17:41 12/12/2024

Ba lưu ý với doanh nghiệp khi thực hiện kiểm kê, báo cáo phát thải khí nhà kính

Phạm Vinh

Doanh nghiệp cần chú trọng xác định đối tượng để gửi và phạm vi báo cáo, có hồ sơ chứng minh việc phát thải trong quá trình hoạt động sản xuất. Các hoạt động khắc phục phải được ghi nhận khi lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Cùng với đó cần xác định rõ nguồn phát thải, xây dựng các biện pháp giảm thiểu hiệu quả...

Hội thảo "Phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững: Thách thức - cơ hội cho doanh nghiệp" diễn ra tại SIHUB.
Hội thảo "Phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững: Thách thức - cơ hội cho doanh nghiệp" diễn ra tại SIHUB.

Ngày 11/12, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP. Hồ Chí Minh (SIHUB) phối hợp với Công ty QMS Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề ''Phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững: Thách thức - cơ hội cho doanh nghiệp" diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. 

Hội thảo nhằm cung cấp thông tin và giải pháp cho doanh nghiệp trước yêu cầu kiểm kê phát thải khí nhà kính, theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Chính phủ; đồng thời đáp ứng xu thế kinh tế xanh và phát triển bền vững trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Quyết định 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có 2.166 doanh nghiệp thuộc 6 lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, môi trường, nông lâm nghiệp… tại Việt Nam phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải, trước ngày 31/3/2025.

Tại hội thảo, ông Lê Anh Dũng, chuyên gia QMS Việt Nam, cho rằng điều này đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ có báo cáo và dữ liệu đầu vào đầy đủ mà còn cần tuân thủ quy trình kiểm kê chính xác, phù hợp. Việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 13/2024/QĐ-TTg sẽ mang lại những lợi ích quan trọng và giá trị chiến lược cho các doanh nghiệp, nhất là trong hành trình phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ông Dũng cũng nêu 03 vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu ý: Xác định đối tượng để gửi và phạm vi báo cáo; Có hồ sơ chứng minh việc phát thải trong quá trình hoạt động sản xuất; Các hoạt động khắc phục phải được ghi nhận trong báo cáo.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần xác định rõ nguồn phát thải và xây dựng các biện pháp giảm thiểu hiệu quả. Điều đó không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu pháp lý tại Việt Nam mà còn chuẩn bị tốt hơn cho các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng nghiêm ngặt, đặc biệt là các quy định của thị trường EU.

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thiết lập hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu phát thải chính xác. Thêm vào đó, chi phí đầu tư vào công nghệ và nhân lực để thực hiện kiểm kê và giảm phát thải cũng là một trở ngại đáng kể.

Bên cạnh đó, việc tuân thủ quy định về kiểm kê khí nhà kính đang là một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm và thiếu nguồn lực. Một trong những rào cản lớn nhất là thiếu kiến thức và chuyên môn về đo lường, báo cáo và xác minh phát thải…

“Doanh nghiệp cần chú trọng trong việc xác định đối tượng để gửi và phạm vi báo cáo, có hồ sơ chứng minh việc phát thải trong quá trình hoạt động sản xuất và các hoạt động khắc phục phải được ghi nhận khi lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính”, chuyên gia QMS khuyến nghị.

Tại hội thảo, các chuyên gia của QMS Việt Nam, SIHUB đã chia sẻ thông tin tổng quan về khí nhà kính và tác động môi trường, các phương pháp đo lường và báo cáo khí thải theo chuẩn quốc tế, lợi ích của phát triển bền vững đối với doanh nghiệp và chiến lược xây dựng hệ thống quản lý ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị)…