08:47 20/01/2025

Băng tan ở Greenland có thể dẫn tới một cơn sốt khoáng sản

Ngọc Trang

Tan băng trên diện rộng ở Greenland đang để lộ tiềm năng tài nguyên thiên nhiên dồi dào của hòn đảo này...

Hình ảnh băng tan gần Ilulissat, Greenland được chụp vào ngày 16/7/2024 - Ảnh: Getty Images
Hình ảnh băng tan gần Ilulissat, Greenland được chụp vào ngày 16/7/2024 - Ảnh: Getty Images

Là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới với cư dân thưa thớt nằm giữa Bắc Băng Dương và Bắc Đại Tây Dương. Hiện tượng biến đổi khí hậu kéo dài nhiều thập kỷ qua đã vô tình giúp trữ lượng khoáng sản khổng lồ chưa được khai thác nằm sâu dưới các lớp băng của hòn đảo này trở nên dễ tiếp cận hơn.

Theo một phân tích các hình ảnh vệ tinh chụp Greenland theo thời gian của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Leeds của Anh, Greenland đang dần chuyển sang màu xanh do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Khí hậu thay đổi đã khiến một số vùng băng và sông băng ở Greenland được thay thế bằng những vùng đất ngập nước, khu vực cây bụi và đá cằn cỗi.

"CƠN SỐT" KHOÁNG SẢN

Các nhà khoa học đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng băng tuyết tan tại Greenland, cho rằng băng tan trên diện rộng làm tăng khí thải nhà kính và tăng mực nước biển. Nhưng với các công ty khai khoáng, hiện tượng này có thể mở đường cho một “cơn sốt” khoáng sản.

“Những gì đang diễn ra thật thú vị khi các vùng băng ở Greenland đang tan ra sớm hơn và đóng băng trở lại muộn hơn mỗi năm. Giờ đây, việc tiếp cận các vùng xa xôi đang trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với khoảng 20, 30, 40 hay 70 năm trước”, ông Roderick McIllree, giám đốc điều hành công ty khai khoáng 80 Mile của Anh, nhận xét với CNBC. “Các vùng băng chỉ thực sự hình thành trong 3-4 tháng ở các vĩ độ cực bắc, trong khi phần còn lại của Greenland đang chứng kiến hiện tượng băng tan chảy, để lộ những tảng đá và mỏ khoảng sản tiềm năng chưa từng thấy trước đây”.

80 Mile đang tích cực triển khai 3 dự án tại Greenland, bao gồm một dự án khai thác dầu mỏ lớn ở bờ biển phía Đông hòn đảo, một dự án Titan gần căn cứ vũ trụ Pituffik của Mỹ ở phía Tây Bắc và dự án Disko-Nuussuaq ở phía Tây Nam.

Nhấn mạnh tiềm năng chiến lược của Greenland là một trung tâm khai khoáng lớn toàn cầu, ông McIllree cho biết dự án Disko của công ty có thể là một trong những dự án khai thác nikel và đồng lớn nhất hành tinh.

Ông Tony Sage - CEO Critical Metals Corporation, công ty đang phát triển trong những dự án đất hiếm lớn nhất thế giới tại Greenland - cho biết băng tan trên hòn đảo này đã mang lại cho công ty của ông lợi thế to về mặt hậu cần.

“Chúng tôi có thể đưa các tàu cỡ lớn trực tiếp từ Bắc Đại Tây Dương tới tận rìa các mỏ quặng ở Tanbreez, phía Nam Greenland”, ông Sage cho biết. “Việc hình hành các vịnh hẹp với độ sâu 80 mét giúp tôi có thể dùng bến tàu nổi chứ không cần cảng. Mọi việc giờ đây đều trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ, ở vùng Siberia, Nga, nơi rất nhiều băng và đất đóng băng vĩnh cửu mà họ vẫn khai thác được rất nhiều khoáng sản và dầu khí. Vậy thì ở đây, sẽ có một cơn sốt khoáng sản nho nhỏ ở Greenland”.

Phong cảnh trên bán đảo Drygalski với các tảng băng tan tạo thành một vịnh hẹp ở phía Tây Bắc Greenland - Ảnh: Getty Images
Phong cảnh trên bán đảo Drygalski với các tảng băng tan tạo thành một vịnh hẹp ở phía Tây Bắc Greenland - Ảnh: Getty Images

SẼ MẤT NHIỀU THỜI GIAN

Tuy nhiên, theo ông Sage, bên cạnh khí hậu khắc nghiệt, địa hình trắc trở và dân số thưa thớt, vấn đề thiếu cơ sở hạ tầng ở Greenland là một rào cản mà các công ty khai thác phải vượt qua để tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đây.

“Đó là vấn đề hậu cần. Đan Mạch không xây đường sắt hay bất kỳ đường bộ nào ở đây”, vị CEO chia sẻ. “Một khi đã ra khỏi các thị trấn nhỏ và thành phố, sẽ chẳng có đường xá gì. Vì vậy, ví dụ muốn đi từ  Qaqortoq - nơi chúng tôi đang ở đây - tới thủ đô Nuuk, bạn sẽ phải đi trực thăng. Do đó, cơn sốt khoảng sản kia sẽ đi kèm rất nhiều vấn đề”.

Greenland từ lâu được xem là một đối trọng ở phương Tây cho vị thế gần như độc quyền của Trung Quốc về các nguyên tố đất hiếm. Đây cũng là nguyên nhân đẩy hòn đảo này trở thành tâm điểm của một cơn bão địa chính chính trị thời gian gần đây.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhiều lần bày tỏ mong muốn đưa Greenland trở thành một phần lãnh thổ của Mỹ vì lý do an ninh quốc gia. Phát biểu tại một cuộc họp báo đầu tháng này, ông Trump nói rằng không loại trừ khả năng sử dụng quân đội để đưa Greenland trở thành lãnh thổ của Mỹ. Đáp lại, vào tuần trước, Thủ tướng Greenland Mute Egede nói rằng hòn đảo này sẵn sàng thắt chặt mối quan hệ với Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực như khai khoáng, nhưng ông khẳng định Greenland “không phải để bán”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng nguyện vọng độc lập của hòn đảo.

Theo ông Jakob Kløve Keiding, cố vấn cấp cao tại Cục Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS), một cuộc khảo sát năm 2023 về tiềm năng tài nguyên của Greenland đã đánh giá tổng cộng 38 tài nguyên thô của hoàn đảo, trong đó phần lớn có tiềm năng ở mức tương đối cao hoặc trung bình. Các khoáng sản này gồm có graphite, đất hiếm, niobi, kim loại nhóm platin, molypden, tantal và titan. Greenland cũng có trữ lượng lithium, hafni, uranium và vàng. Trong số này có nhiều loại khoáng sản quan trọng được sử dụng trong xe điện như graphite và lithium, cùng các nguyên tố đất hiếm (REE) dùng trong ô tô điện và turbine gió.

“Tiềm năng ở Greenland rất lớn nhưng hiện tại gần như không có hoạt động khai thác”, ông Keiding nói với CNBC. “Chúng tôi gọi Greenland là một khu vực thăm dò mới. Nơi này đang trong giai đoạn đầu của quá trình thăm dò bởi nhiều nơi chúng tôi chưa có dữ liệu. Tuy nhiên, có một số mỏ rất lớn với các loại khoáng sản mà chúng ta đã biết”.

Nói về tiềm năng xảy ra một cơn sốt khoáng sản, ông Keiding nhận định dù băng tan có thể loại bỏ một số rào cản về mặt hậu cần, nhưng quá trình khai thác ở đây có thể sẽ “mất nhiều thời gian”.