14:55 13/04/2023

Quý 1-2023: Xuất khẩu lao động tăng hơn 15 lần

Nhật Dương

Trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 37.923 lao động, đạt 34,48%, và gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 3/2023 là 9.494 lao động (3.420 lao động nữ), gấp hơn 8 lần (8,66 lần) so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 3/2022 là 1.096 lao động, trong đó có 319 lao động nữ).

Số lao động này gồm các thị trường: Nhật Bản 5.223 lao động (2.392 lao động nữ), Đài Loan 3.435 lao động (930 lao động nữ), Trung Quốc 278 lao động nam, Hồng Kông 137 lao động nam, Hàn Quốc 48 lao động nam, Hungari 124 lao động (61 lao động nữ), Rumani 25 lao động, và các thị trường khác.

Như vậy, trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 37.923 lao động (12.872 lao động nữ), đạt 34,48% kế hoạch năm 2023, (năm 2023, dự tính kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 110.000 lao động) và gấp hơn 15 lần (15,45 lần) so với cùng kỳ năm ngoái (3 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 2.455 lao động).

Trong đó, thị trường Nhật Bản 17.696 lao động (6.972 lao động nữ), Đài Loan 18.044 lao động (5.648 lao động nữ), Trung Quốc 517 lao động nam, Singapore 364 lao động nam, Hàn Quốc 278 lao động nam, Hungari 204 lao động (101 lao động nữ), Rumani 223 lao động, và các thị trường khác.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước, đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình. Hiện nay, lượng kiều hồi từ xuất khẩu lao động mỗi năm khoảng 3-3,5 tỷ USD.

Hiện nay, Việt Nam cũng như hầu hết các nước đều có sự thay đổi chính sách thích ứng với dịch Covid-19 nhằm phục hồi kinh tế, thông qua việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Do đó, nhu cầu tiếp nhận lao động được dự báo sẽ gia tăng. Đây là thời cơ thuận lợi để tăng cường đưa lao động đi làm việc ở các thị trường nước ngoài.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2023, mục tiêu hướng đến là tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống và mở rộng để tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia châu Âu trong các ngành nghề mới với công việc ổn định, thu nhập cao.

Song song với việc mở thêm các thị trường mới thì việc nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ được chú trọng.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác gắn kết giữa doanh nghiệp dịch vụ với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc chuẩn bị, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động về ngoại ngữ, tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật, nhằm đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động, tạo vị thế của người lao động ở nước ngoài.

Đồng thời, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động, cũng như phòng tránh tình trạng người lao động bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, để lành mạnh hóa thị trường xuất khẩu lao động, công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ được đẩy mạnh. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.