13:22 23/08/2023

Thêm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

Thanh Xuân

Luật Nhà ở hiện hành quy định 10 nhóm đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Tuy nhiên, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5, và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6, đã bổ sung thêm đối tượng hưởng là doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Xây dựng vừa trả lời kiến nghị của cử tri về một số vấn đề liên quan đến nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong đó việc mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết: Luật Nhà ở hiện hành quy định 10 nhóm đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (Điều 49) gồm:

Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;

Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;

Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định; Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập; Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Tuy nhiên, hiện nay trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5, và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6, tại Điều 73 thì ngoài những đối tượng quy định ở Luật Nhà ở năm 2014, đã bổ sung thêm 1 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là: doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân.

Về đề nghị nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập về việc một số tỉnh, thành mặc dù đã và đang đầu tư nhiều dự án xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, nhưng rất ít người lao động thu nhập thấp mua được, do giá bán cao và không đáp ứng được quy định liên quan đến vay vốn, điều kiện được mua, thì Bộ Xây dựng thông tin, Chính phủ đang tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội sau khi lấy ý kiến lần thứ 1 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, để giảm bớt thủ tục và tháo gỡ khó khăn đối với việc xét duyệt đối tượng, điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Bộ đã đề xuất sửa đổi một số nội dung “thông thoáng” hơn.

Cụ thể về điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân: Bộ đề xuất, trường hợp công nhân, người lao động thuê nhà lưu trú công nhân, chỉ cần có hợp đồng lao động và xác nhận đang làm việc của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hoặc doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Trường hợp thuê nhà ở xã hội, thì chỉ cần đáp ứng là đối tượng theo quy định; Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ quy định đáp ứng 2 điều kiện là có thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở và bỏ điều kiện xác nhận cư trú.

Còn về vay vốn, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi tiếp tục kế thừa quy định của Luật Nhà ở năm 2014 theo hướng các đối tượng đủ điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội (có hợp đồng mua - bán nhà ở xã hội với chủ đầu tư), thì thuộc nhóm đối tượng được vay vốn ưu đãi. Điều kiện được vay phải đáp ứng quy định pháp luật về tín dụng.

Được biết, đến nay cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000 m2. Mặt khác, đang tiếp tục triển khai 294 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng 288.499 căn, tổng diện tích ước tính là 14.425.000 m2.