19:56 26/10/2023

Băn khoăn việc quy định Tổng liên đoàn Lao động làm chủ dự án nhà ở xã hội

Nhĩ Anh

Còn nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu về quy định Tổng liên đoàn lao động là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lưu trú. Bên cạnh quan điểm đồng tình, nhiều đại biểu đề nghị chưa nên quy định vấn đề này trong dự thảo luật mà nên làm thí điểm...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Vấn đề quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp thu hút nhiều đại biểu quan tâm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết do vấn đề này còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo 2 phương án.

Phương án 1, tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện (không bao gồm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) để nâng cao tính khả thi.

Phương án 2, chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua  còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

NHIỀU Ý KIẾN TÁN THÀNH PHƯƠNG ÁN 1

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận, đoàn Yên Bái thống nhất với phương án 1: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội cho thuê.

Theo đại biểu, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa mặn mà với đầu tư nhà ở xã hội, việc quy định Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn để cho công nhân, người lao động có nhu cầu về nhà ở thuê là cần thiết; phát huy nguồn lực phát triển xã hội theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước; tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân và người lao động.

Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần có các giải pháp cân đối nguồn lực để đảm bảo tính khả thi của dự án đầu tư, do đây là các dự án nhà ở cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài. Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung quy định liên quan của một số luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có cơ sở triển khai thực hiện.

Đại biểu đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có những cơ chế, chính sách hợp lý để quản lý, thực hiện việc đầu tư và cho thuê nhà ở xã hội để nâng cao hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí các nguồn lực đầu tư.

Còn theo đại biểu Hà Ánh Phượng, đoàn Phú Thọ, bởi Tổng Liên đoàn Lao động đã có kinh nghiệm và đạt được những kết quả cụ thể trong việc triển khai, được công nhân và người lao động đón nhận. Tổng Liên đoàn Lao động có đủ tư cách pháp nhân, có đủ các phòng chuyên môn để thực hiện đầu tư, tổ chức triển khai các dự án theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Hà Ánh Phượng, đoàn Phú Thọ, phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Hà Ánh Phượng, đoàn Phú Thọ, phát biểu tại hội trường.

Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Huy Khánh, đoàn Bình Dương tán thành với quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nhà lưu trú công nhân và cho rằng quy định này là cấp thiết và ý nghĩa hơn đối với những địa phương như Bình Dương, nơi có rất nhiều công nhân lao động là công nhân ngoại tỉnh đến làm việc.

Trao đổi làm rõ về sự cần thiết khi quy định giao cho tổ chức công đoàn là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn Lạng Sơn cho biết quy định này đáp ứng cả ba căn cứ cả về chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Theo phân tích của đại biểu Nghĩa, về mặt chính trị, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam có yêu cầu Nhà nước, chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thỏa đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động. 

Về căn cứ thực tiễn, tổ chức Công đoàn cũng đã thực hiện trên thực tế. Đại biểu cho biết thêm, công đoàn là tổ chức chính trị xã hội, có vị trí, vai trò đặc biệt trong hệ thống chính trị. Công đoàn đang đứng trước sức ép rất lớn khi tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có yêu cầu khắt khe về lao động và tạo sức ép lớn cho tổ chức công đoàn. Do đó, đại biểu cho rằng cần thiết để cho tổ chức công đoàn có điều kiện, có cơ sở pháp lý để chăm lo cho các thành viên của mình.

Góp ý về quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương cho rằng việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội là một quy định với mục đích rất nhân văn, vừa góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được chủ đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay.

ĐỀ NGHỊ LẤY PHIẾU XIN Ý KIẾN CỦA ĐẠI BIỂU VỀ 2 PHƯƠNG ÁN

Một số ý kiến cho rằng đây là quy định mới, do đó đề nghị cần đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng, trên cơ sở yêu cầu về thực tiễn, điều kiện về nguồn lực, năng lực thực hiện, quy định chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Một số ý kiến kiến nghị cần có quy định cụ thể và lộ trình cụ thể.

Tranh luận ý kiến các đại biểu đồng tình chọn phương án 1, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Tp.Hà Nội, cho rằng lý giải này chưa thỏa đáng vì công đoàn là đại diện tiếng nói cho người lao động bây giờ Công đoàn lại trở thành những chủ đầu tư. Đại biểu bày tỏ băn khoăn, công đoàn trở thành chủ đầu tư, nếu khi nhà ở có vấn đề thì ai là người đại diện cho người lao động nói lên tiếng nói đó?

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Tp.Hà Nội, phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận chiều ngày 26/10.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Tp.Hà Nội, phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận chiều ngày 26/10.

Do đó, đại biểu cho rằng tổ chức công đoàn có thể là đơn vị được đầu tư nhà ở cho người lao động, nhưng đề nghị đây chỉ là những dự án mẫu để làm điểm.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị chưa quy định giao Tổng Liên động lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản xây dựng nhà ở xã hội.

Còn theo đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum, đây là vấn đề mới, trong quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề cần làm rõ, Chính phủ chưa đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện các quy định sẵn có. Do vậy, cần có đánh giá tổng thể kỹ lưỡng để xem vấn đề này đã “chín”, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm chưa, qua đó đưa vào quy định một cách hợp lý.

Đại biểu cũng cho rằng, việc giao cơ quan nhà nước, hay một tổ chức chính trị, xã hội làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua chưa phù hợp với yêu cầu tách biệt giữa chức năng của cơ quan nhà nước, chức năng của tổ chức chính trị xã hội và chức năng sản xuất, kinh doanh. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ, chưa đưa nội dung này vào trong luật, mà cần thực hiện theo các quyết định hiện hành, tổng hợp thực tiễn để luật hóa những nội dung đã chín, đã rõ.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho rằng với 2 phương án đưa ra phương án nào cũng có ưu, nhược điểm. Do đó, đại biểu đề nghị lấy phiếu xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội về 2 phương án này. Đại biểu cũng băn khoăn về số vốn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng hơn 30 nghìn tỷ xây dựng nhà ở cho công nhân.