06:00 12/05/2015

Ba chuyện lạ quanh “cuộc chiến” nóng bỏng ở EVE

Hoàng Lộc

Mùa đại hội đồng cổ đông 2015 sắp kết thúc với câu chuyện ly kỳ và “cuộc chiến” nóng bỏng nhất là đại hội đồng cổ đông của EVE

Tại nhiều đại hội đồng cổ đông, cuộc chiến vì quyền lợi giữa các cổ đông đã tạo nên những mâu thuẫn khó hàn gắn.<br>
Tại nhiều đại hội đồng cổ đông, cuộc chiến vì quyền lợi giữa các cổ đông đã tạo nên những mâu thuẫn khó hàn gắn.<br>
“Cuộc chiến” nóng bỏng nhất mùa đại hội cổ đông 2015 có lẽ là đại hội cổ đông của Công ty Cổ phần Everpia (mã EVE-HOSE).

Thành quả đã thuộc về những cổ đông gắn liền mật thiết với quá trình phát triển của công ty, nhưng chẳng ai được lợi gì trước mắt, còn lâu dài thì phải chờ.

Ngày 24/4, đại hội đồng cổ đông của EVE đã thông qua kế hoạch 2015 với doanh thu 950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 95 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện 2014. Năm 2014, EVE thực hiện được 781 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 84 tỷ đồng, cổ tức 2014 bằng tiền 10%.

Đại hội cũng thông qua việc mở rộng ngành nghề kinh doanh là xuất nhập khẩu các sản phẩm đồ gỗ nội thất, đồ nhà bếp, văn phòng... và đổi tên công ty từ Everpia Việt Nam thành Everon.

Tuy nhiên, tại đại hội năm nay, những cuộc tranh cãi còn nóng bỏng hơn năm trước về các nội dung của đại hội với những chuyện khá lạ kỳ dưới cái nhìn của giới đầu tư.

Chuyện lạ kỳ đầu tiên

Đại hội đồng cổ đông năm 2015 của EVE, các cổ đông đã biểu quyết thông qua toàn bộ vấn đề hội đồng quản trị đệ trình với tỷ lệ thấp nhất 81,1% quyền biểu quyết tại đại hội.

Trong khi đó, tại đại hội thường niên 2014 (tổ chức ngày 28/3/2014), nhóm cổ đông lớn Red River Holding với cổ phần sở hữu trực tiếp (12,5%) và ủy quyền đạt trên 38% đã phủ quyết hàng loạt nội dung hội đồng quản trị đệ trình, duy chỉ có 2 vấn đề xin ý kiến cổ đông được đại hội đồng cổ đông thông qua với tỷ lệ đồng thuận 100% là nới room ngoại lên mức tối đa khi pháp luật cho phép và lựa chọn đơn vị kiểm toán.

Tất cả các vấn đề còn lại đều không đủ tỷ lệ đồng thuận tối thiểu nên kế hoạch kinh doanh năm 2014 đành bỏ ngỏ. Mãi đến quý 3/2014, một bản nghị quyết lấy ý kiến bằng văn bản mới được ra đời và cổ tức năm 2013 lúc đó mới đủ cơ sở pháp lý để chia cho cổ đông.

Năm 2015, Hội đồng Quản trị Everpia xin ý kiến đại hội đồng cổ đông 9 vấn đề và đã được đại hội thông qua toàn bộ với tỷ lệ từ 81,1% đến 100%, bất chấp cổ đông lớn Red River Holding bỏ phiếu chống tới 6 vấn đề trọng yếu.

Đặc biệt, cổ đông tiếp tục phê chuẩn ông Lee Jae Eun làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Everon và thông qua trả cổ tức năm 2014 là 10% (1.000 đồng/cổ phiếu) bằng tiền mặt, bất chấp một số cổ đông lớn phản đối và yêu cầu mức cao hơn.

Chuyện lạ kỳ thứ hai


Cuối năm 2014, Everpia có tới 26 tổ chức là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán là cổ đông nhỏ (sở hữu dưới 5% vốn) nắm giữ 23,31% tổng số cổ phiếu EVE đang lưu hành (27.986.518 cổ phiếu) và 4 cổ đông lớn là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nắm giữ 34,79% tổng số cổ phiếu EVE đang lưu hành.

Lý do là chỉ riêng năm 2014, Everpia đã đón tiếp thêm 12 quỹ đầu tư, công ty chứng khoán đến tham quan và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào công ty, trong đó có những tên tuổi khá nổi tiếng như Vietnam Holding, Pemberton Investment, Equinox Partnern, Frontaura Capital, Global Frontier Funds.

Do có quá nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp là cổ đông nên Everpia đã gánh chịu hậu quả: mâu thuẫn và những cuộc tranh cãi lớn triền miên trong hơn 2 năm trời, chủ yếu là xung đột về lợi ích (chia cổ tức và thoái vốn với giá cao) giữa những cổ đông lớn là nhà đầu tư chuyên nghiệp và những ông chủ đã gắn bó lâu dài với sự phát triển của công ty.

Nhiều người cho rằng cổ đông lớn đang gây sức ép quá sức lên ban lãnh đạo Everpia trong vấn đề chia cổ tức và luôn muốn cổ tức cao hơn. Mâu thuẫn lên đỉnh cao, giống như một cuộc chiến, khi Red River Holding kêu gọi: tất cả các cổ đông hãy hành động để bảo vệ quyền lợi của chính mình và gây áp lực lên ban điều hành để họ cần hành động vì lợi ích của cổ đông.

Đồng thời phải dừng ngay các hành động phá hủy giá trị của cổ phần công ty bao gồm đầu tư vào các khoản đầu tư không sinh lợi, cấu kết với bên thứ ba để thao túng giá chứng khoán và duy trì chính sách cổ tức thấp.

Ban điều hành cần ngừng ngay bất kỳ hành động nào nhằm mua cổ phiếu EVE với giá thấp từ các cổ đông với mục đích gia tăng kiểm soát công ty. Nếu có bất kỳ cá nhân/tổ chức nào muốn mua lại công ty, thì việc mua lại đó phải được thực hiện cách công bằng, minh bạch và theo luật định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của các cổ đông.

Tuy nhiên, lời kêu gọi này không được đa số cổ đông đầu tư lâu dài vào công ty ủng hộ bởi vì Red River Holding, các côn ty chứng khoán chỉ muốn cổ tức cao và thoái vốn với mức giá có lời sau một vài năm đầu tư, họ ít quan tâm đến khó khăn trước mắt của EVE.

Chuyện lạ kỳ thứ ba


Red River Holding đặt nghi vấn là ban điều hành Everpia Việt Nam đang cấu kết với ông Ngô Phương Chí, thành viên Hội đồng Quản trị Everpia Việt Nam, Chủ tịch Công ty Chứng khoán IB, và/hoặc bên thứ ba để thao túng, làm giảm giá cổ phiếu EVE nhằm mua lại cổ phần của cổ đông với giá thấp để gia tăng quyền kiểm soát EVE.

Cụ thể, Công ty Chứng khoán IB (VIX), cổ đông lớn của Everpia Việt Nam đã hai lần bị Ủy ban Chứng khoán xử phạt về vi phạm trên thị trường chứng khoán. Mới nhất, ngày 3/2/2015, VIX bị Ủy ban Chứng  phạt tiền 85 triệu đồng do không báo cáo theo quy định trước khi thực hiện giao dịch mua 1.632.198 cổ phiếu EVE của Công ty Cổ phần Everpia Việt Nam vào ngày 5/11/2014.

Tại đại hội đồng cổ đông 2015, đại diện ủy quyền của Red River Holding đã đặt nghi vấn: ông Ngô Phương Chí, thành viên hội đồng quản trị độc lập của EVE từ năm 2011, đã làm việc trong ngành chứng khoán gần 20 năm.

Vậy mà, Công ty Chứng khoán IB đã mua vào 1.632.198 cổ phiếu EVE (chiếm tỷ lệ 5,93%) mà không thực hiện việc công bố thông tin theo quy định.

Ông Ngô Phương Chí giải thích là do lỗi kỹ thuật về giao dịch, hiểu nhầm quy định về đăng ký giao dịch cổ phiếu, trong khi đại diện của Red River Holding nghi ngờ lỗi này không đúng do ông Chí hiện đang là Chủ tịch Công ty Chứng khoán IB và có 20 năm lăn lộn trên thị trường chứng khoán.