10:01 03/12/2007

Bảo hiểm nhân thọ linh hoạt hơn với bảo hiểm linh hoạt

Lương Xuân Trường

Bộ Tài chính đã chính thức cho phép triển khai một loại hình sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mới tại Việt Nam

Do tính phức tạp của sản phẩm cao hơn nên sản phẩm này cũng đòi hỏi khách hàng phải hiểu rõ các đặc điểm, điều kiện khi mua sản phẩm.
Do tính phức tạp của sản phẩm cao hơn nên sản phẩm này cũng đòi hỏi khách hàng phải hiểu rõ các đặc điểm, điều kiện khi mua sản phẩm.
Hơn 11 năm qua, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống vẫn là những sản phẩm chủ yếu của thị trường.

Giờ đây, khi bảo hiểm liên kết chung - hay còn được biết đến với tên gọi bảo hiểm linh hoạt - ra đời, thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ có thêm sản phẩm mới để khách hàng lựa chọn. 

Bảo hiểm truyền thống: Khách hàng không có nhiều thông tin

Các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống có đặc điểm là các điều kiện của hợp đồng như: quyền lợi bảo hiểm (số tiền bảo hiểm được nhận khi hợp đồng đáo hạn, trong trường hợp tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn...), giá trị hoàn lại... được xác định rõ khi giao kết hợp đồng và được đảm bảo trong suốt thời hạn hợp đồng; phí bảo hiểm mà khách hàng đóng không thay đổi trong suốt thời gian đóng phí.

Để tạo sự phù hợp và linh hoạt của chương trình bảo hiểm khi điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu bảo hiểm của khách hàng thay đổi theo thời gian, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ truyền thống còn đưa ra những quy định linh hoạt như cho phép khách hàng giảm số tiền bảo hiểm (và do vậy phí bảo hiểm sẽ giảm một cách tương ứng), huỷ hợp đồng để nhận giá trị hoàn lại, ngừng đóng phí nhưng tiếp tục duy trì hợp đồng, chuyển đổi sang chương trình bảo hiểm khác phù hợp hơn với nhu cầu của mình, tạm ứng từ giá trị hoàn lại để giải quyết những khó khăn tạm thời về tài chính...

Bên cạnh đó, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ truyền thống có thể có điều khoản chia lãi hay bảo tức. Theo đó, ngoài việc được hưởng các quyền lợi được đảm bảo, khách hàng còn được tham dự vào việc phân chia lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bảo hiểm phải chia cho khách hàng tối thiểu 70% lợi nhuận thu được từ hợp đồng có tham gia chia lãi. Như vậy, lãi chia/bảo tức thực chất là khoản chia thêm cho khách hàng, nó phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, và do vậy nó không được bảo đảm.

Trong các sản phẩm nhân thọ bảo hiểm nhân thọ truyền thống khi giao kết hợp đồng, khách hàng không được biết rõ số tiền mình đóng sẽ được phân bổ và dùng như thế nào. Khách hàng chỉ biết được các quyền lợi đảm bảo mà họ sẽ được nhận, số phí phải đóng và quyền được hưởng thêm lãi chia/bảo tức (nếu là hợp đồng có tham gia chia lãi).

Bảo hiểm liên kết chung: Minh bạch hơn, linh hoạt hơn và... phức tạp hơn

Quyết định số 96/2007/QĐ-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chính thức cho phép triển khai một loại hình sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mới tại Việt Nam, đó là bảo hiểm liên kết chung (universal life).

Sẽ không hoàn toàn đúng nếu khẳng định rằng sản phẩm liên kết chung ưu việt hơn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống vì mỗi loại hình sản phẩm đáp ứng những khách hàng với nhu cầu khác nhau.

Bảo hiểm liên kết chung có những đặc thù riêng.

Thứ nhất, phí bảo hiểm mà khách hàng đóng được tách thành phần phí bảo hiểm dành cho bảo hiểm rủi ro (tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn...) và phần phí bảo hiểm dành cho đầu tư. Chẳng hạn, trong 100 đồng phí bảo hiểm khách hàng sẽ biết 5 đồng được dùng cho việc bảo hiểm rủi ro và 95 đồng còn lại được dùng để góp vào một quỹ đầu tư (được gọi là quỹ liên kết chung).

Đáng chú ý, ngoài phần phí bảo hiểm đã thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có thể đóng thêm phí bảo hiểm để tham gia vào quỹ liên kết chung. Toàn bộ phí bảo hiểm đóng thêm sẽ được đầu tư vào quỹ liên kết chung sau khi trừ đi một khoản phí ban đầu. Tuy nhiên theo quy định, trong mỗi năm hợp đồng, tổng số phí bảo hiểm đóng thêm không được vượt quá 5 lần mức phí bảo hiểm năm đầu đối với hợp đồng đóng phí định kỳ hoặc không quá 50% phí bảo hiểm lần đầu đối với hợp đồng đóng phí một lần.

Thứ hai, quyền lợi bảo hiểm cũng được tách bạch thành quyền lợi bảo hiểm rủi ro (số tiền khách hàng được nhận khi gặp các rủi ro như tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn...) và quyền lợi đầu tư (quyền lợi được hưởng từ phần phí bảo hiểm dành cho đầu tư).

Thứ ba, phần phí bảo hiểm dành cho đầu tư được đóng góp vào một quỹ đầu tư do doanh nghiệp bảo hiểm quản lý và Bên mua bảo hiểm được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư từ quỹ liên kết chung. Như vậy, kết quả đầu tư mà khách hàng được hưởng phụ thuộc vào kết quả đầu tư của quỹ liên kết chung do doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện.

Chính vì lý do này, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo cho khách hàng về hoạt động của quỹ liên kết chung. Tuy nhiên, để giảm bớt rủi ro đầu tư mà khách hàng phải gánh chịu hợp đồng bảo hiểm liên kết chung đưa ra cam kết về mức lãi suất đầu tư tối thiểu mà khách hàng được nhận.

Thứ tư, doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng các khoản phí do bên mua bảo hiểm trả theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm như phí ban đầu, phí quản lý hợp đồng, phí quản lý quỹ liên kết chung, phí thu khi khách hàng huỷ bỏ hợp đồng... Khách hàng được biết rõ các khoản phí mà doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thu và cách thức thu.

Như vậy, so với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống, bảo hiểm liên kết chung có tính minh bạch cao hơn, linh hoạt hơn về đóng phí và quyền lợi được nhận, bên mua bảo hiểm có thể đầu tư nhiều hơn thông qua việc lựa chọn quyền lợi và có thể đóng nhiều phí hơn cho phần đầu tư khi thấy doanh nghiệp thực hiện được kết quả đầu tư tốt.

Tuy nhiên, do tính phức tạp của sản phẩm cao hơn nên sản phẩm này cũng đòi hỏi khách hàng phải hiểu rõ các đặc điểm, điều kiện khi mua sản phẩm.