"Bi kịch" kinh tế Nga: Không có đủ lao động
Cuộc chiến ở Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng lao động tồi tệ nhất tại Nga trong nhiều thập kỷ, khi hàng trăm nghìn người lao động rời khỏi đất nước hoặc phải ra chiến trường...
Điều này đang làm suy yếu các yếu tố nền tảng của nền kinh tế vốn đang chịu tác động của các biện pháp trừng phạt và cô lập quốc tế.
THIẾU NHÂN SỰ TRẦM TRỌNG NHẤT 25 NĂM
Năm ngoái, làn sóng di cư lớn nhất kể từ khi Liên Xô tan rã cùng với việc Moscow huy động khoảng 300.000 quân dự bị đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng trên thị trường lao động vốn đã bị thắt chặt do suy giảm nhân khẩu học trong thời gian dài của Nga.
Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp Nga thiếu nhân sự nghiêm trọng, từ lập trình viên, kỹ sư, thợ hàn cho tới thợ khoan dầu - những công việc cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ cuộc chiến ở Ukraine.
Phản ứng với tình trạng này, tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu các quan chức Chính phủ xây dựng các giải pháp nhằm ngăn chặn dòng người di cư, bao gồm đưa ra chính sách ưu đãi về tài chính và xã hội. Moscow trước đó đã giảm thuế, cung cấp khoản vay lãi suất thấp và khoản vay thế chấp mua nhà ưu đã để giữ chân người lao động trong lĩnh vực công nghệ.
Kể từ khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra, Bộ Tài chính Nga cũng đã công bố một số đề xuất đánh thuế đối với hàng trăm nghìn người di cư nhưng vẫn duy trì công việc tại Nga từ xa từ những nơi như Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia và Trung Á. Một số nhà lập pháp Nga thậm chí đe dọa tịch thu tài sản của những người Nga rời khỏi đất nước, dù chưa có luật nào như vậy được thông qua.
Theo một khảo sát của Ngân hàng Trung ương Nga (RCB), trong quý đầu năm 2023, các doanh nghiệp Nga ghi nhận tình trạng thiếu lao động tồi tệ nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được thu thập vào năm 1998.
Số phận những công ty không thể rời Nga dù muốn
Tính tới cuối năm 2022, số lượng người lao động dưới 35 tuổi tại Nga đã giảm 1,3 triệu người, xuống mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1990 - theo phân tích của công ty tư vấn FinExpertiza. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 của Nga giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau khi Liên Xô tan rã.
“Thiếu nhân lực là một thảm họa đối với nền kinh tế và điều này xảy ra giữa lúc Nga chịu nhiều biện pháp trừng phạt”, ông Vasily Astrov, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna, nhận xét. “Việc mất đi người lao động có trình độ học vấn, lành nghề sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng kinh tế của Nga trong nhiều năm tới”.
Do phải cạnh tranh để giành giật lực lượng lao động còn lại, các doanh nghiệp Nga buộc phải tăng lương. Điều này ảnh hưởng tới lợi nhuận và kìm hãm kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp. Mặt khác, lương tăng đẩy lạm phát tăng lên.
Trên thực tế, hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng rơi vào tình trạng thiếu lao động kể từ sau đại dịch Covid-19, khiến tiền lương tăng nhanh và khó kìm hãm lạm phát. Nhưng vấn đề của Nga trầm trọng hơn và xảy ra do các yếu tố nội tại.
Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg - hội nghị về kinh tế hàng đầu của Nga - vừa diễn ra, hơn 10 phiên thảo luận đã được tổ chức dành riêng cho các vấn đề của thị trường lao động. Tại đây, RCB cho biết do thiếu nam giới trong độ tuổi lao động, các doanh nghiệp sản xuất đang phải thuê cả lao động nữ và công nhân lớn tuổi.
Theo bà Yuliya Korochkina, giám đốc nhân sự tại công ty cung cấp vật liệu xây dựng Trade Systems Technonicol, doanh nghiệp này đang thiếu nhân sự ở cả các vị trí cấp thấp lẫn vị trí chuyên gia. Công ty đã phải hạ thấp yêu cầu tuyển dụng, tăng cường hoạt động làm việc từ xa, tự động hóa, và đưa ra nhiều chương trình đãi ngộ để tạo động lực cho người lao động.
“Chúng tôi đang học cách để làm được nhiều nhất với nguồn tài nguyên ít ỏi”, bà nói.
NƯỚC NGA TRƯỚC TƯƠNG LAI BẤT ỔN
Sau khi hứng chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine nền kinh tế Nga vẫn vượt qua được những dự báo về một cuộc suy thoái sâu sắc. Việc này có được nhờ hoạt động bán dầu khí, các chương trình kích thích mạnh tay của Chính phủ và sự linh hoạt động trong việc tìm giải pháp ứng phó với tình hình.
Tuy nhiên, năm nay, doanh thu từ năng lượng của nước này đã giảm mạnh, cùng với đó tác động ngày càng lớn của các biện pháp trừng phạt về công nghệ và cô lập kinh tế.
Tất cả những điều này dự báo một tương lai đầy khó khăn cho kinh tế Nga. Theo các quan chức Nga, tình trạng thiếu lao động giáng thêm một đòn nữa vào tăng trưởng kinh tế của nước này.
“Tình hình như vậy trên thị trường lao động gây ra lực cản đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế”, bà Elvira Nabiullina, thống đốc RCB, nhận xét và nhấn mạnh tình trạng thiếu hụt lao động trong các ngành công nghiệp quan trọng với nền kinh tế Nga như chế tạo máy, luyện kim, khai khoáng và khai thác đá.
Trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất máy bay ở thành phố Ulan-Ude, Đông Siberia hồi tháng 3, ông Putin nói rằng việc thiếu chuyên gia trình độ cao đang cản trở hoạt động sản xuất phục vụ cho quân đội.
“Chúng tôi biết rằng nhiều doanh nghiệp hiện đang phải làm việc 3 ca và thiếu chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia có trình độ cao”, ông Putin phát biểu trong chuyến thăm.
Theo các nhà kinh tế, kể từ khi chiến tranh nổ ra vào cuối tháng 2 năm ngoái, hơn 1 triệu người đã rời khỏi Nga. Đây một trong những làn sóng di cư lớn nhất trong lịch sử Nga, bên cạnh cuộc di cư sau cuộc cách mạng năm 1917 và sự kiện Liên Xô tan rã năm 1991. Làn sóng di cư bắt đầu tăng lên kể từ sau khi ông Putin bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2012.
Điều này làm trầm trọng thêm xu hướng nhân khẩu học tiêu cực xảy ra từ lâu tại Nga, bao gồm tỷ lệ sinh thấp, dân số già hóa và tỷ lệ tử vong cao (càng trầm trọng thêm do đại dịch Covid-19).
Theo dự báo của Liên hợp quốc, dân số Nga, hiện khoảng 145 triệu người, có thể giảm hơn 20% vào cuối thế kỷ này.
Lao động nhập cư vào Nga, đặc biệt từ các quốc gia Trung Á, đã phần nào giúp nước này lấp đầy chỗ trống. Dù số lượng lao động nhập cư vào Nga tăng lên trong năm 2022, số lượng chuyêm gia nước ngoài nhập cư có trình độ cao đã giảm 29% - theo dữ liệu từ RCB.
Theo FinExpertiza, vào quý 4/2022, tỷ lệ việc làm cần tuyển dụng/người lao động tìm việc tại Nga là 2,5/1 - mức cao nhất kể từ năm 2005. Khoảng 35% doanh nghiệp sản xuất tại nước này báo cáo tình trạng thiếu lao động trong tháng 4, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1996 - theo một khảo sát hàng tháng của Viện Chính sách Kinh tế Gaidar của Nga.
Bà Marina Petuhova, giám đốc nhân sự công ty sản xuất hiết bị điện EFK cho doanh nghiệp này đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng kỹ sư, nhà thiết kế, quản lý sản phẩm. Công ty đang phải tăng cường hoạt động đào tạo và đưa ra nhiều đãi ngộ cho người lao động ở tất cả các độ tuổi, kể cả người đã về hưu.
“Tình trạng thiếu lao động đang ảnh hưởng tới khả năng đưa ra sản phẩm mới của công ty, cũng như năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Điều này ảnh hưởng tới doanh thu và thương hiệu cua chúng tôi”, bà chia sẻ.
Theo một nghiên cứu vào tháng 4 của công ty tư vấn Yakov & Partners và hh.ru – nền tảng việc làm lớn nhất tại Nga, hơn 50% doanh nghiệp ở Nga đang đối mặt tình trạng thiếu lao động công nghệ thông tin, trong khi thời gian để tìm được ứng viên phù hợp đã tăng gần gấp đôi.
“Để tìm lao động có kinh nghiệp thậm chí còn khó hơn”, bà Natalia Danina, giám đốc phân tích của hh.ru, cho biết. “Tình trạng này chắc chắn sẽ kéo theo năng suất lao động sụt giảm".