08:17 25/07/2011

Apple Store giả gây phẫn nộ, trùm tin tặc bị “vỗ mặt”

Phúc Minh - Sơn Hà

Các nhà chức trách địa phương đã phải vào cuộc điều tra, sau khi những hình ảnh Apple Store giả giăng đầy các báo quốc tế

Gian hàng Apple giả có bài trí y hệt "hàng xịn" đã khiến cư dân mạng phẫn nộ - Ảnh: Bird Abroad.
Gian hàng Apple giả có bài trí y hệt "hàng xịn" đã khiến cư dân mạng phẫn nộ - Ảnh: Bird Abroad.
Cộng đồng mạng bất bình trước việc một số cửa hàng ở Trung Quốc giả mạo Apple Store; Trùm tin tặc Anonymous bị một nhóm hacker lạ mặt tấn công và buông lời giễu cợt... là một vài trong số những tin tức đáng chú ý trong tuần qua.

Dân mạng phẫn nộ

Tuần qua, một loạt tờ báo có uy tín đã dẫn bài viết trên blog của tác giá Bird Abroad cho hay, ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) xuất hiện những cửa hàng có bài trí y hệt các đại lý thực sự của Apple, gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Theo tiết lộ của blogger Bird Abroad, hàng điện tử giả không còn là chuyện lạ ở Trung Quốc, nơi hàng ngày hàng giờ bạn có thể gặp nhan nhản những chiếc điện thoại hao hao giống sản phẩm của Nokia hay Motorola được bán ở các chợ.

Tuy nhiên, không chỉ có vậy, ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc có cả những cửa hàng Apple "nhái". Từ cách bài trí cho tới trang phục nhân viên thực sự giống tới nỗi các khách hàng tưởng đang đứng trong một Apple Store chính hiệu.

Tờ The Guardian (Anh) cho biết, mặc dù hãng công nghệ quả táo khuyết không bình luận về việc trên, nhưng khẳng định họ chỉ có bốn Apple Store ở Thượng Hải và Bắc Kinh và không có gian hàng nào ở Côn Minh.

Sau khi những thông tin này xuất hiện trên các báo, nhiều cư dân mạng đã tỏ ra phẫn nộ về hành vi làm trái pháp luật này. Nhiều tín đồ công nghệ tại Trung Quốc thậm chí đã đến tận cửa hàng Apple Store giả này để mắng mỏ và đòi lại tiền.

Các nhân viên bán hàng tại cửa hàng này cho biết, sau khi vụ việc bị tiết lộ, việc kinh doanh ở đây đã bị ảnh hưởng lớn, nhiều khách hàng liên tục đòi chứng minh tính xác thực của sản phẩm do cửa hàng này bán ra.

Tuy nhiên, vụ việc đã tới tai các nhà chức trách. Theo Tân Hoa xã ngày 23/7, Sở công nghiệp và thương mại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, đã chính thức bắt tay vào việc kiểm tra tất cả các cửa hàng điện tử của thành phố này.

Tân Hoa Xã đưa tin, công tác kiểm tra được thực hiện sau khi ba cửa hàng tự xưng là "Apple Stores" xuất hiện trên Internet, nhưng không được Apple ủy quyền. Các cửa hàng bán lẻ giả mạo vốn khá phổ biến ở Trung Quốc, nhưng giả danh Apple thì khá hiếm và mới mẻ.

Một nhân viên Sở công nghiệp và thương mại Vân Nam cho biết công tác kiểm tra sẽ tiến hành xem xét giấy phép kinh doanh, giấy phép được ủy quyền sử dụng nhãn hiệu và kênh mua hàng của mỗi cửa hàng. Kết quả sẽ sớm được công bố.

"Vỗ mặt" ông trùm

Hôm 21/7 vừa qua, trang mạng xã hội AnonPlus do nhóm tin tặc khét tiếng thế giới Anonymous mở ra cho những ai quan tâm tới "bộ môn" tin tặc, đã trở thành nạn nhân trong một vụ tấn công mạng của nhóm tự xưng là Akincilar (tên một thị trấn ở Thổ Nhĩ Kỳ).

Akincilar đã xấc xược khi để lại hình ảnh đầu chó ngay ở vị trí logo của AnonPlus, cùng một thông điệp mỉa mai những nỗ lực của Anonymous trong việc xây dựng một "xã hội tin tặc" trên mạng, nhạo báng Anonymous không đáng mặt để làm những điều đó.

Phản ứng về vụ việc này, Anonymous cho rằng những gì Akincilar vừa làm đã chứng tỏ giới hạn tự do mà Anonymous mở ra cho mọi người trên AnonPlus là quá nhiều. Trong thời gian tới, chắc chắn Anonymous sẽ thay đổi phương thức của họ trong việc quản lý mạng xã hội này, để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Tuy nhiên, sau vụ việc trên, AnonPlus đã phải tạm thời đóng cửa mà không nói rõ lý do. Hiện nay, mạng xã hội này đang tự chuyển hướng người dùng sang một địa chỉ máy chủ khác thay thế.

Trong khi đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tiếp tục chiến dịch càn quét và bắt giữ hàng loạt thành viên của Anonymous cùng nhóm tin tặc LulzSec. Các nghi phạm bị bắt giữ sẽ đối mặt với các cáo buộc xâm nhập hệ thống trái phép và tham gia vào những cuộc tấn công quy mô lớn vào các tập đoàn và cơ quan chính phủ.

Trợ lý Giám đốc FBI Steve Chabinsky tuyên bố, “chúng tôi muốn gửi đến một thông điệp rằng gây hỗn loạn trên Internet là không được chấp nhận. Ngay cả khi tin tặc lợi dụng “nguyên nhân xã hội” thì cũng hoàn toàn không thể chấp nhận được khi đột nhập vào các trang web và có hành vi trái pháp luật”.

Đáp lại, Anonymous cùng LulzSec cũng cho biết, các chính phủ và tập đoàn là kẻ thù của họ và việc bắt giữ các thành viên của nhóm là vô nghĩa, bởi lẽ ý tưởng của chúng sẽ không bị thể bị bắt giữ: “Chúng ta không còn hoảng sợ. Đó là nhiệm vụ của chúng ta, và mọi người sẽ không thể làm được gì để ngăn cản chúng ta”.

Lợi dụng cả người chết

Hôm 23/7, hãng tin Reuters cho hay, cô ca sỹ đầy tai tiếng Amy Winehouse đã qua đời tại nhà riêng ở Bắc London, Anh. Cảnh sát tìm thấy thi thể của ngôi sao 27 tuổi này tại căn hộ ở Camden Square, sau khi nhận được thông báo từ dịch vụ y tế khẩn cấp.

Amy Winehouse từng giành được tới 5 giải Grammy nhưng sự nghiệp của cô nhanh chóng lao dốc sau hàng loạt bê bối liên quan tới chứng nghiện rượu và ma túy. Mới đây, nữ ca sỹ này đã bị chỉ trích nặng nề sau buổi trình diễn tệ hại tại thủ đô Belgrade (Serbia). Chính bởi sự cố này, cô đã buộc phải rút ngắn tour diễn châu Âu của mình.

Tuy nhiên điều đáng nói là cái chết của Amy Winehouse đã trở thành công cụ để giới tội phạm công nghệ lợi dụng, lừa đảo trên mạng xã hội Facbook. Những kẻ lừa đảo đã đưa lên những thông điệp mời gọi các thành viên nhẹ dạ bấm vào đường link có video ghi lại cảnh trước khi Winehouse bị chết.

Mặc dù bị chỉ trích nặng nề, nhưng dẫu sao Amy Winehouse vẫn là cái tên hot, nhất là khi nguyên nhân cái chết của nữ ca sỹ này còn là điều bí ẩn, do vậy, không ít người nghẹ dạ cả tin đã nghe theo, bấm vào đường link trong thông điệp..

Thực tế, đường link đó chẳng hề dẫn tới video nào cả, mà lại chuyển hướng người dùng tới các bài khảo sát trực tuyến để những kẻ chủ mưu kiếm lời hoa hồng. Chưa kể, những rủi ro tiềm ẩn phần mềm độc hại hoàn toàn có thể "núp" dưới những đường link kiểu này.

Giới chuyên gia cảnh báo, những kẻ lừa đảo trực tuyến luôn biết cách lợi dụng sự kiện có tính thu hút ngoài thực tế, như vụ Winehouse qua đời hay thảm sát tại Nauy để tạo ra các bẫy đối với người dùng Internet.