07:44 26/01/2025

Bán tín chỉ carbon, nông dân giàu lên

Chương Phượng

Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn không chỉ là phương pháp canh tác mà còn là một triết lý sống, hướng tới sự bền vững lâu dài cho cả con người và trái đất. Cùng chung mục tiêu thực hiện cam kết đạt Net Zero vào năm 2050, ngành nông nghiệp Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sức khỏe cộng đồng, mở ra con đường phát triển xanh, sạch và bền vững…

Trồng rừng ngập mặn và nuôi tôm cua sinh thái dưới tán rừng ngập mặn ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Trồng rừng ngập mặn và nuôi tôm cua sinh thái dưới tán rừng ngập mặn ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Nông nghiệp sinh thái là phương pháp canh tác dựa trên nguyên lý tự nhiên, sử dụng ít hoặc không sử dụng các hóa chất tổng hợp như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích tăng trưởng. Mục tiêu của nông nghiệp sinh thái không chỉ là tối đa hóa năng suất, mà còn hướng tới việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tài nguyên đất đai, nước và không khí, đồng thời duy trì sự sống động của hệ sinh thái tự nhiên.

NHIỀU MÔ HÌNH ĐÃ PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Ông Lương Huỳnh Hảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Viên An Đông huyện Ngọc Hiển, cho biết mô hình nuôi tôm, cua sinh thái đang được nhân rộng và đã có 1.203 hộ dân tham gia, với hơn 6.300 ha được chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế như Naturland và ASC. Mô hình này không chỉ mang lại lợi nhuận ổn định cho người dân, mà còn giúp bảo vệ môi trường, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Điều đáng chú ý, ngoài lợi nhuận từ thủy sản, người dân còn nhận được chi trả dịch vụ môi trường rừng, nên đã không còn tình trạng chặt phá cây rừng mà còn gia tăng diện tích trồng rừng.

 

"Theo tính toán, từ năm 2017 đến nay, dự án GCF đã giúp Cà Mau trồng và phục hồi gần 5.000 ha rừng ngập mặn, đồng thời hỗ trợ 978 hộ dân thực hiện nuôi tôm sinh thái đạt tiêu chuẩn quốc tế, giảm phát thải hơn 1 triệu tấn khí carbon”.

Ông Nguyễn Hữu Quyền, Phó Trưởng phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Kiểm lâm Cà Mau. 

Ông Nguyễn Hữu Quyền, Phó Trưởng phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, đồng thời là giám sát dự án GCF (Dự án tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam, khẳng định: “Nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng là giải pháp hấp thụ carbon, giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với xu hướng phát triển xanh trên thế giới, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Tại bản Nam, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, Sơn La, anh Lò Văn Pun, người dân tộc Thái, đã áp dụng các kỹ thuật mới vào trồng cà phê arabica trên đất dốc. Nhờ sự tư vấn từ dự án Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái và hệ thống thực phẩm an toàn (ASSET), anh Pun đã trồng cỏ dưới gốc cà phê để giữ ẩm cho đất, đồng thời trồng cây trám đen và gáo để che bóng, giảm tác động của sương muối và ánh sáng. Bên cạnh đó, anh cũng nuôi bò, dê và sử dụng phân gia súc để ủ làm phân bón, giúp giảm chi phí phân bón và cải thiện năng suất cà phê. Năm ngoái, anh đã thu được 150 triệu đồng từ 13.000 gốc cà phê, gấp ba lần so với trước đây.

Vườn cà phê sinh thái trên đất dốc của gia đình anh Lò Văn Pun, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Vườn cà phê sinh thái trên đất dốc của gia đình anh Lò Văn Pun, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Dự án ASSET được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Liên minh châu Âu (EU), hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái. Dự án tập trung vào các phương pháp canh tác bền vững như nông, lâm kết hợp, nông nghiệp hữu cơ và quản lý cây trồng tổng hợp. Các mô hình thử nghiệm như trồng băng cỏ, trồng cây che bóng và cải tạo giống cà phê cho thấy hiệu quả tích cực trong việc bảo vệ đất và tăng năng suất. Mô hình này đang được lan rộng và nhận được sự tham gia tích cực từ cộng đồng, góp phần vào sự phát triển bền vững của vùng núi Tây Bắc.

Theo bà Tạ Thu Trang, Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ngành nông nghiệp Việt Nam sản xuất hàng triệu tấn phế phụ phẩm mỗi năm, bao gồm rơm rạ, trấu, và phụ phẩm từ thủy sản, chăn nuôi. Tổng sản lượng phế phụ phẩm của ngành nông nghiệp tại Việt Nam rất lớn, ước tính lên đến 156,8 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện mới chỉ một phần nhỏ phế phụ phẩm và chất thải của ngành nông nghiệp được tái sử dụng hoặc chế biến thành sản phẩm có giá trị.

Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, nhưng theo bà Trang, hệ thống pháp lý hiện nay còn thiếu quy định rõ ràng và thiếu tiêu chuẩn cụ thể cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn. Tỷ lệ thu gom và xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo giá trị gia tăng vẫn còn thấp, chỉ đạt 43% đối với chất thải chăn nuôi và 33,2% đối với chất thải trồng trọt.

TIỀM NĂNG VÀ THÁCH THỨC NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN

PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn là ngành nông nghiệp “đóng góp” khoảng 30% tổng lượng khí CO2 phát thải của cả nước, đồng thời đối mặt với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Để đối phó với những thách thức này, việc phát triển nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam là rất cần thiết.

 

"Để nông nghiệp sinh thái phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cần có những chính sách cụ thể, cơ chế phối hợp liên ngành và đầu tư vào công nghệ thông tin để hỗ trợ quản lý và mở rộng các mô hình sản xuất bền vững".

PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai các mô hình nông nghiệp sinh thái với 6 nhóm chính: nông nghiệp tuần hoàn theo mô hình VAC (trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản); nông, lâm kết hợp; nông nghiệp hữu cơ; quản lý dịch hại cây trồng tổng hợp (IPM); thực hành nông nghiệp an toàn (GAP), nông nghiệp bảo tồn. Những mô hình này giúp tối ưu hóa tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững.

PGS.TS. Đào Thế Anh chia sẻ về 5 cấp độ chuyển đổi nông nghiệp sinh thái: (i) cải thiện hiệu quả sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu; (ii) thay thế các phương pháp truyền thống bằng giải pháp sinh học; (iii) thiết kế lại hệ thống sản xuất nông nghiệp theo nguyên tắc sinh thái; (iv) xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp sinh thái; (v) phát triển hệ thống lương thực nông nghiệp sinh thái cấp vùng và toàn quốc.

Tuy nhiên, PGS.TS. Đào Thế Anh chỉ ra những vấn đề tồn tại trong việc phát triển nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam, như: thiếu hướng dẫn cụ thể trong chính sách, thiếu bộ tiêu chí thống kê và cơ sở dữ liệu quản lý, thiếu sự phối hợp giữa các ngành. 

BÁN TÍN CHỈ CARBON TỪ RỪNG XUỐNG BIỂN

Các dự án REDD+ (giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng) hiện đang được triển khai tại nhiều khu vực của Việt Nam, với các thương vụ tín chỉ carbon mang lại giá trị đáng kể. Một trong những thương vụ đáng chú ý là việc bán tín chỉ carbon rừng ở Bắc Trung Bộ, thu về 51,5 triệu USD từ việc thực hiện các cam kết giảm phát thải.

Việt Nam cũng đang triển khai các dự án phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp, như Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp”. Mục tiêu của đề án không chỉ là nâng cao chất lượng lúa gạo, mà còn giảm phát thải trong sản xuất lúa, từ đó bán tín chỉ carbon.

 

"Trong tương lai, thị trường mua bán tín chỉ carbon sẽ ngày sôi động, vì vậy nông nghiệp Việt Nam cần phải đón đầu xu hướng này để tăng cao lợi nhuận”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Một trong những lĩnh vực tiềm năng trong việc sản xuất tín chỉ carbon là nuôi trồng rong biển. Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), rong biển có thể lưu trữ tới 1.500 tấn khí nhà kính trên mỗi km2 vuông, tốc độ phát triển của rong biển cao gấp 30-60 lần so với các loài thực vật trên đất liền, giúp hấp thụ khí CO2 hiệu quả hơn. ICAFIS đang triển khai Chương trình “Blue Ocean - Blue Foods” hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển các chuỗi kinh tế tuần hoàn từ rong biển, giúp tạo ra giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường biển.

Theo ông Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS, nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc bán tín chỉ carbon, đặc biệt khi nhu cầu toàn cầu được dự báo sẽ tăng gần 100 lần vào năm 2050.

Ngành nông nghiệp Việt Nam, từ chăn nuôi, trồng trọt đến trồng rừng, đều có cơ hội chuyển đổi sang mô hình sản xuất giảm phát thải khí nhà kính. Theo tính toán, ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, mang lại lợi nhuận lên đến gần 300 triệu USD trong tương lai.

Nhấn mạnh vấn đề bán tín chỉ carbon, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng nông dân không chỉ bán sản phẩm mà còn bán cả cách thức sản xuất của mình, đặc biệt là thông qua việc giảm phát thải trong nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp còn để bán tín chỉ carbon. “Đừng tưởng bán không khí là chuyện trên trời, thực tế chúng ta đã bán thu tiền tươi", Bộ trưởng khẳng định...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194

Bán tín chỉ carbon, nông dân giàu lên  - Ảnh 1