22:07 08/10/2011

Áp hệ số rủi ro cao nhất đối với cho vay bảo đảm bằng vàng

Thùy Duyên

Ngân hàng Nhà nước quy định áp hệ số rủi ro cao nhất đối với các khoản cho vay được bảo đảm bằng vàng của các tổ chức tín dụng

Quy định mới này nhằm tiếp tục kiểm soát hoạt động cho vay đối với các nhu cầu vốn mua vàng cho vay có bảo đảm bằng vàng, góp phần ổn định thị trường vàng và ngoại hối.
Quy định mới này nhằm tiếp tục kiểm soát hoạt động cho vay đối với các nhu cầu vốn mua vàng cho vay có bảo đảm bằng vàng, góp phần ổn định thị trường vàng và ngoại hối.
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản quy định áp hệ số rủi ro cao nhất đối với các khoản cho vay được bảo đảm bằng vàng của các tổ chức tín dụng.

Ngày 8/10/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 33/2011/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, Thông tư số 33/2011/TT-NHNN bổ sung điểm d khoản 5.6 Điều 5 của Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định hệ số rủi ro là 250% đối với các khoản cho vay được bảo đảm bằng vàng.

Đây cũng là hệ số rủi ro cao nhất theo phân loại tại Thông tư 13, gồm nhóm với các khoản cho vay để đầu tư chứng khoán, các khoản cho vay các công ty chứng khoán, các khoản cho vay nhằm mục đích kinh doanh bất động sản.

Thông tư mới ban hành cũng bổ sung điểm d khoản 1 Điều 9 Quy chế cho vay 1627 quy định các nhu cầu vốn không được cho vay bao gồm nhu cầu vay vốn để mua vàng; trừ trường hợp được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép vay vốn mua vàng để sản xuất vàng miếng, sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ và cho vay để nhập khẩu vàng nguyên liệu theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư số 33/2011/TT-NHNN sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2011.

Đối với các hợp đồng tín dụng được ký kết, có hiệu lực trước ngày thông tư này có hiệu lực, tổ chức tín dụng và khách hàng vay tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết cho đến khi trả hết nợ gốc và lãi vốn vay; hoặc tổ chức tín dụng và khách hàng vay thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng phù hợp với quy định của Thông tư này và pháp luật khác có liên quan.

Việc ban hành thông tư trên là nhằm tiếp tục kiểm soát hoạt động cho vay đối với các nhu cầu vốn mua vàng cho vay có bảo đảm bằng vàng, góp phần ổn định thị trường vàng và ngoại hối.

Hôm qua (7/10), Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng phải báo cáo gấp Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ) tình hình cho vay thế chấp, cầm cố bằng vàng đối với tổ chức, cá nhân phát sinh từ ngày 1/1/2011 đến ngày 7/10/2011 (doanh số cho vay, dư nợ cho vay, số lượng khách hàng vay, mục đích sử dụng vốn vay, công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay...), gửi về ngày 12/10/2011.

Văn bản đó nhấn mạnh: các tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nếu cho tổ chức, cá nhân vay vốn để thực hiện các hoạt động đầu cơ vàng, gây rối loạn thị trường vàng, ngoại hối.