Bàn cách vượt khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang lan rộng và tác động xấu đến tất cả các nước, trong đó có Việt Nam
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang lan rộng và tác động xấu đến tất cả các nước, trong đó có Việt Nam.
Cuộc khủng hoảng này cộng hưởng với những bất ổn vĩ mô và suy giảm sản xuất kinh doanh trong nước, đang và sẽ đặt ra những thách thức ngày càng lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cách ứng xử của các ngân hàng, tài chính, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong vấn đề này như thế nào? Việt Nam có vượt qua cuộc khủng hoảng này không?... đây là vấn đề đang được nhiều người quan tâm.
Tại hội thảo “Khủng hoảng tài chính quốc tế: Ứng xử của của ngành ngân hàng, tài chính, xuất nhập khẩu và doanh nghiệp Việt Nam” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM vào ngày 28/10 vừa qua, đa số các diễn giả đều có chung nhận định: trong ngắn hạn, ảnh hưởng trực tiếp của khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với Việt Nam không nặng nề, do hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa có nhiều hoạt động giao thương trực tiếp với các trung tâm tài chính thế giới; Việt Nam có rất ít nguy cơ đầu tư dưới chuẩn và tỷ lệ phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính thấp.
Tuy nhiên, không thể nói Việt Nam nằm ngoài “biên giới” khủng hoảng, và về dài hạn, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng sâu rộng nếu khủng hoảng tiếp tục kéo dài.
Những ảnh hưởng
Theo ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia tài chính độc lập, tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đến Việt Nam không quá lớn, tuy nhiên những tác động gián tiếp của nó đến thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam khá mạnh, đặc biệt là xuất khẩu (chiếm 60% GDP), vì Mỹ là thị trường nhập khẩu quan trọng các mặt hàng dệt may, da giày, thủy sản của Việt Nam.
Tất nhiên, không riêng gì Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác cũng phải chịu những tác động sâu xa từ việc thị trường xuất khẩu lớn nhất này bị suy thoái.
Mặt khác, khủng hoảng tài chính cũng có thể sẽ tạo ra những hiệu ứng chưa thể lường hết đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đến thị trường chứng khoán trong nước, thị trường bất động sản… Giá bất động sản cuối năm 2008 sẽ còn sụt giảm mạnh khi các khoản vay mua bất động sản đã đến hạn thanh toán, dẫn đến nợ xấu tăng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ vay bất động sản tính đến cuối tháng 9/2008 là 115.500 tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Đối với thị trường chứng khoán, có khả năng một số nhà đầu tư nước ngoài phải thu hồi nguồn vốn và bán chứng khoán. Điều này tác động đến dự trữ ngoại hối và giá cả trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhiều hơn mua vào sẽ làm giảm giá chứng khoán của Việt Nam.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, theo ông Thành, khu vực này sẽ gặp khó khăn nhưng không phải quá lớn. Những ngân hàng nhỏ với vốn điều lệ dưới mức tối thiểu quy định 1.000 tỷ đồng có thể sẽ phải sáp nhập với các ngân hàng lớn, nhưng sự đổ bể của hệ thống tài chính Việt Nam khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ giảm, thậm chí lỗ, nợ xấu sẽ tăng.
Đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc phụ trách nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright, nhận định: Việt Nam không những chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu này, mà còn bị ảnh hưởng sâu sắc, và nặng hơn cuộc khủng hoảng năm 1997.
“Vấn đề ở đây là Việt Nam đã rút ra được bài học gì từ khủng hoảng?”, ông Tự Anh nhấn mạnh.
Và ông dẫn một ví dụ: hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp dân doanh đang gặp rất nhiều khó khăn về lãi suất cũng như trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. “Giả sử 20.000 tỷ đồng vốn huy động bằng ba nguồn phân bổ của Vinashin mà được sử dụng cho doanh nghiệp dân doanh vay thì tôi cho rằng điều đó sẽ giúp “cứu nguy” hàng ngàn doanh nghiệp”, ông nói.
Bởi theo ông, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, hiệu quả của dòng vốn tín dụng càng phải được coi trọng, và việc phân bổ vốn nghiêng về các doanh nghiệp nhà nước đầu tư dàn trải, kém hiệu quả sẽ càng làm cho dòng vốn tín dụng của cả nền kinh tế nhanh cạn kiệt.
Sự “bao cấp” của nhà nước tạo tâm lý ỷ lại, dẫn đến hậu quả xấu - như một số trường hợp sụp đổ đã xảy ra tại Mỹ - bài học này, theo ông Vũ Thành Tự Anh, không phải là không cần xem xét tại Việt Nam.
Nhìn trên bình diện kinh tế toàn cầu, ông cũng cho rằng: chu kỳ nợ xấu, tín dụng thắt chặt, tăng trưởng kinh tế chậm đi và nhiều nợ xấu hơn nữa sẽ còn tiếp tục. Yếu tố then chốt để đảo ngược chu kỳ này là thị trường nhà ở và sự tái cấu trúc hệ thống tài chính của Hoa Kỳ, được dự đoán là mất từ 2-3 năm để ổn định trở lại.
Ngân hàng và doanh nghiệp
Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất cơ bản, nhưng doanh nghiệp vẫn vay rất ít trong thời gian gần đây, dẫn đến tỉ lệ tăng trưởng tín dụng giảm là điều đáng lo. Bởi điều này cho thấy tình hình sản xuất của doanh nghiệp đã suy giảm. Nhiều doanh nghiệp không chỉ không trả nổi lãi vay mà còn không có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lựợc phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng tiền cho ngân hàng thương mại thông một số chính sách tiền tệ, nhưng ngân hàng thương mại không cung ứng tiền cho doanh nghiệp bao nhiêu mà chủ yếu đầu tư trái phiếu và có bệnh “cố thủ”.
Theo các chuyên gia, điều kiện kinh tế của Việt Nam có phần tốt hơn, lạm phát giảm nhanh nhưng việc nới lỏng chính sách tiền tệ vẫn nằm trong sự thận trọng vì vậy doanh nghiệp đừng hy vọng lãi suất giảm mạnh bởi chính sách chống lạm phát vẫn còn ưu tiên.
“Ngân hàng nhìn doanh nghiệp với cặp mắt đầy nghi ngờ thì làm sao có thể mở hầu bao cho doanh nghiệp vay”, ông Nghĩa nói.
Cụ thể, theo ông, doanh nghiệp cần minh bạch, đưa ra kế hoạch sản xuất cụ thể, kế hoạch của dòng tiền để đàm phán với ngân hàng. Đặc biệt là phải chứng minh nợ xấu một cách minh bạch, khách quan để ngân hàng biết. Có thể tái cấu trúc, khoanh, giản nợ hay vay mới để cho ngân hàng thấy được định hướng, kế hoạch thu lãi của doanh nghiệp như thế nào.
“Đã đến lúc ngân hàng và doanh nghiệp cần phải ngồi lại với nhau, hợp tác với nhau”, ông Nghĩa nói.
Những đề xuất
Ông Phạm Đỗ Chí, Phó giám đốc điều hành VinaCapital, đã thử đưa ra một phương hướng giải quyết khủng hoảng cho Việt Nam. Để làm được điều này, theo ông Chí, các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường lưu lượng tiền mặt; chuyển hướng thị trường xuất khẩu sang Trung Đông và khu vực ASEAN cũng như thị trường trong nước.
Về phía các nhà làm chính sách, theo ông Chí, cần phải kiên quyết ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng ngân hàng do nợ xấu về thế chấp bất động sản; Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng bơm tiền mặt vào hệ thống ngân hàng khi cần và có kế hoạch sáp nhập những ngân hàng yếu vào ngân hàng mạnh; xây dựng kế hoạch đối phó bất ngờ để bảo đảm tiền gửi ngân hàng.
Trường hợp cuộc suy thoái thế giới trở nên xấu hơn, Nhà nước cần kích cầu trong nước bằng các gói kích thích tài chính và chính sách tín dụng lãi thấp. Để đạt được mục đích này, Ngân hàng Nhà nước cần giảm thêm lãi suất cơ bản trong thời gian tới (6-12 tháng).
“Trong bối cảnh một môi trường cực kỳ khó khăn đối với nền kinh tế thế giới, Chính phủ Việt Nam cần sẵn sàng và đủ linh hoạt để nhanh chóng ứng phó với những hoàn cảnh luôn biến động trên thị trường thế giới, ngõ hầu giảm được tác động của nó đối với Việt Nam”, ông Phạm Đỗ Chí nói thêm.
Còn theo ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, bên cạnh việc phát huy tính năng động, nghệ thuật quản lý điều hành, cũng như sự trợ giúp cụ thể, trực tiếp của Chính phủ cho từng lĩnh vực, từng ngành hàng trong chừng mực cho phép, thì điều cơ bản là “Nhà nước phải có những quyết sách điều hành vĩ mô kịp thời, đúng đắn để tái lập và duy trì tính ổn định vĩ mô trong mọi tình huống, chủ động ngăn chặn và xử lý những đột biến xấu vượt ra ngoài khả năng ứng phó của từng doanh nghiệp”. Và hơn hết là “cần tập trung thời gian, sức lực cho những vấn đề cơ bản hơn về vĩ mô”.
Đồng thời, ông Thúy cũng đưa ra những đề xuất cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khủng hoảng.
Thứ nhất, phải coi việc ngăn ngừa chiều hướng đình trệ sản xuất, kinh doanh - do cộng hưởng của suy thoái kinh tế thế giới với sự suy giảm đà tăng trưởng trong nước - là nhiệm vụ trung tâm đột xuất của những tháng cuối năm 2008 và trong cả năm 2009.
Thứ hai, cần củng cố lòng tin và tăng cường khả năng “chống đỡ giông bão” của hệ thống các tổ chức tài chính mà trụ cột là hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, trở lại nguyên tắc lãi suất thỏa thuận cả huy động lẫn cho vay, đã và đang bị những áp đặt hành chính làm tổn hại thời gian gần đây.
Thứ tư, lấy tỉ giá thực (REER - Real Effective Exchange Rate) làm căn cứ chính để xác định và điều hành tỉ giá đối đoái, chứ không giản đơn chạy theo cung cầu ngoại hối và bị động đối phó với các cơn sốt ngoại tệ (hiện đang có dấu hiệu trở lại).
Thứ năm, nên tháo dỡ “hạn mức tín dụng 30%” - tuy không có văn bản quy định về pháp lý - song vẫn đang là chỉ tiêu điều hành trên thực tế bằng không ít các mệnh lệnh hành chính.
Thứ sáu, chính sách tài khóa cần chia lửa nhiều hơn nữa với chính sách tiền tệ, để giảm bớt gánh nặng cho chính sách tiền tệ trong ứng phó với lạm phát và duy trì đà tăng trưởng, hạn chế bớt việc phải thắt chặt tiền tệ quá mức hoặc nới lỏng quá mức cần thiết.
Cuộc khủng hoảng này cộng hưởng với những bất ổn vĩ mô và suy giảm sản xuất kinh doanh trong nước, đang và sẽ đặt ra những thách thức ngày càng lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cách ứng xử của các ngân hàng, tài chính, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong vấn đề này như thế nào? Việt Nam có vượt qua cuộc khủng hoảng này không?... đây là vấn đề đang được nhiều người quan tâm.
Tại hội thảo “Khủng hoảng tài chính quốc tế: Ứng xử của của ngành ngân hàng, tài chính, xuất nhập khẩu và doanh nghiệp Việt Nam” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM vào ngày 28/10 vừa qua, đa số các diễn giả đều có chung nhận định: trong ngắn hạn, ảnh hưởng trực tiếp của khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với Việt Nam không nặng nề, do hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa có nhiều hoạt động giao thương trực tiếp với các trung tâm tài chính thế giới; Việt Nam có rất ít nguy cơ đầu tư dưới chuẩn và tỷ lệ phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính thấp.
Tuy nhiên, không thể nói Việt Nam nằm ngoài “biên giới” khủng hoảng, và về dài hạn, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng sâu rộng nếu khủng hoảng tiếp tục kéo dài.
Những ảnh hưởng
Theo ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia tài chính độc lập, tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đến Việt Nam không quá lớn, tuy nhiên những tác động gián tiếp của nó đến thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam khá mạnh, đặc biệt là xuất khẩu (chiếm 60% GDP), vì Mỹ là thị trường nhập khẩu quan trọng các mặt hàng dệt may, da giày, thủy sản của Việt Nam.
Tất nhiên, không riêng gì Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác cũng phải chịu những tác động sâu xa từ việc thị trường xuất khẩu lớn nhất này bị suy thoái.
Mặt khác, khủng hoảng tài chính cũng có thể sẽ tạo ra những hiệu ứng chưa thể lường hết đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đến thị trường chứng khoán trong nước, thị trường bất động sản… Giá bất động sản cuối năm 2008 sẽ còn sụt giảm mạnh khi các khoản vay mua bất động sản đã đến hạn thanh toán, dẫn đến nợ xấu tăng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ vay bất động sản tính đến cuối tháng 9/2008 là 115.500 tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Đối với thị trường chứng khoán, có khả năng một số nhà đầu tư nước ngoài phải thu hồi nguồn vốn và bán chứng khoán. Điều này tác động đến dự trữ ngoại hối và giá cả trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhiều hơn mua vào sẽ làm giảm giá chứng khoán của Việt Nam.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, theo ông Thành, khu vực này sẽ gặp khó khăn nhưng không phải quá lớn. Những ngân hàng nhỏ với vốn điều lệ dưới mức tối thiểu quy định 1.000 tỷ đồng có thể sẽ phải sáp nhập với các ngân hàng lớn, nhưng sự đổ bể của hệ thống tài chính Việt Nam khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ giảm, thậm chí lỗ, nợ xấu sẽ tăng.
Đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc phụ trách nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright, nhận định: Việt Nam không những chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu này, mà còn bị ảnh hưởng sâu sắc, và nặng hơn cuộc khủng hoảng năm 1997.
“Vấn đề ở đây là Việt Nam đã rút ra được bài học gì từ khủng hoảng?”, ông Tự Anh nhấn mạnh.
Và ông dẫn một ví dụ: hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp dân doanh đang gặp rất nhiều khó khăn về lãi suất cũng như trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. “Giả sử 20.000 tỷ đồng vốn huy động bằng ba nguồn phân bổ của Vinashin mà được sử dụng cho doanh nghiệp dân doanh vay thì tôi cho rằng điều đó sẽ giúp “cứu nguy” hàng ngàn doanh nghiệp”, ông nói.
Bởi theo ông, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, hiệu quả của dòng vốn tín dụng càng phải được coi trọng, và việc phân bổ vốn nghiêng về các doanh nghiệp nhà nước đầu tư dàn trải, kém hiệu quả sẽ càng làm cho dòng vốn tín dụng của cả nền kinh tế nhanh cạn kiệt.
Sự “bao cấp” của nhà nước tạo tâm lý ỷ lại, dẫn đến hậu quả xấu - như một số trường hợp sụp đổ đã xảy ra tại Mỹ - bài học này, theo ông Vũ Thành Tự Anh, không phải là không cần xem xét tại Việt Nam.
Nhìn trên bình diện kinh tế toàn cầu, ông cũng cho rằng: chu kỳ nợ xấu, tín dụng thắt chặt, tăng trưởng kinh tế chậm đi và nhiều nợ xấu hơn nữa sẽ còn tiếp tục. Yếu tố then chốt để đảo ngược chu kỳ này là thị trường nhà ở và sự tái cấu trúc hệ thống tài chính của Hoa Kỳ, được dự đoán là mất từ 2-3 năm để ổn định trở lại.
Ngân hàng và doanh nghiệp
Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất cơ bản, nhưng doanh nghiệp vẫn vay rất ít trong thời gian gần đây, dẫn đến tỉ lệ tăng trưởng tín dụng giảm là điều đáng lo. Bởi điều này cho thấy tình hình sản xuất của doanh nghiệp đã suy giảm. Nhiều doanh nghiệp không chỉ không trả nổi lãi vay mà còn không có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lựợc phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng tiền cho ngân hàng thương mại thông một số chính sách tiền tệ, nhưng ngân hàng thương mại không cung ứng tiền cho doanh nghiệp bao nhiêu mà chủ yếu đầu tư trái phiếu và có bệnh “cố thủ”.
Theo các chuyên gia, điều kiện kinh tế của Việt Nam có phần tốt hơn, lạm phát giảm nhanh nhưng việc nới lỏng chính sách tiền tệ vẫn nằm trong sự thận trọng vì vậy doanh nghiệp đừng hy vọng lãi suất giảm mạnh bởi chính sách chống lạm phát vẫn còn ưu tiên.
“Ngân hàng nhìn doanh nghiệp với cặp mắt đầy nghi ngờ thì làm sao có thể mở hầu bao cho doanh nghiệp vay”, ông Nghĩa nói.
Cụ thể, theo ông, doanh nghiệp cần minh bạch, đưa ra kế hoạch sản xuất cụ thể, kế hoạch của dòng tiền để đàm phán với ngân hàng. Đặc biệt là phải chứng minh nợ xấu một cách minh bạch, khách quan để ngân hàng biết. Có thể tái cấu trúc, khoanh, giản nợ hay vay mới để cho ngân hàng thấy được định hướng, kế hoạch thu lãi của doanh nghiệp như thế nào.
“Đã đến lúc ngân hàng và doanh nghiệp cần phải ngồi lại với nhau, hợp tác với nhau”, ông Nghĩa nói.
Những đề xuất
Ông Phạm Đỗ Chí, Phó giám đốc điều hành VinaCapital, đã thử đưa ra một phương hướng giải quyết khủng hoảng cho Việt Nam. Để làm được điều này, theo ông Chí, các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường lưu lượng tiền mặt; chuyển hướng thị trường xuất khẩu sang Trung Đông và khu vực ASEAN cũng như thị trường trong nước.
Về phía các nhà làm chính sách, theo ông Chí, cần phải kiên quyết ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng ngân hàng do nợ xấu về thế chấp bất động sản; Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng bơm tiền mặt vào hệ thống ngân hàng khi cần và có kế hoạch sáp nhập những ngân hàng yếu vào ngân hàng mạnh; xây dựng kế hoạch đối phó bất ngờ để bảo đảm tiền gửi ngân hàng.
Trường hợp cuộc suy thoái thế giới trở nên xấu hơn, Nhà nước cần kích cầu trong nước bằng các gói kích thích tài chính và chính sách tín dụng lãi thấp. Để đạt được mục đích này, Ngân hàng Nhà nước cần giảm thêm lãi suất cơ bản trong thời gian tới (6-12 tháng).
“Trong bối cảnh một môi trường cực kỳ khó khăn đối với nền kinh tế thế giới, Chính phủ Việt Nam cần sẵn sàng và đủ linh hoạt để nhanh chóng ứng phó với những hoàn cảnh luôn biến động trên thị trường thế giới, ngõ hầu giảm được tác động của nó đối với Việt Nam”, ông Phạm Đỗ Chí nói thêm.
Còn theo ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, bên cạnh việc phát huy tính năng động, nghệ thuật quản lý điều hành, cũng như sự trợ giúp cụ thể, trực tiếp của Chính phủ cho từng lĩnh vực, từng ngành hàng trong chừng mực cho phép, thì điều cơ bản là “Nhà nước phải có những quyết sách điều hành vĩ mô kịp thời, đúng đắn để tái lập và duy trì tính ổn định vĩ mô trong mọi tình huống, chủ động ngăn chặn và xử lý những đột biến xấu vượt ra ngoài khả năng ứng phó của từng doanh nghiệp”. Và hơn hết là “cần tập trung thời gian, sức lực cho những vấn đề cơ bản hơn về vĩ mô”.
Đồng thời, ông Thúy cũng đưa ra những đề xuất cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khủng hoảng.
Thứ nhất, phải coi việc ngăn ngừa chiều hướng đình trệ sản xuất, kinh doanh - do cộng hưởng của suy thoái kinh tế thế giới với sự suy giảm đà tăng trưởng trong nước - là nhiệm vụ trung tâm đột xuất của những tháng cuối năm 2008 và trong cả năm 2009.
Thứ hai, cần củng cố lòng tin và tăng cường khả năng “chống đỡ giông bão” của hệ thống các tổ chức tài chính mà trụ cột là hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, trở lại nguyên tắc lãi suất thỏa thuận cả huy động lẫn cho vay, đã và đang bị những áp đặt hành chính làm tổn hại thời gian gần đây.
Thứ tư, lấy tỉ giá thực (REER - Real Effective Exchange Rate) làm căn cứ chính để xác định và điều hành tỉ giá đối đoái, chứ không giản đơn chạy theo cung cầu ngoại hối và bị động đối phó với các cơn sốt ngoại tệ (hiện đang có dấu hiệu trở lại).
Thứ năm, nên tháo dỡ “hạn mức tín dụng 30%” - tuy không có văn bản quy định về pháp lý - song vẫn đang là chỉ tiêu điều hành trên thực tế bằng không ít các mệnh lệnh hành chính.
Thứ sáu, chính sách tài khóa cần chia lửa nhiều hơn nữa với chính sách tiền tệ, để giảm bớt gánh nặng cho chính sách tiền tệ trong ứng phó với lạm phát và duy trì đà tăng trưởng, hạn chế bớt việc phải thắt chặt tiền tệ quá mức hoặc nới lỏng quá mức cần thiết.