Ba doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị phạt 325 triệu đồng
Các doanh nghiệp bị phạt vì các lý do như: Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt quá số lượng người đăng ký; không hướng dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; thanh lý hợp đồng không theo quy định pháp luật...
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do có những vi phạm liên quan đến hoạt động này.
Trong đó, Công ty cổ phần Vận tải biển và hợp tác lao động quốc tế - INLACO SAIGON chịu mức phạt cao nhất với 180 triệu đồng.
Doanh nghiệp này bị phạt do ký không đúng mẫu hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với 2 lao động; đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt quá số lượng người đăng ký theo hợp đồng cung ứng lao động 322 người.
Công ty cổ phần đầu tư Thuận An DMC bị phạt 85 triệu đồng cũng có nguyên nhân do nội dung ký không đúng mẫu hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với 3 lao động.
Ngoài ra, doanh nghiệp này bị phạt do thanh lý hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không theo quy định pháp luật; không hướng dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, đóng không đúng thời hạn vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định pháp luật.
Cùng với 2 công ty trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng xử phạt Công ty Cổ phần tư vấn du học và Thương mại Giang Anh mức 60 triệu đồng với nội dung vi phạm là không duy trì một trong các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của pháp luật trong suốt quá trình hoạt động.
Cụ thể, theo Điều 10 của Luật, doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi có đủ các điều kiện như: Có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên; có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư; đã ký quỹ theo quy định.
Có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm.
Có cơ sở vật chất của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có trang thông tin điện tử…
Cùng với phạt tiền, Công ty Cổ phần tư vấn du học và Thương mại Giang Anh cũng chịu hình thức phạt bổ sung là đình chỉ các hoạt động gồm: Ký kết và thực hiện hợp đồng, thỏa thuận liên quan đến việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ở nước ngoài; cung cấp thông tin, quảng cáo, tư vấn về cơ hội việc làm ở nước ngoài; chuẩn bị nguồn lao động và tuyển chọn người lao động; tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Các hoạt động này sẽ bị đình chỉ trong 9 tháng.
Trước đó hồi tháng 5, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng từng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư du học và Hợp tác quốc tế VTC1 với mức 132,5 triệu đồng.
Doanh nghiệp này cũng bị phạt do ký không đúng mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với 3 lao động.
Đồng thời, thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không theo quy định pháp luật. Cụ thể, thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với 2 người lao động quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng.
Không hướng dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; không tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài đối với 3 lao động tham gia chương trình kỹ năng đặc định theo quy định của pháp luật.