11:00 04/08/2008

“ANZ vẫn xem Việt Nam là thị trường trọng điểm”

Thanh Hải

Ông Alex Thursby, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ nói về chiến lược của ANZ tại Việt Nam

ANZ sẽ tiếp tục đầu tư thêm nhiều máy ATM hơn - Ảnh: Việt Tuấn.
ANZ sẽ tiếp tục đầu tư thêm nhiều máy ATM hơn - Ảnh: Việt Tuấn.
Ông Alex Thursby, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ nói về chiến lược của ANZ tại Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều biến động như hiện nay?

Mặc dù hiện tại nền kinh tế Việt Nam có nhiều biến động, tuy nhiên ANZ vẫn hoàn toàn tin tưởng vào cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong dài hạn. Chúng tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng trong năm 2008 sẽ chậm lại một chút để Chính phủ Việt Nam có thể kiềm chế lạm phát một cách nhanh chóng.

Một quốc gia với dân số hơn 86 triệu người thực sự có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm ngân hàng. Hiện nay mới chỉ có 10% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, tỷ lệ này vào khoảng 35% tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM.

Một lý do khác để lạc quan là vai trò và những cam kết của Chính phủ Việt Nam. Từ năm 2000, Chính phủ đã đẩy mạnh tự do hóa nền kinh tế. Việt Nam hiện vẫn đạt mức tăng trưởng 7,5%/năm so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đứng sau Trung Quốc về tăng trưởng kinh tế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang tăng mạnh.

Đâu là những lý do khiến ANZ quyết định tổ chức chuyến Tham quan thị trường 4 quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Campuchia cho các nhà phân tích tài chính và đại diện các quỹ tín dụng lớn nhất của Australia, thưa ông?

ANZ đã lựa chọn những quốc gia trên vì cả những yếu tố bên trong và bên ngoài. Tại những thị trường này ANZ là một trong số những ngân hàng quốc tế hàng đầu với những thế mạnh nhất định. 4 quốc gia trên có những lợi thế nhất định so với các quốc gia trong khu vực bởi rất nhiều lý do.

Cụ thể, với Việt Nam, hiện vẫn là một nước nghèo nhưng lại có tốc độ phát triển rất nhanh; một thị trường có dân số tới 86 triệu và đang rất cần đầu tư trong các lĩnh vực đặc biệt là ngân hàng và cơ sở hạ tầng.

Những lợi thế của Việt Nam bao gồm tốc độ tăng trưởng GDP cao, là thành viên của WTO, có được sự hỗ trợ từ các tổ chức viện trợ chính thức, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sang đổi mới và ngày càng có thêm nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Một số thách thức của Việt Nam gồm có các khoản nợ của Chính phủ, chính sách tài chính tiền tệ thì vẫn còn đang được phát triển, cần có những cải tổ trong ngành ngân hàng một cách kịp thời và thu nhập bình quân đầu người còn tương đối thấp.

Và trên tất cả, lạm phát đang là một nguy cơ trong ngắn hạn và trung hạn. Khi cân bằng những lợi thế cũng như những thách thức trên, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường trọng điểm của ANZ trong dài hạn.

Chiến lược đầu tư ngắn hạn và dài hạn của ANZ tại thị trường Việt Nam là gì, thưa ông?

ANZ đề cao mục tiêu phát triển lâu dài tại Việt Nam, có nghĩa là chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm nhiều máy ATM hơn, nhiều phòng giao dịch, nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn nữa khi được chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên các lĩnh vực dịch vụ ngân hàng bán lẻ và dịch vụ ngân hàng dành cho doanh nghiệp.

Trong ngắn hạn, chúng tôi tập trung vào phát triển bộ phận hỗ trợ và phục vụ khách hàng để khách hàng cảm nhận được chất lượng dịch vụ khách hàng khi giao dịch với ANZ.

Tiếp theo, chúng tôi cơ cấu lại chiến lược các sản phẩm tiết kiệm và tín dụng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời đảm bảo rằng khách hàng sẽ nhận được những giá trị tốt nhất mà họ mong đợi khi giao dịch với ANZ.