10:15 08/03/2024

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau phải hoàn thành trước cuối năm 2025

Xuân Nghi

“Phấn đấu hoàn thành dự án sớm nhất có thể, chậm nhất là 31/12/2025 để bảo đảm toàn tuyến cao tốc Bắc Nam được đưa vào khai thác, phục vụ người dân”...

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đến nay, sau một năm thi công đạt được tiến độ 22%, chậm 6,6% so với kế hoạch. Ảnh: Lê An.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đến nay, sau một năm thi công đạt được tiến độ 22%, chậm 6,6% so với kế hoạch. Ảnh: Lê An.

Trên đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, trong chuyến kiểm tra tình hình thi công dự án cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau, ngày 06/3/2024 vừa qua. 

Báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và đoàn công tác Bộ Giao thông vận tải, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận) chủ đầu tư cho biết, sản lượng xây lắp của dự án đến nay đạt trên 22%, chậm 6,6% so với kế hoạch. Cụ thể: Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang chậm khoảng 2,5 tháng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau chậm khoảng 5 tháng so với kế hoạch.

Các nhà thầu hiện đã đào nền đường tuyến chính được khoảng 94%, đắp cát nền đường được hơn 2,5 triệu m3; riêng đường công vụ đã thi công đắp cát nền đường khoảng 94%. Toàn tuyến có 126 cầu, các nhà thầu đã triển khai thi công được 93 cầu và đạt 79%.

Về công tác bàn giao mặt bằng, Ban Mỹ Thuận thông tin thêm đến nay các địa phương đã bàn giao hơn 99% mặt bằng; trong đó, đủ điều kiện thi công khoảng 97%. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là đoạn qua tỉnh Kiên Giang còn 22 hộ dân, tương đương với 2 km chưa bàn giao mặt bằng.

Về nhu cầu cát san lấp, ông Trần Văn Thi cho biết dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cần hơn 18 triệu m3 cát, nhưng các địa phương chỉ mới bố trí được khoảng 16 triệu m3. Hiện nay, thủ tục để khai thác khoảng 11 triệu m3 đã hoàn tất, song dự án chỉ mới tiếp nhận được khoảng 2,3 triệu m3 cát như đã nói. Một nguyên nhân khác nữa làm chậm tiến độ thi công cao tốc, theo ông Thi là do nhà thầu chưa tập trung thi công cầu, cũng như chưa quyết liệt khắc phục khó khăn, tìm giải pháp thi công và huy động thiết bị chưa kịp thời, chưa đủ như cam kết.

Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của chủ đầu tư, các địa phương dự án cùng các nhà thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận xét: Sau một năm triển khai thi công, dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều vấn đề cốt lõi liên quan đến dự án cũng đã được Ban Mỹ Thuận và các nhà thầu từng bước tháo gỡ. Đồng thời ông Thắng chỉ đạo chủ đầu tư cùng các nhà thầu phải tập trung, quyết liệt triển khai đắp gia tải nền đường đối với các vị trí đất yếu. Các mốc thời gian quan trọng là tháng 6, 8 và đến tháng 10/2024 là phải hoàn thành việc đắp gia tải xử lý nền đất yếu để bảo đảm thời gian gia tải 12 tháng. 

Xác nhận nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ là vấn đề mặt bằng, Bộ trưởng Thắng đề nghị tỉnh Kiên Giang tiếp tục giải quyết dứt điểm những vị trí còn vướng trong tháng 3/2024, đặc biệt là tại vị trí cầu Phó Sinh Cạnh Đền, Cái Nhum,... bàn giao cho các nhà thầu thi công. Theo ông Thắng, trong bối cảnh khó khăn về nguồn vật liệu cát, nhờ nỗ lực của các bộ Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Ban Mỹ Thuận cùng các đơn quan, đơn vị liên quan, đến nay các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã hỗ trợ, cung cấp cát theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo báo cáo của chủ đầu tư thì dự án còn thiếu hơn 3 triệu m3 cát đắp nền. Đây là thách thức cần tiếp tục tháo gỡ để đảm bảo tiến độ.

Về giải quyết nguồn cát san lấp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo Ban Mỹ Thuận tích cực làm việc với các địa phương có trữ lượng cát sông, hỗ trợ cung cấp 3 triệu m3 còn lại, bao gồm cấp trực tiếp và cả mua thương mại theo giá nhà nước quy định. Song song, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh hoàn thành nhanh các thủ tục cấp mỏ cát biển trong tháng 3/2024 để qua tháng 4/2024 là bắt đầu khai thác.

Các nhà thầu được yêu cầu huy động thiết bị, nhân công, bảo đảm thi công nhanh nhất đối với các vị trí đã được bàn giao mặt bằng, phấn đấu hoàn thành dự án sớm nhất có thể. “Chậm nhất là 31/12/2025 phải hoàn thành để bảo đảm toàn tuyến cao tốc Bắc Nam được đưa vào khai thác, phục vụ người dân”, ông Thắng chỉ đạo.

 

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110 km, các tuyến nối khoảng 25 km, rộng 17 m, 4 làn, tổng vốn đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng. Tổng nhu cầu cát cho dự án khoảng 18,1 triệu m3; trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9,0 triệu m3.

Dự án được phân thành hai dự án thành phần gồm: Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 37 km, mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài hơn 73 km, tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng. Ban Mỹ Thuận được giao chủ đầu tư.