22:47 26/05/2009

ASEM coi chống chủ nghĩa bảo hộ là nhiệm vụ số 1

Kiều Oanh

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 nhất trí tăng cường chống chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại và tài chính

FMM 9 nhất trí tăng cường hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính, nhất là các nước đang phát triển.
FMM 9 nhất trí tăng cường hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính, nhất là các nước đang phát triển.
Châu Á và châu Âu cần tăng cường chống chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại và tài chính, coi đây là biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm đưa hai châu lục vượt qua những thách thức mà khủng hoảng tài chính gây ra.

Đây là một trong những nội dung quan trọng mà các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 (FMM 9) đã nhất trí.

Sau hai ngày đối thoại nghiêm túc và cởi mở, với một chương trình làm việc đồ sộ, FMM 9 đã bế mạc vào chiều ngày 26/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC), Hà Nội.

Nổi bật trong chương trình làm việc của FMM 9 là các cuộc bàn thảo về việc hợp tác ngăn chặn khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới. Trong đó, công tác chống chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại và tài chính là những vấn đề được các đại biểu đặt lên hàng đầu.

“Các bộ trưởng thống nhất nhận định các biện pháp bảo hộ tuy có thể giảm bớt khó khăn trong thời gian ngắn cho nước thực hiện, nhưng sẽ dẫn tới các hành động trả đũa có thể làm tổn hại thêm nền kinh tế thế giới và kéo dài thời gian hồi phục”, tuyên bố đã được hội nghị thông qua cho biết. “Vì lẽ đó, các bộ trưởng kêu gọi tất cả các quốc gia không đưa ra hay tăng cường các rào cản thương mại và đầu tư, kịp thời rỡ bỏ các rào cản này nếu có và không hướng nội khi có bất ổn tài chính”.

Trong lần khủng hoảng kinh tế này, ngoài những thách thức từ sự sụt giảm tăng trưởng trên phạm vi toàn cầu, thế giới còn đặc biệt lo ngại về nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế.

Theo định nghĩa mà tạp chí Economist đưa ra trong một bài báo mới đây, “chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế đồng nghĩa với những nỗ lực “giam giữ” việc làm và các dòng vốn ở trong nước”. Economist nhận định: “Bởi thế, chủ nghĩa này được xem là có thể khiến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị và đe dọa làm nghiêm trọng thêm tình trạng suy thoái toàn cầu”.

Trong số những biểu hiện của sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế phải kể tới điều khoản “người Mỹ dùng hàng Mỹ” trong đạo luật kích thích kinh tế mới đây của Mỹ. Hay như ở một số nước châu Âu như Pháp và Thụy Sỹ, các ngân hàng được khuyến khích rút vốn ở nước ngoài về nước và tăng cường cho vay trong nước, trong khi các khoản vay ra nước ngoài bị giám sát chặt chẽ.

Với tính chất nguy hiểm của chủ nghĩa bảo hộ, những tuyên bố chống lại chủ nghĩa này được FMM 9 đưa ra cho thấy quyết tâm của các quốc gia thành viên trong việc ngăn chặn những diễn biến xấu đi của khủng hoảng.

“Chúng ta đang sống trong một thế giới có độ tùy thuộc lẫn nhau cao. Do đó, việc tăng cường mối quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi là điều vô cùng quan trọng”, ông Jan Kohout, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc, nước hiện đang nắm vai trò Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), phát biểu trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị.

Đáng chú ý, FMM 9 cũng nhất trí tăng cường hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính, nhất là các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, hội nghị kêu gọi các nước phát triển thực hiện dành 0,7% thu nhập quốc gia cho hoạt động hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Hoạt động hạn chế của các dòng vốn do bảo hộ, cùng với sự rút lui của các nhà đầu tư nước ngoài, đang khiến nhiều quốc gia đang phát triển lâm vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng. Hãng tin tài chính Bloomberg mới đây dẫn số liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở tại New York cho thấy, các nền kinh tế đang nổi lên ở châu Âu gồm Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và 5 nước Đông Âu là thành viên EU sẽ chứng kiến lượng vốn ròng bị rút đi lên tới 26,7 tỷ USD trong năm nay, so với mức 241,4 tỷ USD và 396,1 tỷ USD vốn ròng chảy vào khu vực trong các năm 2008 và 2007.

Để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế trong ASEM, các bộ trưởng tham dự hội nghị cũng nhất trí sẽ sớm khôi phục Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM (EMM) và đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEM lần thứ 9 tại Tây Ban Nha vào năm sau.

Một nội dung nữa được nhấn mạnh trong tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị  là tăng cường tính minh bạch và tăng cường vai trò của các nền kinh tế đang phát triển tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), G20... Hội nghị cũng nhất trí tăng cường giám sát và điều tiết thị trường tài chính nằm khôi phục niềm tin. Đây đều là những vấn đề mà các hội nghị gần đây của các diễn đàn như G8 hay G20 đặc biệt chú ý, do bối cảnh của cuộc khủng hoảng hiện nay đang đòi hỏi phải có sự thay đổi và điều chỉnh.

Tại cuộc họp báo khép lại FMM9, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định, hội nghị đã thành công tốt đẹp, góp phần đưa hợp tác Á-Âu trở nên thực chất và sống động hơn, qua đó nâng cao vai trò và vị thế của nước chủ nhà Việt Nam trong diễn đàn ASEM.

Các hội nghị FMM diễn ra hai năm một lần, là cầu nối giữa hai kỳ hội nghị cấp cao ASEM. Hội nghị tại Hà Nội lần này nhằm thúc đẩy triển khai các quyết định đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEM 7 diễn ra Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng 10/2008 và mở đường cho Hội nghị cấp cao ASEM 8 diễn ra Brussels (Bỉ) vào năm 2010.