10:26 29/04/2021

Bảo hiểm tai nạn lao động khu vực kinh tế phi chính thức: Vướng ở đâu?

Nhật Dương

Với khoảng 60% lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức không có hợp đồng, bảo hiểm tai nạn lao động cho nhóm đối tượng này là vấn đề “mới và khó”, nếu hỗ trợ từ ngân sách sẽ là khoản chi phí tương đối lớn...

Khoảng 60% lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức
Khoảng 60% lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 60% lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, tương đương 34 triệu người. 

Số lao động này tự kiếm việc làm, không có hợp đồng và không tham gia bảo hiểm xã hội. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do mất an toàn lao động trong khu vực này làm khoảng 1.400 người chết/năm.

Tuy nhiên, khi trao đổi về vấn đề này, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thừa nhận, bảo hiểm tai nạn lao động cho khoảng 60% tương đương 34 triệu người ở khu vực kinh tế phi chính thức hiện nay là vấn đề rất mới và khó. Kinh nghiệm các nước trên thế giới hầu như chưa có nước nào thực hiện được.  

Theo ông Thắng, ở khu vực có quan hệ lao động, Bộ luật Lao động cũng như các quy định hiện hành, Luật An toàn vệ sinh lao động đều nêu rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc tổ chức các điều kiện về đảm bảo an toàn cho người lao động. Song với khu vực kinh tế phi chính thức, do không có hợp đồng, bản thân tự tạo việc làm nên vấn đề xác định ai chịu trách nhiệm, ai trang bị an toàn lao động là không hề đơn giản.

 

Bảo hiểm tai nạn lao động cho khoảng 60% tương đương 34 triệu người ở khu vực kinh tế phi chính thức  là vấn đề rất mới và khó. Kinh nghiệm các nước trên thế giới hầu như chưa có nước nào thực hiện được.  

“Vì là vấn đề mới và khó nên trong luật hiện hành chỉ quy định trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ người lao động, hay nhà sản xuất khi đưa những thiết bị công nghệ mới vào thì phải có trách nhiệm hướng dẫn và đảm bảo an toàn cho người lao động. Trước mắt, chúng tôi từng bước một khuyến khích người lao động tuân thủ các quy định về an toàn lao động”, ông Thắng lý giải.

Từ những thực tế trên, ông Thắng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động và đã trình Chính phủ xem xét vào năm 2017.

Tuy nhiên, do còn 2 vướng mắc lớn khiến nghị định đến nay chưa thể ban hành. Trước hết là Nhà nước cần có hỗ trợ cho nhóm lao động phi chính thức để tham gia vào bảo hiểm này, song đây là khoản ngân sách tương đối lớn, đặc biệt trong giai đoạn vừa qua ngân sách Nhà nước cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó còn vướng mắc trong điều tra tai nạn lao động để quyết định việc bồi thường.

Theo ông Thắng, nếu như trong khu vực có quan hệ lao động, tai nạn lao động nhẹ chiếm số đông từ 80 – 90% đều do doanh nghiệp chịu trách nhiệm điều tra, song ở khu vực phi chính thưc đây là vấn đề rất khó.

“Do còn những vướng mắc lớn như vậy nên Chính phủ đã giao lại cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo nghị định này, bảo đảm tính khả thi và trình Chính phủ vào thời điểm thích hợp. Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ để có những ý kiến chính thức nhằm tháo gỡ các khó khăn trên”, ông Thắng cho biết.

 

Hai vướng mắc lớn, một là nếu ngân sách Nhà nước hỗ trợ sẽ là khoản chi phí tương đối lớn, hai là vướng mắc trong điều tra tai nạn lao động để quyết định việc bồi thường. 

Việc tháo gỡ sẽ chú trọng xem xét đến những đối tượng tham gia là lao động phi chính thức được hỗ trợ ở mức độ nào để đảm bảo được quyền lợi tương tự như tham gia đóng bảo hiểm y tế.

Đối với vấn đề bổ sung lực lượng điều tra tai nạn lao động, theo ông Thắng hiện ban soạn thảo đang tính toán có thể tiếp tục giao cho thanh tra các sở, tuy nhiên thanh tra ở các sở hiện nay cũng rất quá tải. Phương án khác là xin cơ chế xã hội hóa để các tổ chức xã hội điều tra và thanh tra sở sẽ kiểm duyệt lại .

“Những vấn đề này sẽ cần có sự điều chỉnh, thay đổi bằng luật pháp. Chúng tôi sẽ có lộ trình báo cáo Chính phủ trong năm 2021, sau đó tiếp tục hoàn thiện nghị định vào năm 2022 trình Chính phủ để có thể sớm ban hành. Khi có nghị định này, người lao động tham gia đóng bảo hiểm nếu gặp tai nạn lao động mới được bảo vệ tốt hơn”, ông Thắng nhấn mạnh.