14:11 28/11/2024

Apple gặp nhiều sóng gió khi cố gắng ra mắt AI tại Trung Quốc

Quỳnh Anh

Nhiều chuyên gia cho rằng, có khả năng Apple sẽ đẩy lùi mốc thời gian triển khai Apple Intelligence ở Trung Quốc sang nửa cuối năm 2025 hoặc xa hơn nữa…

Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất của Apple bên ngoài Hoa Kỳ, đóng góp 17% doanh thu trong năm kết thúc vào tháng 9/2024.
Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất của Apple bên ngoài Hoa Kỳ, đóng góp 17% doanh thu trong năm kết thúc vào tháng 9/2024.

Apple đang phải đối mặt với một cuộc đua gian nan để phát hành các mô hình trí tuệ nhân tạo của riêng mình tại Trung Quốc. Theo một số chuyên gia trong ngành, các công ty nước ngoài sẽ phải đối mặt với một quá trình khó khăn và lâu dài để giành được sự chấp thuận của Chính phủ trừ khi họ hợp tác với các công ty địa phương.

Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook đã đến Trung Quốc vào ngày 25/11 vừa rồi. Đây là chuyến thăm thứ ba trong năm nay, trong bối cảnh Apple cố gắng phát hành Apple Intelligence của mình vào các thiết bị được bán tại quốc gia tỷ dân này.

Trong những tháng gần đây, nhà sản xuất iPhone đã có các cuộc đàm phán với các công ty công nghệ Trung Quốc để giúp thúc đẩy Apple Intelligence. Một số nguồn tin tiết lộ, Apple cũng đã cân nhắc việc chạy các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của riêng mình tại Trung Quốc.

Theo một chuyên gia từ Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, thông thường các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài muốn sử dụng LLM thì nên kết hợp với các công ty tại Trung Quốc. Ông cho biết làm như vậy quy trình phê duyệt sẽ đơn giản và thuận lợi hơn nhiều.

Tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ này đã nỗ lực tái tạo, khẳng định vị thế dẫn đầu của mình bằng cách phát hành AI trong năm nay. “Gã khổng lồ” về công nghệ đặt cược rằng người tiêu dùng sẽ nâng cấp thiết bị để truy cập các tính năng mới bởi vì các tính năng này sẽ không hoạt động trên các mẫu iPhone cũ hơn.

Doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc đã chững lại trong thời gian gần đây. Huawei đang trở thành đối thủ lớn khi công ty cũng đã tích hợp các dịch vụ AI tạo sinh của mình vào các thiết bị mới nhất.

Nếu Apple không thể sử dụng các mô hình của riêng mình tại Trung Quốc, công ty sẽ phải phụ thuộc vào LLM từ các đối tác Trung Quốc để cung cấp năng lượng cho tất cả các tính năng AI tạo ra trong điện thoại được bán tại đây.

Trong thời gian gần đây, Apple được cho là đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến AI với gã khổng lồ tìm kiếm Baidu, tập đoàn công nghệ ByteDance và Moonshot, công ty khởi nghiệp đứng sau chatbot Kimi AI.

Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất của Apple bên ngoài Hoa Kỳ, đóng góp 17% doanh thu trong năm kết thúc vào tháng 9/2024. Nhưng doanh số bán hàng tại quốc gia này đã giảm 8% so với năm trước.

Khi Tim Cook đến thăm Bắc Kinh vào tháng trước, ông đã nói với các phương tiện truyền thông địa phương rằng công ty đang "nỗ lực hết mình" để ra mắt Apple Intelligence tại Trung Quốc.

Ông nói: "Chúng tôi hy vọng sẽ đưa AI đến với người tiêu dùng Trung Quốc càng sớm càng tốt. Chúng tôi đang gấp rút hoàn thành các thủ tục và quy trình cần thiết để làm được điều này”.

Nhà phân tích Samik Chatterjee của JPMorgan cho biết "quy trình quản lý của Trung Quốc vẫn còn mơ hồ đối với Apple và các công ty quốc tế khác". Ông cho biết Apple có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận linh hoạt, theo đuổi quan hệ đối tác với Baidu cũng như các công ty nhỏ khác ở Trung Quốc. Bằng cách này, công ty có thể nhận được vị thế tốt hơn và từ đó dễ dàng nhận được sự chấp thuận từ Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Chatterjee cũng nhận định có khả năng Apple sẽ đẩy lùi mốc thời gian triển khai Apple Intelligence ở Trung Quốc sang nửa cuối năm 2025 hoặc xa hơn nữa.