16:00 22/02/2023

An Giang đề xuất xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 91, Bộ Giao thông vận tải nói gì?

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải cho biết do mật độ dân cư dọc Quốc lộ 91 đông đúc, dẫn đến việc mở rộng rất khó khăn nên chuyển hướng tập trung xây cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề), chạy song hành về phía Tây để giảm tải phương tiện trên quốc lộ này...

Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị tỉnh An Giang rà soát và có kế hoạch các tuyến đường tỉnh để đủ điều kiện nâng lên thành quốc lộ.
Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị tỉnh An Giang rà soát và có kế hoạch các tuyến đường tỉnh để đủ điều kiện nâng lên thành quốc lộ.

Cử tri tỉnh An Giang vừa gửi kiến nghị đến Bộ Giao thông vận tải đề nghị sớm công nhận Quốc lộ 80B đi qua địa phận tỉnh An Giang (bao gồm các tuyến đường tỉnh: ĐT942, ĐT954 và ĐT952) với chiều dài khoảng 90 km. 

Đồng thời, đề xuất Bộ Giao thông vận tải đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 91 đoạn qua thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, do tuyến Quốc lộ 91 (đường cấp IV đồng bằng) đoạn qua thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú có chiều dài 8 km, bề rộng mặt đường 7 m đã được Bộ Giao thông vận tải đầu tư cách đây 20 năm, hiện đã xuống cấp và thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. 

RÀ SOÁT LẠI CÁC TUYẾN ĐƯỜNG, ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN NÂNG LÊN QUỐC LỘ

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh An Giang, Bộ Giao thông vận tải, cho biết ngày 1/9/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, Quốc lộ 80B thuộc các quốc lộ thứ yếu khu vực phía Nam có tổng chiều dài 120km, có điểm đầu tại Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối tại cửa khẩu Vĩnh Xương, tỉnh An Giang, với quy mô cấp III, 2 - 4 làn xe.

Như vậy, về nguyên tắc, Quốc lộ 80B đi qua địa phận tỉnh An Giang đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận trong quy hoạch mạng lưới đường bộ. 

Về điều kiện nâng lên quốc lộ, Bộ Giao thông vận tải, nhấn mạnh tại điểm 4, khoản III, Điều 1 của Quyết định 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 quy định: "Các tuyến đường địa phương được quy hoạch thành quốc lộ trong quyết định này chỉ nâng lên quốc lộ sau khi được đầu tư bảo đảm quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy hoạch và không thấp hơn quy mô đường cấp IV, 2 làn xe”.

Đồng thời, tại khoản 3, Điều 2 của quyết định này cũng quy định: "Ủy ban nhân dân tỉnh huy động nguồn lực đầu tư hệ thống đường tỉnh, ưu tiên các tuyến đường địa phương được quy hoạch thành quốc lộ bảo đảm quy mô tối thiểu trước khi bàn giao Bộ Giao thông vận tải quản lý”.

Trước đây, tại Công văn số 6874/TCĐBVN-QLBTĐB ngày 27/9/2021, Cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo trong tổng số 90,29km tỉnh An Giang đề nghị chuyển thành quốc lộ, có 81.06km đường từ cấp IV trở lên; 9.23km đã được đầu tư nâng cấp thành đường cấp IV.

Do đó, "để đủ điều kiện nâng lên quốc lộ, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang rà soát lại các tuyến đường tỉnh: ĐT942, ĐT954, ĐT952 nằm trong quy hoạch Quốc lộ 80B và có kế hoạch đầu tư, nâng cấp bảo đảm quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy hoạch (cấp III)", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Sau khi hoàn thành, Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang chủ trì triển khai thủ tục điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về Bộ Giao thông vận tải theo trình tự và thẩm quyền đã được quy định tại Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019 của Chính phủ. 

MỞ RỘNG QUỐC LỘ 91 KHÔNG HIỆU QUẢ

Còn về đề xuất xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 91 đoạn qua thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, Quốc lộ 91 đoạn đi qua tỉnh An Giang dài 89km, quy mô quy hoạch cấp III, 2-6 làn xe. Hiện trạng cơ bản đạt cấp III, IV, 2-4 làn xe.

Về cơ bản, Bộ Giao thông vận tải thống nhất việc đầu tư Quốc lộ 91 theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, "do dọc theo Quốc lộ 91 mật độ dân cư hai bên tuyến lớn dẫn đến việc đầu tư mở rộng sẽ rất khó khăn, không hiệu quả", Bộ Giao thông vận tải đánh giá.

 

Chính vì vậy, để tạo động lực phát triển cho tỉnh An Giang nói riêng và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và giải quyết nhu cầu vận tải trên Quốc lộ 91, Bộ Giao thông vận tải báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung tuyến đường bộ cao tốc đoạn Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề) chạy song hành với Quốc lộ 91 về phía Tây khoảng 10km - 15km vào quy hoạch mạng lưới đường bộ và thực hiện đầu tư ngay trong giai đoạn 2021 - 2025. 

Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm ngày 16/6/2022, Quốc hội đã có Nghị quyết số 60/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 với chiều dài 188,2 km đi qua 4 tỉnh, thành phố: An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ và Sóc Trăng.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027.

Triển khai Nghị quyết số 60/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 25/7/2022, trong đó giao Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ và Sóc Trăng thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt các dự án thành phần được Thủ tướng Chính phủ phân cấp làm cơ quan chủ quản.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện, đáp ứng tiến độ dự án.

"Sau khi dự án đưa vào khai thác, Quốc lộ 91 sẽ chỉ còn phục vụ xe nội vùng và sẽ giảm tải các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 91 đoạn qua thị trấn Cái Dầu", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam rà soát, đánh giá, tăng cường bảo trì Quốc lộ 91 để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.