Bamboo Airways tăng tốc, hướng tới 30% thị phần hàng không nội địa
Mới cất cánh bay được 9 tháng, Bamboo Airways đã có gần 10% thị phần trong tay
Hãng hàng không của ông Trịnh Văn Quyết đang rốt ráo mở rộng đội bay, tăng tốc tới mục tiêu chiếm 30% thị phần hàng không nội địa vào năm 2020.
Tân binh dẫn đầu
Mới cất cánh bay được 9 tháng, Bamboo Airways đã có gần 10% thị phần trong tay, trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên ở Việt Nam đạt được tốc độ mở đường bay nhanh kỷ lục với 26 đường bay nội địa và quốc tế.
Tốc độ chiếm lĩnh thị phần của Bamboo Airways tính đến hiện tại cao hơn cả Vietjet - hãng hàng không tư nhân từng được ghi nhận tăng trưởng thần kỳ cũng chỉ có trong tay 8% thị phần vào năm đầu tiên cất cánh và phải mất tới gần 3 năm mới nâng thị phần của mình trên thị trường hàng không nội địa lên được 20,2%.
Lý giải cho sự phát triển đáng ngạc nhiên của "tân binh" Bamboo Airways, giới chức quản lý cũng như chuyên gia trong ngành cho rằng hãng bay này đã "nhắm" trúng phân khúc khách hàng tiềm năng, đó là nhóm khách hàng trung gian giữa Vietnam Airlines và Vietjet.
Nhóm khách hàng này có mức thu nhập trung bình khá, tiêu dùng thông minh, lựa chọn dịch vụ bay theo tiêu chí: rẻ hơn hàng không truyền thống nhưng dịch vụ phải tốt hơn.
Dịch vụ tốt và bay đúng giờ đang là hai lợi thế lớn nhất của Bamboo Airways. Hãng sau 9 tháng cất cánh đã thực hiện được hơn 10.000 chuyến bay an toàn tuyệt đối, duy trì tỷ lệ đúng giờ 93,8%, đứng đầu ngành hàng không Việt Nam.
Kế hoạch "tăng tốc"
Các chuyên gia của MBS dự báo, thị trường hành khách nội địa của Việt Nam sẽ tăng trưởng CAGR hàng năm ổn định ở mức 5,9%/năm cho giai đoạn 2018-2025, do thu nhập người dân tăng lên, cơ cấu dân số vàng với tỉ trọng tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.
Tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng sẽ là nguồn khách ngày càng dồi dào cho thị trường hàng không nội địa, vốn có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Bamboo Airways đang tăng tốc để đón đầu nguồn khách hàng tiềm năng này.
Trả lời Bloomberg, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết cho biết, hãng đặt mục tiêu chiếm 30% thị phần hàng không nội địa vào năm 2020 và sẽ phấn đấu là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam khai thác đường bay thẳng tới Mỹ cũng trong năm này. Cùng với đó là kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và sau đó là niêm yết trong năm 2020 để phục vụ kế hoạch mở rộng hoạt động.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, từ đầu tháng 9, Bamboo Airways đã được Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không mới, thay đổi người đại diện hãng theo pháp luật; tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp từ 700 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng; tăng quy mô khai thác đội bay từ 10 lên 30 chiếc; bổ sung các chi nhánh của hãng tại Hà Nội, Thanh Hóa, Tp.HCM…
Đồng thời, kế hoạch nhận tàu bay của Bamboo Airways cũng được rốt ráo đẩy mạnh. Hiện hãng đang vận hành hiệu quả 10 tàu bay thân hẹp và sẽ có tàu bay thân rộng Boeing B787-9 Dreamliner đầu tiên vào tháng 10 tới đây.
Đến quý 1/2020, đội bay của hãng dự kiến sẽ đạt 30 máy bay, với mục tiêu tiếp tục phát triển lên 100 máy bay vào năm 2024.
Báo cáo mới nhất của Cục Hàng không về thị phần của các hãng bay cho thấy các hãng hàng không đang có cuộc ganh đua khá quyết liệt, số liệu thị phần biến động từng ngày. Giới chuyên gia dự đoán, cùng với kế hoạch tăng tốc của tân binh Bamboo Airways và một loạt các hãng hàng không mới đang chờ bay, cục diện thị trường tới đây chắc chắn sẽ có sự thay đổi ngoạn mục.