10:24 15/09/2008

Ẩn số sự trỗi dậy của những dòng tiền

Nhiều nguồn vốn chạy vào cùng lúc đã tạo sức bật mạnh cho chứng khoán

Các nhà đầu tư tại sàn giao dịch của Công ty Chứng khoán Vincom.
Các nhà đầu tư tại sàn giao dịch của Công ty Chứng khoán Vincom.
Thị trường chứng khoán Việt Nam luôn có những bất ngờ. Rớt xuống 366 điểm ngày 20/6/2008, đúng vào thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế, ngay sau đó VN-Index dần đi lên.

Chỉ trong hai tháng 7 và 8/2008, VN-Index vượt qua quãng đường dài tổng cộng 200 điểm để tạm dừng ở 550 điểm. So với mức đáy, không ít cổ phiếu đã tăng giá 100-300%, thậm chí 500%, một sức tăng ngang bằng thời “bùng nổ” đầu năm 2007. Bên cạnh đó, có nhiều cổ phiếu không tăng giá hoặc tăng chậm 15-20%.

Sự phân hóa cổ phiếu đã diễn ra, không phải chỉ dựa trên kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm và triển vọng lợi nhuận thời gian sắp tới, mà còn theo tâm lý nhà đầu tư và động thái đầu cơ lúc tỏ lúc mờ.

Sự trỗi dậy của những dòng tiền

Tính thanh khoản của chứng khoán đang gia tăng rõ rệt. Trung bình mỗi ngày, giá trị giao dịch của cả sàn Hà Nội và Tp.HCM lên đến 1.500-2.000 tỉ đồng, cá biệt có ngày 2.500 tỉ đồng (không kể giao dịch trái phiếu). Mức thanh khoản này là rất đáng kể nếu so sánh với thời VN-Index trên 1.000 điểm, khi giá cổ phiếu cao hơn nhiều so với mức giá hiện tại.

Tiền lại đang chảy vào chứng khoán. Trong tháng 5/2008 khi cổ phiếu niêm yết bị bán tháo, cả tháng không có một phiên tăng giá, giới quan sát đã từng cho rằng nhà đầu tư hết... tiền. Tuy nhiên sự biến động của kinh tế vĩ mô, của giá nguyên liệu quốc tế đã làm biến đổi dòng chảy tiền tệ và địa chỉ đầu tư.

Khi tỷ giá xoay quanh 16.500 -16.700 đồng/Đô la Mỹ và tỏ ra ổn định, kênh đầu cơ ngoại tệ tự động biến mất. Ở đây đầu cơ ngoại tệ không chỉ có người dân, cá nhân riêng lẻ, mà có mặt cả các tổ chức tài chính, một sự tự vệ trước biến động tài chính. Lượng tiền đổ vào đầu cơ ngoại tệ là không nhỏ và khi kênh này không còn, nó trở thành một nguồn vốn lớn hậu thuẫn cho chứng khoán.

Nguồn vốn thứ hai hỗ trợ cho chứng khoán là lượng tiền đầu tư kinh doanh vàng. Những tháng đầu năm, các sàn vàng “làm mưa làm gió”, thu hút nhà đầu tư và khối lượng tiền khổng lồ. Có ngày sàn vàng giao dịch tới 18 tấn, mức cao kỷ lục. Lượng vàng nhập khẩu vào Việt Nam cũng tăng kỷ lục, gần 60 tấn trong tháng 1 đến tháng 4/2008.

Những người không đến sàn giao dịch vàng, thì mua vàng cất giữ, bán ra khi giá lên và mua lại khi giá xuống. Sự biến động lên liên tục của giá vàng khi đó đã giúp vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. Sự “ồn ào” của vàng chỉ lắng lại khi Nhà nước ngưng hoàn toàn việc cấp quota nhập khẩu vàng và giá vàng quốc tế bắt đầu lao dốc.

Bây giờ thì vàng đang là kênh đầu tư rủi ro khi giá vàng trong nước luôn cao hơn giá quốc tế 500.000-1.000.000 đồng/lượng. Các tay “lướt sóng” vàng nội địa không dám vay vàng để bán cho dù dự đoán mười mươi giá quốc tế giảm bởi có ngày giá vàng thế giới giảm, mà giá trong nước lại tăng!

Ngoài ngoại tệ, vàng, các kênh đầu tư khác như bất động sản đang ở trong giai đoạn khó khăn. Ngay cả đầu tư căn hộ để cho thuê cũng không thật sự hấp dẫn cho dù giá cho thuê nhà đang gia tăng chóng mặt. Đầu tư sản xuất, kinh doanh trong thời lạm phát cao không dễ dàng. Gửi tiết kiệm ngân hàng lãi suất cao và an toàn, nhưng cũng chỉ mang tính tạm thời với kỳ hạn ngắn 1-3 tháng. Người gửi tiền đôi khi cũng “lướt sóng” tiết kiệm.

Tất cả những nguồn vốn đó đã ngẫu nhiên tụ hợp và tìm ra địa chỉ đầu tư ở chứng khoán. Nhất là khi giá cổ phiếu đã tụt giảm quá sâu, giá một số cổ phiếu đã thấp hơn giá trị sổ sách. Chứng khoán lại trở thành nơi hút vốn và đây là một trong những lý do chủ yếu giải thích cho sự tăng trưởng của VN-Index vừa qua.

Nội lực và ngoại lực

Nhiều nguồn vốn chạy vào cùng lúc đã tạo sức bật mạnh cho chứng khoán và trong một chừng mực nhất định đầu cơ lấn lướt đầu tư (cho dù đầu cơ là một trong những đặc trưng cơ bản của chứng khoán). Có những ngày sàn Hà Nội và Tp.HCM đồng loạt “xanh rờn”, hầu hết cổ phiếu kịch trần, bất chấp kết quả kinh doanh lời lỗ của doanh nghiệp niêm yết.

Tuy vậy, cho dù tâm lý đầu tư theo phong trào vẫn còn ngự trị, sự phân hóa cổ phiếu đã diễn ra. Giá các blue-chip có kết quả kinh doanh khả quan đã tăng nhiều phiên liền. Khi sự tăng điểm của VN-Index kéo dài sang tuần thứ 5-6 kể từ đầu tháng 7-2008, đã thấp thoáng xu hướng đầu tư theo giá trị, thời hạn nắm giữ cổ phiếu không chỉ dừng ở T+3, một số nhà đầu tư đã sẵn sàng để nắm giữ cổ phiếu dài hơi hơn.

Hiện nay, khi những tháng hè nóng bỏng mặt trời đã đi qua, mùa thu dịu mát bắt đầu, câu hỏi liệu VN-Index có tiếp tục hành trình tăng trưởng lại được đặt ra và dường như câu trả lời phụ thuộc nhiều vào sự cân bằng nội lực - ngoại lực. Trên đường đi, VN-Index có thể vấp phải những lực cản như kết quả kinh doanh quý 3 của công ty niêm yết sẽ được công bố từ giữa tháng 10 trở đi; chỉ số lạm phát và lãi suất cơ bản của tháng 9, tháng 10; tình hình lợi nhuận của các ngân hàng và nhất là mức tăng trưởng GDP quý 3.

Ngay cả khi lạm phát tăng chậm lại, lãi suất cơ bản giữ nguyên, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trên sàn không quá tồi, thì tăng trưởng GDP vẫn là điều cần hết sức lưu tâm. Sẽ là thuận lợi cho chứng khoán khi tăng trưởng GDP quý 3 đạt 6% trở lên. Dưới mức này, khó khăn là yếu tố mà nhà đầu tư không thể không tính đến.

Ngoài những nhân tố trên, cân bằng nội lực - ngoại lực đang thể hiện sự ảnh hưởng mang tính quyết định đến thị trường. Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến hiện tượng các quỹ đầu tư nước ngoài thâm niên do các công ty tên tuổi trong giới tài chính ở Việt Nam quản lý như VinaCapital, Prudential, Dragon Capital, PXP... bán ra các loại cổ phiếu ở nhiều phiên liền. Có ý kiến cho rằng đó thuần túy là việc tái cơ cấu danh mục đầu tư, hiện thực hóa lợi nhuận và nên xem động thái của các tổ chức nước ngoài cũng bình thường như các nhà đầu tư khác.

Có thể một phần như vậy, nhưng phần khác thì không, đặc biệt trong bối cảnh thị trường nhạy cảm như bây giờ. Có những cổ phiếu tốt, triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp cao, được các quỹ nước ngoài mua vào trước đây, nay họ bán ra ở mức giá chỉ bằng một nửa giá đầu tư.

Với khối lượng 5-10 triệu cổ phiếu mỗi loại đang nắm giữ, sự bán ra đồng loạt của họ là một thử thách lớn đối với sức cầu thị trường. Trong trường hợp khối nhà đầu tư trong nước đủ sức tiêu thụ hết lượng cung này, thị trường sẽ đi lên, và ngược lại.

Có thể nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang cân nhắc theo nhiều hướng khác nhau những bất ổn của kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng của sự tụt giảm giá dầu và nguyên liệu quốc tế, nhưng cũng có thể nhìn nhận một vài quỹ trong số họ đang nỗ lực bỏ bớt những sai lầm trong đầu tư thời gian qua, nhất là những khoản được giải ngân cuối năm 2006 đầu năm 2007. Phần lớn những khoản giải ngân đó đã tác động đến sự giảm sút 40-50% giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đầu tư vào Việt Nam đang niêm yết trên thị trường London hiện nay.

Sẽ là thuận lợi tuyệt vời cho họ nếu thanh lý được cổ phiếu ở mức giá bây giờ và mua lại hoặc mua vào những cổ phiếu tốt hơn khi thị trường quay trở lại mốc 350-400 điểm. Tuy nhiên, thị trường có quay lại mốc đó không, lại là một ẩn số bất ngờ khác!

(Theo TBKTSG)