09:25 09/07/2024

Bạch hầu từng là dịch bệnh ám ảnh của thế giới

Hoài Phương

Bệnh bạch hầu thường khởi phát với các triệu chứng nhẹ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng…

Ảnh: Leadership News
Ảnh: Leadership News

Tờ Daily Mail thông tin, những ca bệnh bạch hầu đầu tiên được ghi nhận từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên và gieo rắc kinh hoàng khắp Ai Cập cổ đại và Syria. Khoảng thế kỷ 17 - 18, bạch hầu bùng phát thành nhiều đợt dịch, gây chết người hàng loạt ở châu Âu và châu Mỹ. Từ năm 1920, vaccine bạch hầu được tạo ra đã mang lại hy vọng mới cho nhân loại, giúp giảm mạnh số ca mắc bệnh tại nhiều quốc gia.

Trong những năm 90 của thế kỷ 20, bệnh bạch hầu từng bùng nổ thành dịch lớn ở một số nước như Nga, Ucraina... do các nước này đã bị gián đoạn việc tiêm chủng vaccine bạch hầu cho trẻ em. Chỉ tính riêng trong năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giới ghi nhận hơn 7.300 trường hợp mắc bệnh trên toàn cầu, và con số thực tế có thể còn cao hơn. Hồi tháng 4 năm nay, trong một bài đăng trên X (Twitter), WHO cũng cảnh báo rằng bệnh bạch hầu đang gia tăng trên toàn cầu.

NHỮNG TÌNH HUỐNG TIẾP XÚC DỄ LÂY NHIỄM

Tại Việt Nam, những ngày vừa qua thông tin về một ca tử vong do bệnh bạch hầu tại Nghệ An và một ca mắc tại Bắc Giang do tiếp xúc với ca tử vong khiến nhiều người lo lắng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An xác định 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong. Tương tự, Bắc Giang cũng xác định có 15 người tiếp xúc với ca mắc.

Hồi tháng 4 năm nay, WHO đã cảnh báo rằng bệnh bạch hầu đang gia tăng trên toàn cầu.
Hồi tháng 4 năm nay, WHO đã cảnh báo rằng bệnh bạch hầu đang gia tăng trên toàn cầu.

Ngày 9/7, Sở Y tế Nghệ An cho biết vừa có công văn số 2185 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu gửi các đơn vị trực thuộc. Giám đốc Sở Y tế Nghệ An yêu cầu giám đốc các đơn vị y tế trên địa bàn khẩn trương tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu; phát hiện sớm, hướng dẫn tổ chức cách ly kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài đối với các trường hợp mắc bệnh, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi, an toàn, chất lượng, đặc biệt rà soát các đối tượng chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ các vaccine có thành phần bạch hầu để tổ chức tiêm vét. Đảm bảo tất cả các trẻ kể cả trẻ vãng lai trên địa bàn đều được tiêm đủ các mũi tiêm cơ bản và nhắc lại, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B. Bệnh lây theo đường hô hấp theo hình thức giọt bắn, có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi… hoặc lây gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng.

Người lành mang trùng là những người mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh, họ vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác. "Như vậy, nguồn lây có thể là người bệnh, người lành mang trùng nên nhiều khi chúng ta không biết bị lây từ nguồn nào. Điểm nguy hiểm nữa của bệnh là tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm độc, nhiễm trùng nặng, đặc biệt là gây các tổn thương viêm cơ tim, nguy cơ tử vong cao", PGS Phu nói.

Khi thấy các triệu chứng điển hình, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám.
Khi thấy các triệu chứng điển hình, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám.

Đáng lưu ý, theo Cục Y tế dự phòng, bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Do đó, tất cả bệnh nhân viêm họng giả mạc nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly đường hô hấp nghiêm ngặt cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn 2 lần âm tính với vi khuẩn gây bệnh. Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh.

TRIỆU CHỨNG VÀ NGUY CƠ BÙNG PHÁT THÀNH DỊCH

Bác sĩ chuyên khoa 2, Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Thể bệnh hay gặp nhất của bệnh bạch hầu là ở đường hô hấp (mũi, họng, thanh quản, khí phế quản), trong đó 70% là bạch hầu họng.

"Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu tồn tại ở cả người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Khi một người bị nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu có thể dẫn đến tử vong rất nhanh trong khoảng 7 ngày nếu không phát hiện và điều trị", bác sĩ Tiến chia sẻ. Theo bác sĩ Tiến, thời gian ủ bệnh bạch hầu thường khoảng 2 - 3 ngày, sau đó xuất hiện các triệu chứng như đau họng, sốt, ho, khàn tiếng, chán ăn, xuất hiện giả mạc lan nhanh màu trắng ngà...

"Các triệu chứng của bạch hầu dễ nhầm lẫn với cảm cúm. Tuy nhiên ở người mắc bệnh cảm cúm sau hạ sốt có thể mặt mũi tươi tỉnh, còn người bệnh bạch hầu vừa nhiễm trùng, nhiễm độc nên mặt rất lờ đờ, mệt mỏi. Do đó khi thấy đau viêm họng nhiều, lờ đờ, có giả mạc trắng nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám", bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Tiêm vaccine đầy đủ và nhắc lại theo lịch, khử khuẩn nhà cửa, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc người bệnh là những cách phòng bạch hầu.
Tiêm vaccine đầy đủ và nhắc lại theo lịch, khử khuẩn nhà cửa, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc người bệnh là những cách phòng bạch hầu.

Về nguy cơ bùng phát thành dịch, bác sĩ Phan Văn Mạnh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin: "Tại Việt Nam, nhờ có chiến lược tiêm chủng vaccine Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván (DPT) trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1981, nên tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu đã giảm mạnh vào những năm 2010". Tuy vậy, từ năm 2013, lại lẻ tẻ xảy ra các đợt bùng phát dịch, chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên và gần đây là các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Điện Biên, Thái Nguyên.

Gần đây nhất vào khoảng tháng 9/2023, sau gần 20 năm không xuất hiện ca bệnh, tỉnh Hà Giang đã ghi nhận hơn 30 ca mắc bạch hầu, trong đó có trường hợp tử vong. Ngoài ra, Thái Nguyên cũng ghi nhận 2 ca mắc bạch hầu. Trước đó, vừa qua tỉnh Điện Biên ghi nhận 3 trường hợp mắc bạch hầu, có 1 ca tử vong…

Thời điểm dịch bạch hầu xuất hiện, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhận định, đa phần các ca mắc đều tới từ nguyên nhân tiêm phòng vaccine chưa đủ mũi. Mặt khác, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, điều kiện y tế ít nhiều còn hạn chế, nhận thức của người dân chưa cao, thường xem nhẹ việc tiêm chủng.

 

Theo các bác sỹ, tim là bộ phận dễ bị biến chứng nghiêm trọng nhất. Khoảng 30% bệnh nhân bạch hầu thể nặng có biến chứng viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim và tử vong. Tiếp theo, bạch hầu có thể gây ra các biến chứng thần kinh, chiếm khoảng 5% trong tổng số ca bệnh nặng. Bệnh có thể gây tổn thương hệ thần kinh ngoại vi và cả hệ thần kinh trung ương.