Bao giờ Eximbank chấm dứt năm bè bảy mối?
Con thuyền Eximbank dường như đã không cùng nhịp các tay chèo
Mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của các ngân hàng sắp kết thúc, phần lớn đều tạm thời tìm được tiếng nói chung giữa các cổ đông, ít nhất cho đến mùa đại hội tới.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là trường hợp gây chú ý đặc biệt khi đến thời điểm này vẫn chưa thể tiến hành đại hội.
Trước đó, ngày 26/4, phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Eximbank dự kiến bắt đầu lúc 8h30 sáng, nhưng chỉ có 173 cổ đông đại diện cho 57,54% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Sau hơn một giờ chờ đợi, tỷ lệ trên nhích lên 57,62%, do không đủ điều kiện, ngân hàng buộc phải huỷ đại hội.
Trước thềm đại hội, Hội đồng quản trị ngân hàng công bố Nghị quyết số 112/2019 về việc bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên Hội đồng quản trị giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 thay cho ông Lê Minh Quốc.
Cho rằng nghị quyết trái luật, ông Quốc đã có đơn gửi Toà án Nhân dân Tp.HCM yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo đó, chiều ngày 27/3, toà buộc các đồng bị đơn gồm ông Đặng Anh Mai, ông Lê Văn Quyết, bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Yutaka Moriwaki và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến Eximbank phải tạm dừng việc thực hiện nghị quyết cho đến khi giải quyết xong vụ án.
Xét về cơ cấu Eximbank, ngân hàng của Nhật Sumitomo Mitsul Banking Corporation hiện đang là cổ đông lớn duy nhất với tỷ lệ sở hữu 15%; VOF Investment Limited nắm 4,97%; Vietcombank do vướng quy định không được sở hữu trên 5% cổ phần tại tổ chức tín dụng khác cũng đã thoái vốn xuống mức 4,82%; cổ đông khác chiếm 75,21%.
Trên thị trường chứng khoán, càng đến ngày chốt danh sách họp cổ đông, cổ phiếu EIB càng giao dịch nhộn nhịp. Nổi bật là giao dịch thoả thuận hơn 1.071 tỷ đồng trong phiên 3/4; hơn 870 tỷ đồng trong phiên 5/4… Tuy nhiên, không hề có bất kỳ thông báo nào công bố chi tiết các giao dịch trao tay này.
Với diễn biến bất thường trên thị trường chứng khoán, không ít người đặt dấu hỏi về cơ cấu cổ đông thật sự tại ngân hàng này, nhất là khi đại hội cổ đông diễn ra bất thành với lý do tỷ lệ cổ đông năm quyền biểu quyết không đủ theo quy định.
Mới đây, trên cơ sở rút đơn khởi kiện của ông Lê Minh Quốc, Toà án Nhân dân Tp.HCM đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp giữa các thành viên Hội đồng quản trị Eximbank.
Như vậy, với quyết định này, nghị quyết 112 bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng tiếp tục được thực hiện. Đồng nghĩa việc bà Tú là Chủ tịch ngân hàng Eximbank thay thế ông Lê Minh Quốc.
Thế nhưng, sau đó một ngày lại xuất hiện diễn biến khác, Eximbank bất ngờ công bố nghị quyết Hội đồng quản trị số 231, với nội dung huỷ bỏ nghị quyết số 112 do ông Quốc ký.
Nghị quyết mới của Eximbank đồng nghĩa với việc ông Lê Minh Quốc tiếp tục nắm giữ chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị. Theo một nguồn tin tại ngân hàng, ông Quốc sẽ từ nhiệm trong thời gian tới. Việc từ nhiệm chính thức có thể diễn ra tại Đại hội cổ đông thường niên lần 2 dự kiến được tổ chức vào ngày 26/5 tới, hoặc tại một phiên họp bất thường khác.
Trong một diễn biến liên quan, theo một nguồn tin của VnEconomy, khá nhiều lần ngân hàng Eximbank xin ý kiến chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước để xử lý tình trạng trên, tuy nhiên, sự chỉ đạo chỉ dừng ở mức "tuân thủ các quy định của pháp luật".