Bận điều hành tại Saigon Asset Management, thành viên HĐQT độc lập DPM xin từ nhiệm
Sau khi được miễn nhiệm, ông Louis T Nguyễn mong muốn được tiếp tục hợp tác với HĐQT và Ban Giám đốc DPM trong vai trò cố vấn để tiếp tục hỗ trợ kết nối và làm việc với các đối tác chiến lược tiềm năng...
Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã DPM -HOSE) ngày 13/3/2023 đã nhận được đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT độc lập của ông Louis T Nguyễn do bận công việc điều hành tại Saigon Asset Management.
Sau khi được miễn nhiệm, ông Louis T Nguyễn mong muốn được tiếp tục hợp tác với HĐQT và Ban Giám đốc DPM trong vai trò cố vấn để tiếp tục hỗ trợ kết nối và làm việc với các đối tác chiến lược tiềm năng, đồng thời tìm kiếm đối tác tài chính để phục vụ mục tiêu giảm tỷ lệ sở hữu của PVN tại DPM theo kế hoạch của Ủy ban quản lý vốn (CMSC) và Chính phủ Việt Nam.
Nếu đơn từ nhiệm của ông Louis được thông qua, HĐQT DPM sẽ còn 4 người bao gồm Chủ tịch HCĐT Hoàng Trọng Dũng cùng các Thành viên HĐQT Lê Cự Tân, Dương Trí Hội và Trịnh Văn Khiêm.
Năm 2022, DPM ghi nhận doanh thu thuần đạt 18.600 tỷ đồng - tăng 46% so với năm 2021; lãi ròng đạt kỷ lục 5.600 tỷ - tăng 79% YoY. Mức cổ tức bằng tiền dự chi cho năm này là 70%. Mức cổ tức bằng tiền dự chi cho năm này là 70%.
Dự kiến trong cuối quý 1/2023, DPM sẽ thực hiện chi trả cổ tức đợt 1/2022 với tỷ lệ 40% với số tiền dự chi là 1.565 tỷ.
Được biết, vào tháng 01/2023, DPM đã đặt kế hoạch doanh thu năm 2023 là 17,4 nghìn tỷ đồng (-7% YoY) và lợi nhuận sau thuế là 2,3 nghìn tỷ đồng (-59% YoY) dựa trên giả
định giá bán urê trung bình là 600 USD/tấn trong năm 2023. Tuy nhiên, DPM hiện nhận thấy thị trường urê sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong năm 2023 và cập nhật giả định mới về giá bán urê trung bình là 400 USD/tấn (-43% YoY) thấp hơn 33% so với giả định cũ. DPM cho rằng nguyên nhân chính của giá urê thấp hơn là việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ làm tăng nguồn cung urê.
Qua đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) hiện dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 của DPM là 2,3 nghìn tỷ đồng dựa trên giả định giá bán urê trung bình là 450 USD/tấn, giá khí đầu vào là 8,1 USD/MMBTU và tổng sản lượng bán urê là 800.000 tấn (phù hợp với kế hoạch của DPM).
Bên cạnh đó, DPM kỳ vọng nhu cầu urê trong nước sẽ phục hồi 18%-20% YoY trong năm 2023 do giá urê hiện ở mức hợp lý có thể kích thích nhu cầu của nông dân. DPM đặt kế hoạch tổng sản lượng bán urê là 800.000 tấn trong năm 2023 bao gồm tổng sản lượng xuất khẩu là 200.000 tấn.
Cũng theo DPM, nguồn cung khí đầu vào năm 2023 đã được đảm bảo. PVN cho phép DPM lấy 30%-50% tổng sản lượng khí từ các mỏ khí giá rẻ ở bể Cửu Long và lượng khí còn lại từ các mỏ khí giá cao ở bể Cửu Long. DPM kỳ vọng giá dầu nhiên liệu (FO) sẽ giảm trong năm 2023. Tuy nhiên, giá khí đầu vào năm 2023 sẽ cao hơn so với năm 2022 do tỷ lệ sản lượng khí từ các mỏ khí giá cao tại bể Cửu Long cao hơn. Tuy vậy, chi phí khí đầu vào của DPM vẫn giúp DPM có chi phí sản xuất cạnh tranh so với các nhà máy urê chạy bằng khí khác cũng như các nhà máy urê chạy bằng than tại Việt Nam.
DPM đã bán lần lượt 15.000 và 100.000 tấn urê trong tháng 01 và tháng 02/2023. Trong đó, 20.000 tấn urê đã được xuất khẩu sang Ấn Độ trong tháng 02/2023. DPM sẽ tham gia đấu thầu trong đợt gọi thầu 2 triệu tấn urê sắp tới của Ấn Độ. DPM đặt kế hoạch tổng sản lượng bán urê trong quý 1/2023 là 180.000 tấn – phù hợp với kế hoạch của DPM. Tuy nhiên, DPM dự kiến doanh thu và lợi nhuận quý 1/2023 sẽ thấp hơn kế hoạch do giá bán urê trung bình thấp hơn dự kiến.
Qua đó, VCSC hiện có khuyến nghị "khả quan" cho DPM với giá mục tiêu là 40.100 đồng/cổ phiếu và ngày 27/4 tới, DPM sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023. Ngày đăng ký cuối cùng là 27/3.