09:14 06/08/2007

APEC tăng cường và hội nhập thị trường vốn tư nhân

Nguyễn Toàn

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 14 (FMM14) vừa diễn ra tại thành phố Queensland, Australia

Các bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của thị trường vốn được phát triển sâu rộng trong huy động vốn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Các bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của thị trường vốn được phát triển sâu rộng trong huy động vốn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 14 (FMM14) vừa diễn ra tại thành phố Queensland, Australia.

Đây là cuộc họp thường niên của các bộ trưởng tài chính của APEC, diễn ra trong các ngày 2 và 3/8/2007, nhằm tập trung thảo luận các định hướng hợp tác kỹ thuật và chính sách trong khu vực, và tham mưu cho lãnh đạo các nền kinh tế APEC về các thách thức, các vấn đề nóng liên quan đến tình hình kinh tế, tài chính toàn cầu và khu vực.

Hội nghị có sự tham dự của bộ trưởng 21 nền kinh tế thành viên APEC và đại diện cấp cao của các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB, ABAC EC...

Trong kỳ họp này, trên cơ sở Chương trình Nghị sự trung hạn Hà Nội (được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính lần thứ 13 tại Hà Nội) các bộ trưởng đã tập trung vào thảo luận hai chủ đề chính sách của năm APEC 2007 (đã được các quan chức tài chính triển khai nghiên cứu kể từ đầu năm 2007) về "Minh bạch và bền vững trong Bảng cân đối tài chính công" và "Tăng cường và hội nhập thị trường vốn tư nhân".

Thảo luận về nội dung minh bạch hoá và bền vững tài chính công, các bộ trưởng đánh giá cao vai trò của bền vững tài khoá đối với phát triển kinh tế ổn định; trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý rủi ro ngoài ngân sách liên quan đến chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước và các quỹ hưu trí, chăm sóc sức khoẻ...

Trên cơ sở nhận thức rõ việc thực hiện hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của từng nền kinh tế, các bộ trưởng nhấn mạnh các nguyên tắc bền vững tài khoá, bao gồm tạo điều kiện cho sự vận hành tốt của thị trường nhằm giảm áp lực tài khoá; thu thập và báo cáo...

Liên quan đến chủ đề "Tăng cường và hội nhập thị trường vốn tư nhân", các bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của thị trường vốn được phát triển sâu rộng trong huy động vốn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Để tăng cường thị trường vốn, các bộ trưởng cho rằng việc củng cố cơ sở hạ tầng pháp lý và thương mại, đa dạng hoá các sản phẩm tài chính trên thị trường (như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, công cụ phái sinh) và việc xác định ưu tiên, quy trình cải cách là rất cần thiết.

Ngoài ra, các bộ trưởng cũng khuyến khích các nền kinh tế trong phạm vi và mức độ cho phép thực hiện các chuẩn mực quốc tế nhằm thực hiện các mục tiêu bảo vệ nhà đầu tư, minh bạch hoá thị trường và quản lý các rủi ro liên quan.

Bên cạnh hai chủ đề chính sách chính trong năm này, các Bộ trưởng đã thảo luận về các vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay bao gồm xác định nguyên nhân và các biện pháp khắc phục tình trạng đầu tư thấp tại một số nền kinh tế châu Á; đánh giá tác động của tình hình biến động giá dầu thế giới, thảo luận về các biện pháp tài khoá cần thiết nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và hạn chế thay đổi khí hậu toàn cầu.

Các nội dung về tình hình cải cách của các tổ chức tài chính quốc tế như: chiến lược trung hạn của IMF; cải cách quản trị của WB và rà soát chiến lược dài hạn của ADB và chống rửa tiền, tài trợ khủng bố cũng được các bộ trưởng thảo luận tại Hội nghị.

Đoàn đại biểu Bộ Tài chính Việt Nam đã tham gia thảo luận một cách tích cực vào các nội dung của Hội nghị; chia sẻ các thông tin liên quan đến kinh nghiệm phát triển thị trưởng vốn, quản lý rủi ro tài khoá, tình hình đầu tư và các biện pháp tài chính, tài khoá được thực hiện nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Với vai trò là thành viên của nhóm "troika" (gồm nước chủ nhà năm nay- Australia, chủ nhà năm trước - Việt Nam và chủ nhà năm tiếp theo - Peru), đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng các tài liệu của Hội nghị, xây dựng Tuyên bố chung của các bộ trưởng (JMS) và đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận động và xây dựng quan hệ đồng thuận về các vấn đề thảo luận tại Hội nghị.

Ngoài các hoạt động đa phương, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã có một số cuộc tiếp xúc song phương bên lề với một số đối tác như Australia, Indonesia nhằm trao đổi, thảo luận về tình hình quan hệ kinh tế thương mại và các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa trong lĩnh vực tài chính.

Trong buổi gặp song phương với Bộ trưởng Tài chính nền kinh tế chủ nhà Australia, ông Peter Costello, trước khi diễn ra Hội nghị, hai bên đã trao đổi tình hình kinh tế tài chính của hai nước, quan hệ hợp tác song phương giữa hai Bộ Tài chính, đặc biệt là quan hệ phối hợp lẫn nhau trong quá trình triển khai tiến trình hợp tác chính trong tiến trình Hội nghị Bộ trưởng tài chính APEC.

Hai bên nhất trí trong thời gian tới sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác về lĩnh vực tài chính giữa hai nước.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 14 đã diễn ra trong bầu không khí trao đổi cởi mở, thẳng thắn, hiểu biết lẫn nhau và trên cơ sở đồng thuận. Ngày 3/8, Hội nghị đã kết thúc thành công sau khi ra Tuyên bố chung nêu rõ quan điểm và các vấn đề đã được thảo luận và thống nhất trong Hội nghị.