụng thí điểm và cho kết quả khả quan; tuy nhiên các cơ quan chức năng vẫn đang cân nhắc khi đưa vào sử dụng đại trà.
Việc dùng cát biển thay cát sông đã được áp dụng thí điểm và cho kết quả khả quan; tuy nhiên các cơ quan chức năng vẫn đang cân nhắc khi đưa vào sử dụng đại trà.

Trong cùng thời gian này, ngày 18/3/2024, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo một số kết quả, nội dung chính việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông. Theo đó, việc triển khai thực hiện thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả vừa qua, tại đường tỉnh 978 thuộc dự án thành phần đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, kết quả cho thấy cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm có chỉ tiêu cơ lý đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012 “nền đường - thi công và nghiệm thu”, công văn của Bộ này cho biết.

Vẫn theo Bộ Giao thông vận tải, báo cáo tổng kết công tác thi công, kiểm định đánh giá chất lượng thi công, quan trắc môi trường cũng cho thấy đủ cơ sở để có thể sử dụng cát biển đắp nền đường ô tô trong các điều kiện tương tự như khu vực thử nghiệm của dự án thí điểm. Tuy nhiên, do việc thí điểm mới chỉ thực hiện với quy mô nhỏ, cấp thiết kế thấp hơn đường cao tốc, chất lượng cát biển mới chỉ được nghiên cứu cho một khu vực (mỏ cát biển tỉnh Trà Vinh), các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về độ mặn đối với cây trồng vật nuôi chưa đầy đủ.

Từ đó, Bộ Giao thông vận tải nhận định rằng việc sử dụng đại trà vật liệu cát biển để xây dựng đường ôtô cần được tiếp tục thí điểm mở rộng ở các dự án với cấp quy mô, cấp thiết kế cao hơn, cũng như thí điểm ở các điều kiện tự nhiên, điều kiện môi trường, nguồn vật liệu cát biển khác nhau để có cơ sở đánh giá một cách toàn diện.

Ngoài ra, cũng theo công văn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản tại khu vực tỉnh Sóc Trăng, trong đó đánh giá về cơ bản các chỉ tiêu cát biển vùng biển gần bờ của tỉnh Sóc Trăng đáp ứng các yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:20122. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tài liệu, hồ sơ để tiến hành các thủ tục để khai thác, cung cấp vật liệu cho các dự án theo cơ chế đặc thù quy định tại các Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội.

Trên cơ sở kết quả này, Bộ Giao thông vận tải đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ nhu cầu, điều kiện thực tế triển khai dự án của địa phương để tổ chức triển khai thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm nền đường cho dự án xây dựng công trình giao thông có điều kiện tự nhiên, môi trường tương tự như dự án thí điểm.

Từng có ý kiến đề nghị sử dụng xỉ than (tro bay) thu được từ các nhà máy nhiệt điện chạy than, làm vật liệu san lấp thay thế cát sông đang ngày càng khan hiếm.
Từng có ý kiến đề nghị sử dụng xỉ than (tro bay) thu được từ các nhà máy nhiệt điện chạy than, làm vật liệu san lấp thay thế cát sông đang ngày càng khan hiếm.

Bộ Giao thông vận tải cũng lưu ý và khuyến cáo các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị cần nghiên cứu các khuyến nghị của hội đồng khoa học cấp bộ; có các giải pháp quan trắc môi trường, tổ chức giám sát, đánh giá mức độ tác động trong quá trình thực hiện; bảo đảm tuân thủ các quy định về đầu tư, xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan; tổng hợp số liệu gửi về Bộ Giao thông vận tải. Đồng thời các địa phương cần tiếp tục khảo sát, thu thập số liệu và xây dựng định mức theo các quy định tại Điều 21 của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Được biết, việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường đang được thực hiện trên các công trình giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long. Sắp tới, Bộ này sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường mở rộng mẫu thí điểm ra các vùng biển khác nhau như Hải Phòng, Vũng Tàu…

 

Cát san lấp đang là vấn đề nóng của các dự án cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo ước tính, nhu cầu cát đắp nền các dự án này ước khoảng hơn 36 - 37 triệu m3 trong giai đoạn 2021 – 2025 cho 4 dự án cao tốc, gồm Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh. Nếu tính tổng nhu cầu cát san lấp của cả 4 dự án cao tốc nói trên là xấp xỉ 54 triệu m3.

An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp là những địa phương có nguồn cát sông dồi dào trong số các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, vấn đề sạt lở đất, bờ sông hàng năm, nhất là vào mùa mưa, mùa nước nổi, đã gây khó khăn cho việc tiếp tục khai thác cát sông khi lượng phù sa chưa kịp bồi tụ.