Ba trụ cột chính trong hợp tác công nghệ Việt – Pháp
“Nghiên cứu – Đổi mới sáng tạo – Giá trị” được Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi số và Viễn thông Pháp xác định là ba trụ cột làm nền tảng cho “Năm Đổi mới Pháp – Việt", mở ra một chương mới trong hợp tác song phương về công nghệ nhân văn và bền vững…

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh French Tech Việt Nam 2025, bà Clara Chappaz, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi số và Viễn thông Pháp, bày tỏ niềm vinh dự khi trở lại Việt Nam, nơi gắn liền với chuyến công tác đầu tiên của bà tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2011, khi còn giữ vai trò đại diện của Zalora.
Trở lại trong cương vị mới và là thành viên đoàn tháp tùng Tổng thống Pháp, bà Clara Chappaz chia sẻ kỳ vọng mở ra một chương mới trong hợp tác công nghệ giữa hai quốc gia, với ba ưu tiên chiến lược được xác định cho quan hệ song phương.
BA TRỤ CỘT CHÍNH CHO NĂM ĐỔI MỚI VIỆT - PHÁP
Thứ nhất, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác học thuật và nghiên cứu nhằm nuôi dưỡng tài năng và đổi mới sáng tạo. Mối quan hệ Việt – Pháp từ lâu đã được bồi đắp bởi sự gắn bó trong nghiên cứu khoa học, với biểu tượng tiêu biểu là Giáo sư Ngô Bảo Châu – người Việt Nam đầu tiên nhận Huy chương Fields năm 2010. Một minh chứng khác cho nỗ lực này là sự hợp tác hiện tại giữa Viện Công nghệ Nano (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Ủy ban Năng lượng nguyên tử Pháp (CEA) trong lĩnh vực công nghệ nano tiên tiến.
Thứ hai, tăng cường kết nối giữa các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của hai nước. Bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển năng động của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, bà Clara Chappaz nhận định:
“Từ ngành công nghiệp bán dẫn, đến lĩnh vực di chuyển thông minh với xe điện SELEX; từ xuất bản phần mềm (như FPT) đến trò chơi điện tử và blockchain hay thành công của ‘kỳ lân’ VNG là minh chứng cho việc startup Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ và khẳng định vị thế trên bản đồ đổi mới sáng tạo toàn cầu.”
Ở chiều ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp Pháp cũng hiện diện tích cực tại Việt Nam với các tên tuổi lớn như Dassault Systèmes, Ubisoft, Keyrus – những doanh nghiệp đang góp phần vào quá trình chuyển mình của đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Thứ ba, hướng đến phát triển công nghệ dựa trên những giá trị nhân văn và đạo đức. Cũng theo bà, hợp tác đổi mới sáng tạo không thể tách rời khỏi yếu tố con người và đạo đức. Pháp, với vai trò trong Đối tác Toàn cầu về Trí tuệ Nhân tạo (GPAI), luôn kiên định với lập trường công nghệ phục vụ con người. Thông điệp này tiếp tục được Tổng thống Pháp nhấn mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về AI diễn ra tại Paris hồi đầu năm 2025.
“Trong cuộc đấu tranh vì một công nghệ có đạo đức, tôn trọng các giá trị nhân văn, tôi tin tưởng rằng mình có thể trông cậy vào sự đồng hành của chính quyền Việt Nam – những người đã và đang triển khai nhiều sáng kiến quan trọng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi xanh”, bà nói.
Với nền tảng đó, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi số và Viễn thông Pháp nhấn mạnh: “Nghiên cứu – Đổi mới sáng tạo – Giá trị là ‘tam trụ’ mà tôi mong muốn đặt làm nền móng cho Năm Đổi mới Pháp – Việt” . Đây là định hướng hợp tác mà bà kỳ vọng sẽ giúp hai quốc gia kiến tạo một tương lai công nghệ nhân văn, tôn trọng chủ quyền và đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn toàn cầu.
Bà Clara Chappaz chính thức phát động “Năm Đổi mới Pháp – Việt”, phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), khẳng định niềm tin vào sự đồng hành của các cơ quan chức năng cũng như Đại sứ quán Pháp trong hành trình hợp tác đầy triển vọng này.
PHÁP ĐÁNH GIÁ CAO SỰ TỰ CHỦ VỀ CÔNG NGHỆ CỦA VIỆT NAM
Chia sẻ bên lề sự kiện French Tech Summit Viet 2025, ông Alexandre Sompheng, Trưởng ban tổ chức và Chủ tịch French Tech Việt Nam, cho biết sứ mệnh cốt lõi của hội nghị là thúc đẩy việc mở rộng công nghệ Pháp ra trường quốc tế, bao gồm Việt Nam.
French Tech Summit không chỉ là nơi giới thiệu các startup mà còn là nền tảng để đưa công nghệ Pháp để hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực hạ tầng như giao thông, năng lượng. Trong đó, mục tiêu của French Tech Việt Nam là tạo kết nối sâu giữa hệ sinh thái công nghệ hai nước, mở ra những hợp tác bền vững trong tương lai. Ông Alexandre Sompheng cũng đặc biệt đánh giá cao nỗ lực làm chủ công nghệ của Việt Nam.
“Người Việt thường muốn tự làm, chỉ khi nào không thể thì mới tính đến hợp tác hoặc chuyển giao công nghệ. Một số ví dụ thành công như nền tảng Zalo hay chữ ký số MISA thể hiện rõ năng lực nội tại và tầm nhìn chiến lược của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam”, ông Alexandre Sompheng nhận định.
Theo ông, đây vừa là thử thách đối với các công ty công nghệ nước ngoài, vừa là điều mà ông cho rằng Pháp nên học hỏi – nhất là trong bối cảnh châu Âu đang bị phụ thuộc vào các tập đoàn công nghệ lớn như Meta, Amazon.
Về phía Việt Nam, bà Lê Thị Minh Anh, Trưởng ban hỗ trợ doanh nghiệp của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), nhận định quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong những năm gần đây, thể hiện nỗ lực chung của cả hai chính phủ.
Theo bà, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm và tìm hiểu sâu hơn về các doanh nghiệp Pháp thông qua việc tham dự các sự kiện do phía Pháp tổ chức. "Pháp là đất nước có truyền thống về AI và sáng tạo, trong đó các doanh nghiệp Pháp đã mang nhiều ý tưởng, công nghệ đến với Việt Nam. Tiêu biểu như tại Trung tâm đổi mới sáng tạo của chúng tôi ở Hà Nội đã có những phòng lab, gian hàng đặc biệt của các tập đoàn lớn đến từ Pháp về lĩnh vực nhà máy thông minh và bán dẫn như Tập đoàn Dassault Systèmes", bà Minh Anh chia sẻ.
Bà khẳng định đây là những bước tiến đầu tiên đánh dấu cho những mối quan hệ hợp tác sau này. Đồng thời trong năm 2025, NIC sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Năm Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Pháp, French Tech Viet Summit 2025 là khởi đầu cho chuỗi sự kiện diễn ra vào tháng 6 và tháng 10 tới tại cơ sở NIC Hoà Lạc, Hà Nội.