Bán dầu cho Trung Quốc: Saudi Arabia sắp mất vị trí số 1 vào tay Nga
Theo Wall Street Journal, Nga đang trên đà vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc. Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng của Saudi Arabia đối với thị trường toàn cầu đã bị đảo ngược do cuộc chiến ở Ukraine...
Kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Saudi Arabia đã dần mất thị phần dầu lửa tại Trung Quốc - thị trường năng lượng lớn nhất thế giới - do Nga liên tục bán dầu với giá giảm sâu. Bên cạnh đó, việc vương quốc Ả Rập này cắt giảm sản lượng vào đầu tháng 6 đã không mang lại kết quả như mong đợi trong việc đẩy giá dầu tăng lên nhằm bù đắp so sự sụt giảm về nhu cầu.
Đến nay, vụ nổi loạn mới đây của tổ chức Wagner Group ở Nga chưa gây ra tác động đáng kể nào tới ngành năng lượng nước này. Tuy nhiên, các nhà phân tích và giới đầu tư đang theo dõi sát sao tình hình, bởi tình hình căng thẳng có thể phá vỡ liên minh vốn mong manh giữa Nga và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) do Saudi Arabia dẫn dầu.
Theo các nhà phân tích, cuộc chiến giành thị phần tại Trung Quốc là một trong những nguồn cơn gây ra căng thẳng giữa hai cường quốc sản xuất dầu mỏ. Hồi tháng 4, trong một khoảng thời gian ngắn, Nga đã vượt qua Saudi Arabia về xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc, trước khi Saudi Arabia giành lại vị trí này. Giờ đây, vị thế của hai bên đã cân bằng trở lại. Giới phân tích cho rằng tất cả tín hiệu giờ đây đều cho thấy Nga sẽ sớm vượt lên dẫn đầu và kéo dài vị thế này trong nhiều tháng tới.
Cụ thể, dầu Nga hiện chiếm khoảng 14% nguồn cung dầu của Trung Quốc, tăng từ 8,8% trước khi chiến tranh Ukraine nổ ra - theo công ty cung cấp dữ liệu hàng hóa Kpler. Trong khi đó, từ tháng 3-5/2023, thị phần của Saudi Arabia đã giảm xuống còn 14,5%.
Việc đảo ngôi dẫn đầu tại Ấn Độ thậm chí còn kịch tích hơn khi Saudi Arabia hiện chỉ còn nắm giữ 13% thị phần, giảm từ 20% so với trước chiến tranh Ukraine. Trong khi đó, Nga hiện chiếm khoảng 40% nhập khẩu dầu của Ấn Độ, tăng từ mức chỉ 3% trước chiến tranh - theo Kpler.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều giữ lập trường trung lập về xung đột Nga-Ukraine và nói rằng họ ủng hộ giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, việc hai nền kinh tế hàng đầu châu Á tiếp tục mua mạnh dầu Nga giúp Moscow có nguồn thu dồi dào để dùng cho cuộc chiến.
Ấn Độ đang tận dụng dầu thô giá rẻ mà nước này nhập từ Nga để bán dầu diesel giá cao sang châu Âu - nơi sản phẩm xăng dầu tinh chế của Nga bị cấm.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tăng cường tích trữ dầu giá rẻ của Nga để sử dụng khi nền kinh tế bắt đầu hoạt động mạnh hơn và giá tăng cao hơn. Theo công ty phân tích dữ liệu dầu mỏ Refinitiv Eikon, trong tháng 5, mỗi ngày Bắc Kinh đã bổ sung khoảng 1,77 triệu thùng vào kho dự trữ của mình - mức cao nhất kể từ tháng 7/2020. Ở chiều ngược lại, Nga tăng nhập khẩu nhiều công nghệ quan trọng từ Trung Quốc như chất bán dẫn và vi mạch.
Ấn Độ liên tục mua và "rửa" dầu Nga, phương Tây hưởng lợi thế nào?
Dầu giá rẻ Nga ngập tràn đã gây áp lực với giá dầu toàn cầu, gây ảnh hưởng lớn tới khả năng tài chính của Saudi Arabia trong việc thực hiện kế hoạch kinh tế trong nước. Việc mất thị phần, cộng với giá dầu giảm, gây tác động “kép” tới vương quốc Ả Rập này.
Trong một động thái bất ngờ vào đầu tháng này, Saudi Arabia tuyên bố cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng dầu/ngày, sau khi đã cắt giảm 1 triệu thùng/ngày từ tháng 9 năm ngoái. Động thái này được cho là nhằm đẩy giá dầu tăng lên. Tuy nhiên, giá dầu gần như không biến động. Giá dầu Brent hiện vẫn dao động quanh mức 75 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức 81 USD mà Saudi Arabia cần để cân bằng ngân sách của mình - theo các nhà phân tích.
“Cắt sản lượng không khó nhưng họ (Saudi Arabia) đang đánh mất thị phần vào tay các quốc gia khác như Nga”, ông Ole Hansen, giám đốc chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank của Đan Mạch, nhận xét. “Để lấy lại thị phần không hề dễ chút nào”.
Theo ông Hansen, đến nay, kế hoạch của Saudi Arabia có vẻ đã thất bại, nhưng nếu nhu cầu đầu tại Trung Quốc tăng lên trong quý 3 - theo dự báo của nhiều nhà phân tích - thì giá dầu có thể tăng lên.
Một số thành viên OPEC lập luận rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có sức ảnh hưởng lớn hơn tới thị trường hợp đồng tương lai dầu mỏ so với OPEC. Việc Fed tăng lãi suất đã làm đồng USD mạnh lên, khiến hàng hóa được giao dịch bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với các nước khác và gây sức ép lên giá cả.
Dù giới chuyên gia cho rằng việc Nga trở thành bên bán hàng giá rẻ dài hạn có thể là một lực cản đối với giá dầu quốc tế, họ cũng dự báo sản lượng dầu của Moscow sẽ giảm mạnh trong những năm tới do nước này gặp khó trong tiếp cận đầu tư và công nghệ của phương Tây.
Quyết định giảm sản lượng của Saudi Arabia được đưa ra không lâu sau khi nước này tăng giá bán chính thức đối với dầu thô xuất khẩu trong tháng 7, bất chấp việc các nhà lọc dầu ở châu Á kỳ vọng giá sẽ giảm xuống. Động thái này nhằm tạo ra một mức sàn cho giá dầu, theo nguồn tin của Wall Street Journal. Tuy nhiên, việc này cũng khiến châu Á mua ít dầu thô của Saudi Arabia hơn và tìm kiếm các nguồn cung có chất lượng tương đương nhưng giá rẻ hơn.