[Bài 2]: Đường lớn đã mở
Khởi đầu từ Nghi Sơn, các nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa để xây dựng nên những dự án quy mô lớn trong nhiều lĩnh vực. Nguồn vốn FDI đã khiến Thanh Hóa thực sự “lột xác”...
Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng, người đông, khu vực miền núi rộng lớn nhưng khó khăn, có xuất phát điểm thấp. Kinh tế từ chỗ nhỏ lẻ, chưa có tính liên kết, không khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh vốn có, thì nay đã có bước phát triển vượt bậc...
DÒNG VỐN NGOẠI KHIẾN THANH HÓA “LỘT XÁC”
Trước đây, mỗi khi nhắc về Thanh Hóa, nhiều người thường nghĩ đây là một địa phương có nền kinh tế còn khó khăn, người dân còn nhiều lam lũ, vất vả. Tuy nhiên, Thanh Hóa hiện đang vững vàng trên hành trình trở thành một cực tăng trưởng mới, một tỉnh “kiểu mẫu” trong thời đại mới.
Những năm trước đây, Thanh Hóa là gánh nặng của ngân sách quốc gia. Thu ngân sách trên địa bàn cả tỉnh chỉ đảm bảo vài chục phần trăm số chi thường xuyên, còn phần đa phải nhờ Trung ương bao cấp; tỷ lệ hộ nghèo thuộc nhóm cao nhất cả nước; tốc độ phát triển chậm chạp.
Trong một lần trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam / VnEconomy, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Từ xuất phát điểm thấp, Thanh Hóa đã đi lên bằng chính nội lực của mình. Năm 2022, thu ngân sách của tỉnh đạt 51.000 tỷ đồng, mức thu này gấp 3,9 lần năm 2015 và gấp 6,5 lần năm 2010; đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu ngân sách nhà nước. Năm 2023, mặc dù nền kinh tế chung của cả nước gặp vô vàn khó khăn nhưng Thanh Hóa vẫn thu ngân sách trên 43.000 tỷ đồng, đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Năm 2024, chỉ sau 9 tháng, Thanh Hóa đã thu ngân sách xấp xỉ 43.000 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch cả năm. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Ngoại trừ năm 2023 gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng của Thanh Hóa luôn ở mức 2 con số. Kết quả trên là thành tựu của thời gian dài tỉnh Thanh Hóa đã kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút dự án đầu tư, trong đó có các dự án FDI, nuôi dưỡng nguồn thu của tỉnh”.
Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 171 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ 20 quốc gia trên thế giới, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,78 tỷ USD đang còn hiệu lực, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Mỗi năm, các doanh nghiệp FDI đóng góp xấp xỉ 50% trong số thu ngân sách trên dưới 50.000 tỷ đồng của Thanh Hóa. Trong đó chỉ riêng Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đóng góp từ 20.000 đến 25.000 tỷ đồng vào ngân sách địa phương. Ngoài ra, Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Công ty xi măng Nghi Sơn, các doanh nghiệp may mặc, da giày cũng đóng góp không nhỏ vào số thu ngân sách của tỉnh. Chính nguồn thu ổn định từ các doanh nghiệp FDI đã giúp Thanh Hóa trở thành một “hiện tượng” về phát triển kinh tế mang tính đột phá, đưa tỉnh Thanh Hóa từng bước trở thành một cực tăng trưởng mới ở miền Trung.
Không chỉ đóng góp lớn vào ngân sách của tỉnh, các doanh nghiệp FDI đã tạo ra hàng trăm nghìn việc làm, góp phần to lớn vào các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Ông Trương Thông Uyên, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lợi (Đài Loan), doanh nghiệp gia công da giày hàng đầu thế giới, cho biết: “Hiện nay, Tập đoàn đã đầu tư vào địa bàn Thanh Hóa xấp xỉ 1 tỷ USD để xây dựng 16 nhà máy giầy (11 nhà máy sản xuất đồng bộ và 5 nhà máy sản xuất đế giầy), thu hút khoảng 120.000 lao động; giá trị xuất khẩu trên 500 triệu USD/năm; lương bình quân công nhân đạt khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Hiện, tập đoàn đã đầu tư hoàn thành xây dựng một cụm công nghiệp tại huyện Yên Định và đang phối hợp để đầu tư một cụm công nghiệp tại huyện Thiệu Hóa”.
Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, Tập đoàn cũng quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, đã đầu tư hoàn thành một dự án nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Lễ Môn. Trong thời gian tới, Tập đoàn dự kiến sẽ đầu tư thêm 7 nhà máy, trong đó có 4 nhà máy ở các huyện miền núi là Thường Xuân, Ngọc Lặc, Bá Thước và Cẩm Thủy, hứa hẹn giúp giải quyết việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động ở khu vực này. Các dự án của Tập đoàn tại Thanh Hóa đang hoạt động, sản xuất ổn định, hướng tới chiến lược xây dựng Thanh Hóa trở thành cứ điểm sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới, mỗi năm xuất khẩu hơn 200 triệu sản phẩm.
Thời điểm tháng 1/2024, nhân dịp tham dự Hội nghị WEF Davos năm 2024 tại Thụy Sỹ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhằm kêu gọi, thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã dành thời gian gặp lãnh đạo Công ty staBOO Holdings AG - công ty con của BARD AG, chuyên nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm nội thất cao cấp. Đơn vị này đang hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tấm ép ván dăm và ván ép OSB từ tre tại Việt Nam.
"RỒNG LỚN" GÕ CỬA
Ông Marcus Bards, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty staBOO Holdings AG và các cộng sự, đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam. Theo ông, Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển công nghiệp nội thất, nhất là từ nguồn nguyên liệu tre, luồng. Do đó, staBOO Holdings AG mong muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam và sẽ sử dụng công nghệ hiện đại, giảm phát thải carbon, đáp ứng yêu cầu phát triển xanh, bền vững của Việt Nam và đưa sản phẩm tre luồng của Việt Nam ra thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng việc này sẽ giúp nâng cao giá trị cho cây tre, luồng và nâng cao thu nhập cho người trồng tre, luồng; đồng thời, sử dụng công nghệ hiện đại, chế biến sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường để xuất khẩu ra thế giới.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Do đó, Thủ tướng đề nghị trong quá trình triển khai dự án, staBOO Holdings AG cần tuân thủ quy định về môi trường; đào tạo nhân lực cho lao động địa phương và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng của công ty trên toàn cầu.
Từ kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tháng 6/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 1625/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa cho Công ty cổ phần staBOO Thanh Hóa có địa chỉ trụ sở tại Km82 Quốc lộ 15A, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước. Diện tích đất thực hiện dự án này khoảng hơn 26ha, vốn đầu tư gần 3.200 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu (EU) vào tỉnh Thanh Hóa, mở ra những chân trời hợp tác mới giữa tỉnh Thanh Hóa và các nhà đầu tư lớn đến từ EU.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngày 25/11/2021, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã ký kết và trao đổi các văn kiện hợp tác với Chủ tịch Tập đoàn Aeon Mall Nhật Bản.
Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Thanh Hóa xác định dự án trung tâm thương mại của Tập đoàn Aeon Mall là dự án quan trọng. Đây là dự án lớn về thương mại, bán lẻ hiện đại, mang tính chất tiên phong, biểu tượng đối với tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ. Tập đoàn Aeon Mall là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản và đã có các dự án đầu tư trung tâm thương mại thắng lợi ở các thành phố lớn tại Việt Nam.
Khi dự án đi vào hoạt động, các sản phẩm của Thanh Hóa, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, OCOP sẽ có cơ hội lên kệ ở siêu thị bán lẻ hàng đầu thế giới. Đồng thời, thông qua Aeon Mall Thanh Hóa, các sản phẩm địa phương sẽ mở được cánh cửa để đến với thị trường Nhật Bản và các quốc gia có sự đầu tư của Aeon Mall. Vì thế, đây là một sự hợp tác mang tính chiến lược giữa Thanh Hóa và đối tác Nhật Bản, kết nối với thị trường rộng lớn nhưng khó tính của nước bạn”.
Hiện, dự án đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công trong quý 4/2024.
Trong chương trình chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, ngày 31/7/2024, tại Thủ đô New Delhi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm. Thủ tướng đã có các cuộc tiếp ông P. Ramesh Babu, Chủ tịch, Giám đốc điều hành tập đoàn SMS Pharmaceuticals và ông Narendra Reddy, Giám đốc điều hành Công ty Sri Avantika.
SMS Pharmaceuticals và Sri Avantika Contractors đã thành lập liên doanh với công ty Việt Nam để đề xuất phát triển Khu công nghiệp Dược phẩm công nghệ cao tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) với số vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD trong giai đoạn 1 và sẽ thúc đẩy, thu hút tổng vốn đầu tư khoảng 4 - 5 tỷ USD trong hơn 10 năm tới, sản xuất các sản phẩm hướng tới thị trường Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh các dự án trên, các tập đoàn năng lượng hàng đầu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan cũng đang cạnh tranh quyết liệt để trở thành chủ đầu tư dự án điện khí LNG có quy mô 2,5 tỷ USD tại Nghi Sơn. Dự án sẽ được mở thầu trong quý 4/2024.
Với sự quan tâm từ các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, Thanh Hóa đang trở thành điểm sáng về thu hút FDI với cơ hội “thay da, đổi thịt” nền kinh tế địa phương, hướng đến mục tiêu trở thành một tỉnh “kiểu mẫu”, đầu tàu của khu vực Bắc Trung Bộ...
Đón đọc tiếp: [Bài 3]: Nhận diễn điểm nghẽn, khơi thông dòng vốn ngoại
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 44-2024 phát hành ngày 28/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam