Bảo đảm tính “độc lập tương đối” trong hoạt động giám sát, phản biện của các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Quy định này nhằm đảm bảo cho các tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể chủ động thực hiện một số hoạt động giám sát đối với những đối tượng, nội dung liên quan đến đoàn viên, hội viên của tổ chức mình; thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao...

Sáng 21/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LÀ MỘT BỘ PHẬN CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
Trình bày Tờ trình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cho biết việc sửa đổi luật nhằm thể chế hoá đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Đề án sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã (theo Nghị quyết số 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng).
Về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, dự thảo Luật khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò chủ trì, các tổ chức chính trị - xã hội cùng với các tổ chức thành viên khác phối hợp, đồng thời phát huy sự chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức trong hiệp thương dân chủ, thống nhất hành động.
Quy định các tổ chức chính trị - xã hội, các hội do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ là các tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm bảo đảm quy định tại Điều 9, Điều 10 Hiến pháp năm 2013 (sau sửa đổi, bổ sung).
Đồng thời, quy định về tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức ở cấp huyện để đồng bộ với việc sắp xếp đơn vị hành chính, và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Công đoàn, dự luật cũng khẳng định Công đoàn “là tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, là “đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn”.

Dự thảo Luật cũng quy định liên quan đến hệ thống tổ chức của Công đoàn để đồng bộ với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, và điều chỉnh tổ chức công đoàn trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp hưởng 100% lương từ ngân sách Nhà nước, nhằm hực hiện chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức Việt Nam; tổ chức công đoàn chủ yếu ở các doanh nghiệp, công đoàn ngành, được tổ chức theo hướng mở, linh hoạt theo đặc thù của tổ chức công đoàn.
Quy định liên quan đến đối tượng đóng kinh phí công đoàn và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn để phù hợp với điều chỉnh về tổ chức công đoàn sau sắp xếp, tinh gọn.
Về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thanh niên, dự thảo Luật khẳng định Đoàn thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, bao gồm: Các quy định để thực hiện chủ trương kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Quy định liên quan tới tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, và trách nhiệm của Bộ Nội vụ tiếp nhận các nhiệm vụ quản lý về thực hiện dân chủ trong các tổ chức có sử dụng lao động, khi không còn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Cùng với đó, bãi bỏ các quy định về trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, Ban chấp hành công đoàn tại các cơ quan, đơn vị không có tổ chức công đoàn cơ sở, khi thực hiện chủ trương chấm dứt hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam.
QUY ĐỊNH THỐNG NHẤT NỘI DUNG, THẨM QUYỀN GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN
Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, cho biết về Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo quy định cụ thể hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bảo đảm tính “độc lập tương đối” trong hoạt động giám sát, phản biện của các tổ chức thành viên trực thuộc.
Đồng thời, bảo đảm các tổ chức thành viên trực thuộc có thể chủ động thực hiện một số hoạt động giám sát đối với những đối tượng, nội dung liên quan đến đoàn viên, hội viên của tổ chức mình, và thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ và quy định thống nhất về đối tượng, nội dung, thẩm quyền giám sát, phản biện xã hội, để bảo đảm phù hợp với vị trí, vai trò của các tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về Luật Công đoàn, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết có ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định hệ thống tổ chức công đoàn theo hướng linh hoạt hơn, phù hợp với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, vừa bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, vừa bảo đảm thực hiện theo Điều lệ Công đoàn.
Đồng thời, vẫn bám sát yêu cầu đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn theo tinh thần của Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, phù hợp với việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, và các quy định khác liên quan tới việc sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Về phát triển đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở, có ý kiến đề nghị nghiên cứu xây dựng mô hình công đoàn cụm liên xã, phường thuộc công đoàn tỉnh, thành phố, hoặc đại diện của công đoàn cấp trên ở các khu công nghiệp (đối với tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, nhiều lao động).
Qua đó, để quản lý đoàn viên và tuyên truyền vận động, hướng dẫn người lao động gia nhập, thành lập công đoàn cơ sở và đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong khu vực ngoài Nhà nước.
Đối với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó về chủ trương kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ ngày 1/8/2025, Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định tại Luật này để bảo đảm phù hợp, khả thi.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị xác định rõ chủ thể hoặc cân nhắc bổ sung cơ sở pháp lý để hướng dẫn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân sau sắp xếp, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với những nơi không còn tổ chức công đoàn. Đồng thời, không làm gián đoạn và phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân.
Dự thảo Luật gồm 5 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung 11/41 điều của Luật Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; Điều 2 sửa đổi, bổ sung 9/37 điều của Luật Công đoàn; Điều 3 sửa đổi, bổ sung 2/41 điều của Luật Thanh niên; Điều 4 sửa đổi, bổ sung 31/91 điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Điều 5 Hiệu lực thi hành.
Luật dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025, và có quy định chuyển tiếp về tổ chức và hoạt động của công đoàn, Ban chấp hành công đoàn nơi có tổ chức công đoàn cơ sở tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.