Ban hành quy trình quản lý nợ thuế với hàng hóa xuất nhập khẩu
Các khoản nợ thuế sẽ được phân loại thành 3 nhóm khác nhau, gồm nợ khó thu, nợ chờ xử lý và nợ có khả năng thu
Tổng cục Hải quan vừa có Quyết định 1503/QĐ-TCHQ ban hành Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo đó, quyết định này đã đưa ra tiêu chí phân loại nợ thành 3 nhóm khác nhau, bao gồm nhóm nợ khó thu; nhóm nợ chờ xử lý và nhóm nợ có khả năng thu.
Đối với nhóm nợ khó thu gồm 6 trường hợp.
Thứ nhất, nợ của người nộp thuế đã giải thể gồm số tiền nợ của người nộp thuế đã có quyết định giải thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng người nộp thuế chưa thanh toán nợ theo quy định của pháp luật. Nếu doanh nghiệp giải thể, nhưng chưa có quyết định giải thể của cấp có thẩm quyền thì không phân loại vào tiêu chí này
Thứ hai, nợ của người nộp thuế đã bị tuyên bố phá sản, gồm số tiền nợ của người nộp thuế đã có quyết định tuyên bố phá sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người nộp thuế đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt (trường hợp không đủ điều kiện xóa nợ). Nếu chưa có quyết định tuyên bố phá sản thì không phân loại vào tiêu chí này.
Thứ ba, nợ của người nộp thuế đang trong giai đoạn bị điều tra, khởi tố hình sự, thụ lý hoặc chờ kết luận của cơ quan pháp luật, chưa thực hiện được nghĩa vụ nộp thuế.
Thứ tư, nợ của người nộp thuế kinh doanh nội địa hóa linh kiện xe hai bánh gắn máy năm 2001, 2002.
Thứ năm, nợ của người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa điểm đăng ký kinh doanh, ngừng và tạm ngừng hoạt động kinh doanh (đã có văn bản xác nhận của cơ quan thuế và /hoặc chính quyền địa phương là UBND cấp xã, phường hoặc cơ quan công an cấp xã, phường hoặc cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép thành lập hoặc thông tin tra cứu trên website của các cơ quan chức năng, công chức được phân công in màn hình kết quả tra cứu trên trang web, ký tên, đóng dấu công chức và lưu vào hồ sơ theo dõi nợ). Nếu chưa có tài liệu trên thì không phân loại vào tiêu chí này.
Thứ sáu, các khoản nợ khó thu khác, gồm các khoản tiền nợ quá hạn quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng chưa quá 10 năm, không thuộc nhóm 1 đến nhóm 5 nêu trên, cơ quan hải quan đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế hoặc không thực hiện được đầy đủ các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế nhưng không thu hồi được tiền nợ.
Đối với nhóm nợ chờ xử lý bao gồm hai trường hợp là nợ chờ xóa và nợ chờ miễn thuế, giảm thuế.
Đối với nhóm nợ có khả năng thu sẽ bao gồm các khoản nợ không thuộc các khoản nợ đã nêu trên và được sắp xếp theo 6 tiêu chí.
Thứ nhất, nợ trong hạn, là các khoản nợ đang trong thời hạn bảo lãnh của tổ chức tín dụng; nợ của doanh nghiệp ưu tiên (được nộp thuế cho các tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng hóa trong tháng chậm nhất vào ngày thứ mười của tháng kế tiếp); nợ của doanh nghiệp đang trong thời gian gia hạn, nộp dần, nợ của doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán.
Thứ hai, nợ quá hạn chưa quá 90 ngày, gồm các khoản nợ thuế đã quá hạn từ 1 ngày đến 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
Thứ ba, nợ quá hạn quá 90 ngày, gồm các khoản nợ thuế đã quá hạn quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
Thứ tư, nợ tiền chậm nộp thuế, là khoản nợ phải nộp do chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn nộp dần tiền thuế, thời hạn ghi trong quyết định ấn định thuế và văn bản xử lý về thuế của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ năm, nợ tiền phạt vi phạm hành chính, gồm khoản nợ phải nộp do bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và tiền chậm nộp phát sinh do chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính.
Cuối cùng, nợ phí, lệ phí hải quan, là khoản nợ phí, lệ phí hải quan phải nộp của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện quá cảnh.