16:14 14/06/2011

Báo động tình trạng lao động Việt cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc

Vũ Quỳnh

Hình ảnh lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đang bị ảnh hưởng khi tỷ lệ lao động bỏ trốn, sống bất hợp pháp và chuyển xưởng tăng cao

Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc gửi về nước khoảng 600 triệu USD/năm.
Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc gửi về nước khoảng 600 triệu USD/năm.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản báo cáo vấn đề lao động Việt Nam bỏ trốn, sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc tăng cao trong thời gian gần đây, trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo ngày 13/6/2011 của bộ này, số lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp sau khi hết hợp đồng lao động tại thị trường Hàn Quốc cho đến thời điểm này là 8.510 người, chiếm 14,8%, đứng đầu về số lượng so với các quốc gia phái cử khác (Trung Quốc 5.100 người, Philippin có 4.958 người, Indonesia là 3.728 người, Mông Cổ 3.515 người, Thái Lan 3.216 người).

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang là quốc gia có số lao động dẫn đầu so với các quốc gia khác về yêu cầu đòi chuyển chỗ làm việc với các lý do không chính đáng, chiếm tỷ lệ tới 32%. Một bộ phận lao động chưa có ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động.

"Nghiêm trọng hơn là tình trạng lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc cũng tăng lên trong thời gian gần đây", báo cáo nêu rõ.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tình trạng nêu trên đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động Việt Nam nói chung và quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước nói riêng. Nếu không được khắc phục, cơ hội việc làm của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ ngày càng bị thu hẹp. Thậm chí, phía bạn có thể áp dụng biện pháp dừng thực hiện thỏa thuận hợp tác về lao động đã ký kết.

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi Thủ tướng cũng đề cập đến việc bộ này đã tổ chức nghiên cứu xây dựng “Đề án ngăn ngừa tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc”.

Cụ thể là, đã xây dựng nhiều giải pháp như tăng cường trách nhiệm, giám sát, quản lý lao động  của các địa phương, bệnh viện;  nâng cao hơn nữa việc tổ chức đào tào tiếng Hàn cho lao động; thay đổi cách thức tuyển chọn lao động và sẽ nghiên cứu, áp dụng các biện pháp hành chính như hạn chế số lượng lao động đăng ký kỳ kiểm tra tiếng Hàn đối với những địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn, sống bất hợp pháp cao.

Được biết, chương trình cấp phép lao động nước ngoài của Hàn Quốc qua hơn 6 năm thực hiện, đã có gần 60.000 lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường này, đứng đầu trong 15 quốc gia phái cử và chiếm 25% tổng số lao động theo chương trình này tại Hàn Quốc. Hằng năm, người lao động gửi về nước khoảng 600 triệu USD.

Trao đổi với VnEconomy, ông Vũ Minh Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, kỳ thi sát hạch tiếng Hàn dự kiện được tổ chức ngày 7/8 tới sẽ không diễn ra.

“Lý do mà phía Hàn Quốc đưa ra, do lượng hồ sơ tồn của số lao động đã hoàn thành kỳ sát hạch tiếng Hàn nhưng chưa xuất cảnh được hiện còn hơn 9.000 hồ sơ. Lý do thứ hai, chính là số lao động hết hợp đồng về nước của Việt Nam từ đầu năm đến nay chỉ đạt 45%” ông Xuyên nói.