09:54 25/04/2007

Ba kịch bản cho kinh tế Việt Nam 2007

Nguyên Linh

GDP năm 2007 có khả năng tăng tới 8,7%, lạm phát được kiềm chế ở mức 7,9% và xuất khẩu tăng 26,3%

Dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2007 cũng khá lạc quan - Ảnh: Việt Tuấn.
Dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2007 cũng khá lạc quan - Ảnh: Việt Tuấn.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố Báo cáo kinh tế hàng năm, trong đó đưa ra dự báo trên mô hình kinh tế lượng vĩ mô cho nền kinh tế Việt Nam năm 2007 theo 3 kịch bản.

Các yếu tố chính tạo nên các kịch bản khác nhau là triển vọng kinh tế thế giới, diễn biến nội tại kinh tế Việt Nam và những điều chỉnh chính sách vĩ mô cần thiết, đặc biệt là diễn biến giá dầu và giải ngân vốn FDI.

Thứ nhất, "kịch bản cơ bản" được dự báo cho nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện "bình thường", phù hợp với kỳ vọng chung về triển vọng như Nghị quyết số 75/2006/QH11 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội mới đề ra.

Cụ thể, GDP tăng 8,2-8,5%, tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu tăng 17,4%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 40% GDP, tổng thu ngân sách Nhà nước 281,9 tỷ đồng, tổng chi ngân sách Nhà nước 357,4 tỷ đồng.

Triển vọng này sẽ đạt được trên cơ sở dự báo kinh tế thế giới tuy tăng trưởng chậm hơn so với năm 2006, nhưng khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và nhiều nước ASEAN- những đối tác thương mại chính của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng cao (khoảng trên 5%/năm).

Kịch bản này được dự báo với điều kiện giá dầu giảm, nhưng vẫn đứng ở mức cao, khoảng 56 USD/thùng, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng 2%, trong khi giá xuất khẩu nông sản giảm 4%. Vì vậy, cùng với việc gia tăng sản lượng khai thác dầu thô trên 5% và hiệu quả thu thuế tăng nên đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo giá hiện hành có khả năng tăng 16%.

Bên cạnh đó, các yếu tố vĩ mô khác cũng sẽ đạt những hiệu ứng tích cực cho tăng trưởng kinh tế: giải ngân vốn FDI tăng 25%, đồng thời Việt Nam thực thi các chính sách vĩ mô tương đối thận trọng thông qua chính sách tiền tệ, tỷ giá. Năm 2007, đồng tiền Việt Nam (Việt NamD) tuy có khả năng mất giá danh nghĩa 2%/năm so với USD, nhưng cung tiền tệ có thể tăng đến 25%.

Thứ hai, trên cơ sở này, CIEM dự báo một "kịch bản số 1" mang tính lạc quan hơn nếu tình hình kinh tế thế giới thuận lợi hơn và môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn nhiều đối với nhà đầu tư nước ngoài.

GDP năm 2007 có khả năng tăng tới 8,7%, lạm phát được kiềm chế ở mức 7,9% và xuất khẩu tăng 26,3% nếu có sự khác biệt (gần như duy nhất) là giải ngân FDI tăng tới 35%.

Thứ ba, "kịch bản số 2" được đánh giá là "bất định" nếu như giá dầu thế giới giảm và con số giải ngân FDI chỉ tăng 20%. Kết quả là GDP sẽ chỉ đạt 8,1%, xuất khẩu tăng 16,5%, thâm hụt ngân sách Nhà nước cao ở mức 4,93%. Tuy nhiên, chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế và cả chỉ tiêu tăng trưởng của các khu vực chủ yếu của nền kinh tế đều có thể đạt được, kinh tế vĩ mô vẫn có thể được duy trì tương đối ổn định, mặc dù tỷ lệ lạm phát có cao hơn mức của năm 2006.

Tuy nhiên, CIEM cũng cho biết có "độ nhạy" của các kết quả nói trên khi thay đổi các biến số về giá dầu hoặc tỷ giá hối đoái theo dự báo của các tổ chức kinh tế - tài chính thế giới. Chẳng hạn, nếu giá dầu không giảm như đánh giá của Việt Nam mà tăng 20% như IMF dự báo sẽ tác động tích cực trong ngắn hạn, giúp kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng tối thiểu 8,7%.

Tuy nhiên, bất chấp lo ngại về áp lực tăng giá VND sẽ không như tính toán của các nhà hoạch định chính sách (tăng giá danh nghĩa VND so với USD trong khoảng 1- 2%) do các luồng vốn đổ vào Việt Nam gia tăng, thì các chỉ số chủ yếu như tăng trưởng, lạm phát 2007 không bị ảnh hưởng đáng kể. Cho nên, dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2007 cũng khá lạc quan, dù nhìn chung có thấp hơn đôi chút so với các kịch bản của CIEM.

Vì vậy, CIEM đánh giá, vấn đề đối với Việt Nam năm 2007 không chỉ là thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm mà còn phải đẩy mạnh cải cách, tạo tiền đề duy trì tăng trưởng cao và sự phát triển bền vững trong nhiều năm tới.