09:41 19/10/2007

Bảo hiểm y tế: “Có nhu cầu mới mua thì làm sao chi trả?”

D.Hiếu - Tâm Mai

Hỏi chuyện ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng ban Bảo hiểm y tế tự nguyện (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam)

"Theo tôi, người mạnh khoẻ nên chăng nghĩ đến việc mua bảo hiểm y tế tự nguyện là đóng góp một phần, giúp một phần cho người không may mắn".
"Theo tôi, người mạnh khoẻ nên chăng nghĩ đến việc mua bảo hiểm y tế tự nguyện là đóng góp một phần, giúp một phần cho người không may mắn".
Hỏi chuyện ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng ban Bảo hiểm y tế tự nguyện (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).

Nhiều ý kiến cho rằng thông tư Liên tịch số 06/2007/TTLT-BTC-BYT quy định 100% thành viên trong gia đình và 10% số hộ trên địa bàn xã, phường mua thẻ bảo hiểm y tế là không vì lợi ích của người mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện. Ý kiến ông thế nào?

Đúng là một số tỉnh thành gặp khó khăn khi triển khai theo quy định trên. Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì dù có hiện tượng như phản ánh. Đơn giản, chỉ là để đảm bảo tính cộng đồng và sự chia sẻ rủi ro trong cộng đồng, đảm bảo quỹ bảo hiểm y tế tồn tại và phục vụ tại cộng đồng.

Quỹ bảo hiểm y tế là do cộng đồng đóng góp và để trang trải chi phí khám, chữa bệnh của những người tham gia bảo hiểm y tế trên nguyên tắc, người khoẻ mạnh bù cho người có bệnh, người bệnh nhẹ bù cho người bệnh nặng. Nếu chỉ có sự tham gia của những người có nhu cầu (khi mắc bệnh hoặc bệnh nặng bản thân không tự chi trả được) mới mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện thì quỹ làm sao chi trả nổi.

Theo tôi, người mạnh khoẻ nên chăng nghĩ đến việc mua bảo hiểm y tế tự nguyện là đóng góp một phần, giúp một phần cho người không may mắn phải sử dụng thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện để khám chữa, bệnh.

Thưa ông, trong quá trình triển khai những chính sách mới về bảo hiểm y tế tự nguyện, có những vướng mắc như: Tại mục 1, điểm 2, khoản a (Quyết định 621/QĐ-bảo hiểm xã hội ngày 20/4/2007 của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) quy định hình thức thu, đóng bảo hiểm y tế tự nguyện: “Thành viên gia đình đóng bảo hiểm y tế theo 3 tháng, 6 tháng, hoặc một năm một lần...”. Nhưng khoản b lại ghi: “Cơ quan bảo hiểm xã hội tổ chức hệ thống thu tiền đóng bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện có thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng”. Quy định như thế có mâu thuẫn nhau không?

Không mâu thuẫn. Tại điểm b, cơ quan bảo hiểm xã hội tổ chức hệ thống thu tiền đóng bảo hiểm y tế tự nguyện và đúng là sẽ phát hành thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện có thời hạn sử dụng ít nhất sáu tháng. Điểm này được hiểu là thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng ít nhất 6 tháng, nhằm giảm phiền hà cho dân do phải thay thẻ liên tục và cũng để giảm chi phí vật chất.

Còn cơ quan bảo hiểm xã hội tổ chức thu theo các thời hạn như quy định trong khoản a là tuỳ thuộc vào khả năng đóng tiền của người tham gia bảo hiểm y tế. Như vậy, thành viên gia đình có thể nhận thẻ bảo hiểm y tế có giá trị 6 tháng, dù chỉ đóng bảo hiểm y tế 3 tháng một lần. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ ghi nợ và thu tiếp sau khi kết thúc 3 tháng sử dụng thẻ.

Còn với quy định học sinh – sinh viên có thể “đóng bảo hiểm y tế một hoặc hai lần trong một năm hoặc đóng một lần cho cả khoá học”. Giả sử đối tượng đóng một lúc cho cả khóa học kéo dài 4-5 năm. Trong thời gian dài như thế, giữa chừng, mức phí thay đổi theo hướng tăng lên chẳng hạn, quyền lợi của các em có được bảo đảm hay không? Các em có phải đóng bổ sung phần chênh lệch tăng thêm do bổ sung mức phí không?

Học sinh – sinh viên có thể đóng bảo hiểm y tế một lần cho cả khoá học 4-5 năm. Và đúng là có thể xảy ra tình trạng giữa chừng thay đổi chính sách về mức phí. Rồi có thể hợp đồng giữa nhà trường với cơ quan bảo hiểm xã hội không ghi điều khoản quy định việc điều chỉnh mức đóng hoặc quyền lợi khi có sự thay đổi.

Trường hợp đó, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ không đặt vấn đề thu bổ sung nếu mức phí được điều chỉnh tăng. Nếu quyền lợi tăng thì được hưởng theo quy định mới. Nếu quyền lợi bị thu hẹp thì được hưởng theo quy định cũ (thời điểm nộp tiền bảo hiểm y tế).

Vì mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện theo quy định mới đã tăng, do vậy số người tham gia cũng đã giảm. Như vậy, liệu có giải pháp nào để giúp mọi người dân cùng được thụ hưởng các dịch vụ khám chữa bệnh?

Hiện nay, số đông tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện là các đối tượng cận nghèo (đối tượng nhân dân), không phải diện mua bảo hiểm y tế bắt buộc, không thuộc đối tượng 139 hay các đối tượng chính sách. Theo chủ trương của Nhà nước, hàng năm ngân sách Nhà nước sẽ chi một phần, còn phần lớn lại do ngân sách địa phương và các nguồn ủng hộ khác để cùng góp mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện cho các đối tượng cận nghèo.

Tuy nhiên, cũng đã nhiều năm, các địa phương hầu như không chịu chi khoản này, đặc biệt, thời gian gần đây khi mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện lại tăng lên. Do vậy, vừa qua, góp ý vào việc sửa đổi NĐ63 về bảo hiểm y tế, Chính phủ có chỉ đạo cho các cơ quan quản lý về việc hàng năm ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 50% giá trị thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện cho các đối tượng cận nghèo, chứ không để các địa phương đứng ra lo nữa. Việc xác định thế nào là hộ nghèo đã có văn bản quy chuẩn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Mới đây, để đưa ra dự toán ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 50% trị giá thẻ/đối tượng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã dựa vào căn cứ trước đó mà Ngân hàng thế giới áp dụng để hỗ trợ cho các đối tượng cận nghèo thuộc 13 tỉnh ĐBSCL. Theo đó, hộ cận nghèo có mức thu nhập cao hơn 1,5 lần hộ nghèo. Với cách tính này, ước tính, hiện nay, khoảng 20% dân số thuộc diện cận nghèo.