11:45 30/10/2008

Bão tài chính đe dọa Thung lũng Silicon

Cơn bão tài chính ở Phố Wall (Mỹ) bắt đầu tác động đến Thung lũng Silicon, khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn

Bản đồ của Thung lũng Silicon có thể sẽ thay đổi sau khủng hoảng tài chính.
Bản đồ của Thung lũng Silicon có thể sẽ thay đổi sau khủng hoảng tài chính.
Cơn bão tài chính ở Phố Wall (Mỹ) bắt đầu tác động đến Thung lũng Silicon, khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Tại châu Á, nơi Thung lũng Silicon có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều nhà sản xuất và thị trường, sự lo lắng cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

Cứ như là bị đánh thức sau một giấc mơ, Thung lũng Silicon - trung tâm công nghệ cao hàng đầu của nước Mỹ ở bang California - đột nhiên nhận ra nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng cũng đồng nghĩa với những khó khăn mà nhiều công ty công nghệ ở đó phải đối mặt. Thuộc nhóm có nguy cơ cao là những công ty thành lập theo sau sự sụp đổ của các công ty kinh doanh trên mạng vào năm 2001.

Đặc điểm của những công ty Web 2.0 này là những những logo xinh xắn, những cái tên kỳ lạ - như Twitter, Zooomr, Digg, Ning, Loopt - và những kế hoạch kinh doanh dựa trên ý tưởng mơ hồ là mời gọi hàng triệu người sử dụng đến những trang web miễn phí và tìm kiếm doanh thu từ việc bán quảng cáo sau đó. Phần lớn các công ty đều sớm thất bại, chỉ một số kiếm đủ tiền đầu tư để tồn tại trong năm đầu tiên hay lâu hơn.

Sự “điên rồ” tại Thung lũng Silicon

Trong hai năm qua, giá trị của một số công ty mới thành lập ở Thung lũng Silicon tăng đến mức lố bịch. Trang web kết nối xã hội Facebook vào năm ngoái được định giá khoảng 15 tỷ USD bất chấp việc kinh doanh chưa có lãi và chỉ mới ba năm tuổi.

Trong khi đó, Ning, một trang web kết nối xã hội khác, tìm được khoản đầu tư 104 triệu USD và gần đây được định giá khoảng 500 triệu USD.

Những đại diện điển hình của Thung lũng Silicon cho rằng những bài toán định giá này là hoàn toàn hợp lý và nhấn mạnh không có tình trạng “bong bóng xì hơi” nào.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, một số người thậm chí vẫn giữ được sự lạc quan. Max Levchin, người sáng lập công ty phần mềm mạng xã hội Slide, nói: “Tôi không có ý xấu nhưng sự suy sụp này có thể tốt cho chúng ta. Một số đối thủ cạnh tranh sắp rời bỏ cuộc đua”.

Để biết rõ hơn sự việc trở nên “điên rồ” như thế nào ở Thung lũng Silicon, ta hãy xem xét trường hợp của Twitter, một trang web cho phép người sử dụng gửi nội dung khoảng 140 chữ đến một danh sách bạn bè, cho biết mình đang ở đâu và làm gì.

Dịch vụ chỉ có vậy, thế mà đầu năm nay Twitter đã kiếm được khoản tiền đầu tư 15 triệu USD ngay cả khi công ty vẫn chưa kiếm được một đồng lợi nhuận nào cho đến nay và ban giám đốc công ty cũng không nỗ lực kiếm tiền cho lắm. Giám đốc Jack Dorsey cho biết công ty vẫn đang tập trung vào tăng trưởng, dù ông nói thêm rằng Twitter có ý định bắt đầu tìm kiếm doanh thu vào năm tới.

Cũng như Levchin, ông Dorsey cho rằng những công ty khác sẽ bị tổn thất trong bối cảnh kinh tế khó khăn này, nhưng công ty ông thì không. Những công ty mà ông Dorsey nói đến có thể bao gồm một số công ty đang làm phần mềm tương thích với Twitter và những công ty tìm cách bắt chước một phần hay toàn bộ những gì Twitter đang làm, như Tumblr, Publr, Chatterous, Posterous, Yammer, Streem, Pownce, Spoink và Plurk.

Cơn sốt Web 2.0 sắp đến hồi kết?

Không phải ai ở Thung lũng Silicon cũng ngồi chờ viễn cảnh như thế ập đến. Vào đầu tháng này, Sequoia Capital, một công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu, đã họp khẩn với giới lãnh đạo các công ty được đầu tư, khuyến cáo họ cắt giảm chi phí và chuẩn bị cho thời điểm khó khăn. Jason Calacanis, người sáng lập công ty web Mahalo, gần đây cảnh báo trên blog của ông rằng khoảng 50-80% công ty mới thành lập được tài trợ bởi các công ty đầu tư mạo hiểm sẽ đóng cửa hay giảm bớt quy mô hoạt động trong vòng 18 tháng tới.

Trong khi đó, Ron Conway, một nhà đầu tư thành công ở thành phố San Francisco, tỏ ra ít bi quan hơn, khi cho rằng khoảng 10-15% công ty mới ở Thung lũng Silicon sẽ đóng cửa. Trong e-mail gần đây gửi đến 130 công ty được ông đầu tư, ông Conway cảnh báo: “Việc huy động vốn sẽ khó khăn hơn hiện nay nhiều. Tên của trò chơi trong hoàn cảnh này là sự sống sót”. 

Nhà đầu tư này nhận định: “Cơn bão đang hoành hành ở phố Wall, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến Thung lũng Silicon, khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn”. Dù vậy, ông Conway cho biết thêm rằng mình vẫn nhận được năm đề nghị làm ăn mỗi ngày, và ông vẫn tiếp tục công việc đầu tư, dù trở nên “kén cá chọn canh” hơn. 

Trong bối cảnh như thế, sức hút của các công ty công nghệ có vẻ không còn như trước nữa. Facebook từng thu hút tài năng với lời hứa trả lương bằng cổ phiếu có thể tạo ra nhiều triệu phú USD (và cả một vài tỷ phú) chỉ sau một đêm. Đây là cách thức Google đã làm khi công ty này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng năm 2004. Giờ đây, một số nhân viên Facebook đang rời bỏ con tàu, bao gồm cả người đồng sáng lập công ty Dustin Moskovitz. 

Dù quảng cáo trực tuyến được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay - theo công ty nghiên cứu eMarketer - thì lĩnh vực này vẫn còn là một mảng rất nhỏ của thị trường quảng cáo nói chung. Và trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các nhà quảng cáo cũng đang cắt giảm chi phí như những người khác. Với việc có quá nhiều công ty Internet theo đuổi quá ít đồng USD, cơn sốt Web 2.0 có thể đang đi đến hồi kết.

Ngành công nghệ thông tin châu Á bắt đầu lo

Cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ cũng bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghệ thông tin ở châu Á, nơi Thung lũng Silicon có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều nhà sản xuất và thị trường.

Từ Bangalore (Ấn Độ) cho đến Hồng Kông hay Đài Loan, không ít nhân viên, giới đầu tư và các giám đốc điều hành lo lắng trước viễn cảnh u ám của nền kinh tế toàn cầu. J.T Wang, Chủ tịch hãng Acer, nói: “Cảm giác về một sự không chắc chắn không chỉ ở nước Mỹ. Nó đang lan rộng khắp thế giới. Lòng tin của người dân đang bị giết chết”. 

Đài Loan, nơi sản xuất khoảng ba phần tư máy tính xách tay mini, hai phần ba thiết bị hỗ trợ cá nhân kỹ thuật số và gần 70% màn hình tinh thể lỏng của thế giới, đang đối mặt với nguy cơ cắt giảm việc làm khắp nền kinh tế do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính.

Tại Ấn Độ, hàng ngàn kỹ sư trong lĩnh vực gia công cho nước ngoài đứng trước khả năng mất việc khi các định chế tài chính Mỹ gặp khó khăn, cắt giảm đơn đặt hàng. Trong khi đó, các nhà sản xuất theo hợp đồng ở Trung Quốc cũng vật lộn với không ít khó khăn. 

Ming-Kai Cheng, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ tại công ty môi giới CLSA Asia-Pacific Markets ở Đài Bắc, nhận định: “Nhu cầu đang chậm lại khắp thế giới. Điều này sẽ không dễ dàng cho bất kỳ ai”.

Bruce Tolentino, một nhà kinh tế tại tổ chức Asia Foundation ở thành phố San Francisco (Mỹ), dự báo: “Sự suy thoái của kinh tế Mỹ và châu Âu có thể tác động mạnh đến các ngành công nghiệp công nghệ vốn dựa nhiều vào xuất khẩu ở Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Rõ ràng là thị trường Mỹ cần thời gian để phục hồi. Khó khăn của thị trường tài chính sẽ lan sang những lĩnh vực còn lại của nền kinh tế nước này vào năm tới”.

Dù vậy, một số tập đoàn công nghệ khổng lồ vẫn tin rằng các thị trường mới nổi sẽ giúp làm giảm bớt nỗi đau gây ra bởi sự sụt giảm kinh tế ở Mỹ. Hewlett-Packard, hãng máy tính hàng đầu thế giới, vẫn lạc quan về sự tăng trưởng ngắn hạn bằng cách dựa vào những thị trường bên ngoài Mỹ.

Trong khi đó, Chủ tịch Wang của hãng Acer cho biết việc tập trung chủ yếu vào người tiêu dùng, thị trường giáo dục và các doanh nghiệp nhỏ và vừa giúp công ty tránh bị tác động xấu bởi bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nào. Dù vậy, ông Wang vẫn không khỏi lo lắng cho tình cảnh khó khăn của các định chế tài chính lớn ở Mỹ và tác động của nó lên nhu cầu về sản phẩm công nghệ trên toàn cầu.

Thung lũng Silicon tìm đến công nghệ sạch 

Bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, các doanh nghiệp trẻ gắn với sự phát triển bền vững đang thu hút những khoản tài trợ kỷ lục cho những dự án tấm pin mặt trời hoặc nhiên liệu sinh học.

Theo điều tra của Cleantech Group, một công ty chuyên về tư vấn “clean tech” (công nghệ sạch), có 158 doanh nghiệp trẻ “clean tech” trên thế giới tìm được 2,6 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm trong quý 3 năm nay, tức tăng 37% so với hơn một năm trước đây. Tổng cộng, vốn đầu tư vào các doanh nghiệp trẻ hướng đến công nghiệp sạch ước tính khoảng 7,5-8 tỷ USD trong năm nay, chiếm một phần tư tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn thế giới. Và trào lưu này không dừng lại ở đó. 

“Dù trong bối cảnh khủng hoảng, chúng tôi vẫn lạc quan một cách hợp lý cho quý 4 năm nay”, Brady Berg, một nhà đầu tư vốn mạo hiểm của Palo Alto ở Thung lũng Silicon, nói. Trên tổng số vốn đầu tư kỷ lục trong quý 3, hơn hai phần ba dành cho các doanh nghiệp Mỹ. Riêng 35 doanh nghiệp trẻ ở California nhận được 42%, tức 1,1 tỷ USD. 

Từng khởi phát cuộc cách mạng tin học và Internet, Thung lũng Silicon có đến năm nhà đầu tư lớn gồm Rockport Capital, Google, Advanced Technology Ventures, Kleiner Perkins Caufield & Byers (KPCB) và Khosla Ventures. Và làn sóng tài trợ này có thể chỉ là khởi đầu. “Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ thấy những ngân hàng chuyên môn hóa trong việc tài trợ cho các doanh nghiệp trẻ clean tech”, ông Trevor Loy của National Venture Capital Association dự báo. 

Sở dĩ các doanh nghiệp này được tài trợ ồ ạt, dù đang có khủng hoảng, là vì về dài hạn, các nhà đầu tư hy vọng sẽ thu lợi nhuận cao. Có hai lý do giải thích tình trạng này : hoặc là vì các doanh nghiệp trẻ hưởng lợi từ những thị trường đang tăng trưởng mạnh (năng lượng mặt trời, xe điện…), hoặc là vì họ sẽ trở thành miếng mồi ngon của các tập đoàn công nghiệp mong muốn bước chân vào những thị trường mới này. 

Từng được biết đến nhờ đưa khoảng một trăm doanh nghiệp trẻ lên sàn chứng khoán và đầu tư ngay từ đầu vào những công ty như Google hoặc Amazon, công ty đầu tư vốn mạo hiểm KPCB vừa thành lập một quỹ 500 triệu USD chỉ dành riêng cho lĩnh vực “clean tech” và không chủ trương chỉ rót tiền vào các doanh nghiệp thuộc California.

Ít lâu sau khi tuyển dụng cựu Phó tổng thống Al Gore, người đoạt giải Nobel hòa bình nhờ hoạt động phát triển bền vững, KPCB sẽ cùng hợp tác đầu tư với Generation Investment Management, một công ty đầu tư vốn mạo hiểm có trụ sở đặt tại London mà ông Al Gore đang là chủ tịch. “Tôi tin rằng sẽ khó tìm được một lĩnh vực nào khác mà cơ sở để đầu tư lại vững chắc như lĩnh vực clean tech”, ông John Balbach của CleanTech Group tóm lược tình hình.

Minh Huy - Tấn Lộc (TBVTSG)