12:41 20/06/2023

Ấn Độ liên tục mua và "rửa" dầu Nga, phương Tây hưởng lợi thế nào?

Hoài Thu

Tháng 5/2023, Ấn Độ nhập 1,96 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày. Lượng nhập khẩu bình quân hàng ngày đạt mức kỷ lục trong 8 tháng liên tiếp...

Ấn Độ chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ hạn chế nhập khẩu dầu thô số lượng lớn từ Nga - Ảnh: Reuters
Ấn Độ chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ hạn chế nhập khẩu dầu thô số lượng lớn từ Nga - Ảnh: Reuters

Những năm gần đây, vị thế quốc tế của Ấn Độ ngày càng tăng lên nhờ vai trò là nước hàng đầu ở “Global South” - thuật ngữ dùng gọi chung các nước đang phát triển ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á.

Theo Nikkei Asia, Ấn Độ đã nâng tầm vị thế quốc tế của mình bằng cách cố gắng làm hài lòng cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Ông Modi dự kiến sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước chính thức tới Mỹ vào ngày 21/6. Washington được cho là muốn tận dụng cơ hội này để chia rẽ Ấn Độ và Nga - nhà cung cấp vũ khí chính của New Delhi. Trong chuyến thăm của ông Modi, Mỹ và Ấn Độ dự kiến ký một thỏa thuận để cùng phát triển và sản xuất động cơ máy bay chiến đấu.

ĐỨNG NGOÀI CẤM VẬN, TĂNG MẠNH NHẬP KHẨU DẦU NGA VÀ "RỬA" DẦU

Dù vậy, Ấn Độ chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ hạn chế nhập khẩu dầu thô số lượng lớn từ Nga. Tháng 5, nước này nhập 1,96 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày. Lượng nhập khẩu bình quân hàng ngày đạt mức kỷ lục trong 8 tháng liên tiếp - theo hãng thông tấn Press Trust of India.

Tháng 12 năm ngoái, nhóm các nước công nghiệp G7 và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt cấm vận với dầu thô nhập khẩu qua đường biển từ Nga. Tháng 2 năm nay, EU ra lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng tinh chế từ Nga, bao gồm dầu diesel và nhiên liệu máy bay. Các động thái này nhằm hạn chế nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga.

Trong khi đó, Ấn Độ bắt đầu đẩy mạnh nhập khẩu dầu Nga vào tháng 4/2022, chưa đầy 2 tháng sau khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra. Trong vòng 1 năm sau đó, bình quân mỗi ngày Ấn Độ nhập khẩu 1,02 triệu thùng dầu thô Nga, tăng gấp 7 lần so với năm trước đó và chiếm tới 20% tổng dầu nhập khẩu của nước này.

Theo đó, Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của quốc gia châu Á, tăng từ vị trí thứ 10 của một năm trước đó. Theo sau Nga là Iraq (1,01 triệu thùng) và Saudi Arabia (790.000 thùng).

Tại Ấn Độ, 80% nhu cầu tiêu thụ dầu thô phụ thuộc vào nhập khẩu. Việc tăng mua dầu nga mang lại cho nước này 3 lợi ích: kiềm chế lạm phát, cải thiện cán cân thương mại và đa dạng hóa nguồn cung.

Về lạm phát, các biện pháp trừng phạt của phương Tây với dầu Nga rõ ràng mang lại lợi ích cho Ấn Độ. Nước này đã mua được dầu thô Nga với giá bình quân chỉ 83 USD/thùng trong năm 2022, rẻ hơn so với 90 USD của dầu Iraq và 100 USD của dầu Saudi Arabia.

Còn cán cân thương mại của nước này cũng được cải thiện nhờ xuất khẩu sản phẩm xăng dầu tăng lên. Trong khi giá dầu toàn cầu tăng, việc nhập được dầu giá rẻ từ Nga giúp Ấn Độ hưởng lợi nhờ mở rộng biên độ giữa nhập khẩu dầu thô và xuất khẩu sản phẩm xăng dầu.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: AP
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: AP

Về giá trị, tỷ lệ xuất khẩu xăng dầu so với nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ đã tăng từ 54% của năm 2021 lên 59% trong năm 2022 nhờ kim ngạch xuất khẩu tăng 50%, trong khi kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 30%. Về lượng, nhập khẩu dầu thô tăng gần 10% nhưng xuất khẩu xăng dầu không thay đổi.

Bên cạnh đó, việc nhập dầu từ Nga giúp Ấn Độ đa dạng hóa nguồn cung dầu mỏ trong bối cảnh nước này phụ thuộc vào 3 nhà sản xuất dầu lớn của Trung Đông - Iraq, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Tỷ trọng nhập khẩu dầu từ 3 nước này của Ấn Độ đã giảm từ 53% xuống còn 47% trong năm 2022.

PHƯƠNG TÂY HƯỞNG LỢI

Nhìn từ bề nổi của những thông tin và số liệu trên, nhiều người sẽ nghĩ chiến lược “Ấn Độ trước tiên” của ông Modi dường như đã giúp Nga “lách” trừng phạt của phương Tây. Nhưng trên thực tế, đào sâu nghiên cứu các số liệu thương mại cho thấy hành động của Ấn Độ thậm chí mang lại lợi ích cho cả phương Tây.

Trên thực tế, trong khi tăng mạnh nhập khẩu Nga, Ấn Độ đã giảm đáng kể nhập khẩu dầu từ các quốc gia khác, từ đó giải phóng nhiều dầu hơn cho châu Âu cũng như những nước khác. Trong số 10 nhà cung cấp dầu hàng đầu của Ấn Độ năm 2022, 6 quốc gia ghi nhận lượng xuất khẩu sang nước này giảm, trong đó Nigeria giảm 49%, Mỹ giảm 24%, Kuwait giảm 18% còn Iraq giảm 10%. Các quốc gia này hiển nhiên đã tăng xuất khẩu dầu sang các nước khác, bao gồm các nước G7 và EU.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng tinh chế phần lớn dầu nhập khẩu từ Nga thành sản phẩm để bán cho các quốc gia tham gia lệnh trừng phạt Moscow - quá trình được một số chuyên gia gọi là “rửa dầu".

Trong năm 2022, sản phẩm xăng dầu từ Ấn Độ xuất sang Hà Lan đã tăng 70%, đưa quốc gia châu Á trở thành nhà cung cấp sản phẩm dầu hàng đầu của Hà Lan - trung tâm thương mại dầu của châu Âu, tăng từ vị trí thứ 3 của năm trước đó. Các sản phẩm xăng dầu của Ấn Độ dường như đã bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga cho EU.

Theo các nhà phân tích, Ấn Độ có thể đảm nhiệm vai trò này trong dòng chảy dầu thô và sản phẩm xăng dầu toàn cầu nhờ vị thế là nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới và là nước xuất khẩu sản phẩm xăng dầu lớn thứ 4 toàn cầu.

Việc Ấn Độ không tham gia cùng phương Tây trong việc áp đặt trừng phạt với Nga có thể khiến Mỹ và châu Âu không hài lòng. Nhưng trên thực tế, không rõ các nước phương Tây quan ngại thế nào khi Ấn Độ không tuân thủ như vậy. Để làm rõ việc này, có thể so sánh sự khác biệt giữa các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Iran và Nga.

Năm 2018, Mỹ ra lệnh cấm nhập khẩu đầu của Iran sau khi nghi ngờ nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Đây là một lệnh cấm tương đối toàn diện khí nhắm tới cả các nước mua dầu Iran. Dù 8 quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc, ban đầu được miễn trừ khỏi lệnh cấm, năm sau đó họ vẫn tham gia và hiện lệnh cấm vẫn có hiệu lực. Ngược lại, pháp trừng phạt nhằm vào Nga áp đặt trần giá 60 USD/thùng, nhưng không áp dụng với tất cả các nước nhập khẩu đầu Nga.

Sự khác biệt nằm ở lượng dầu xuất khẩu của Iran và Nga. Trước lệnh cấm, Iran xuất khẩu khoảng 3,5 triệu thùng mỗi ngày - khối lượng có thể được bù đắp bằng sản lượng tăng lên từ các nước sản xuất hàng đầu như Ả Rập Saudi và UAE. Trong khi đó, xuất khẩu hàng ngày của Nga là khoảng 8 triệu thùng. Nếu nguồn cung này biến mất, thị trường có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng và giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế thế giới.

Do đó, các nhà phân tích cho rằng, G7 và EU vẫn để Ấn Độ thực hiện việc “rửa dầu” để tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện, và quốc gia châu Á đã thực hiện tốt vai trò này. Sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, một số chuyên gia cảnh báp giá dầu có thể tăng lên tới 200 USD/thùng, nhưng sau khi đạt đỉnh ở mức trên 120 USD, giá đầu đã sụt giảm chỉ còn khoảng 70 USD.

“Năm qua đã kiểm chứng thành công một điều rằng, thị trường dầu toàn cầu có thể đối phó với những biến động địa chính trị nghiêm trọng thông qua cơ chế điều chỉnh năng động”, bà Mika Takehara, giám đốc nghiên cứu và phân tích tại Tổ chức An ninh Năng lượng và Kim loại Nhật Bản, nhận xét. "Cơ chế này sẽ không hoạt động nếu không có Ấn Độ”.

Dù cả G7 và EU đều không công khai thừa nhận “đóng góp” của Ấn Độ trong việc bình ổn giá dầu, nhưng không phủ nhận rằng nước này đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Ấn Độ có thể không chủ đích thực hiện vai trò đó, nhưng tác động từ việc đó rõ ràng cho thấy tầm ảnh hưởng của nước này đang tăng lên.