15:05 04/04/2014

Báo Trung Quốc phớt lờ món quà bản đồ của Thủ tướng Đức

An Huy

Thủ tướng Merkel tặng Chủ tịch Tập Cận Bình một món quà đặc biệt: một tấm bản đồ Trung Quốc cổ

Theo ghi chú bằng chữ Latin trên tấm bản đồ, “Trung Quốc đích thực” 
(“China Proper”) khi đó là vùng đất với dân số chủ đạo là người dân tộc 
Hán, không bao gồm Tây Tạng (Tibet), Tân Cương (Xinjiang), Mông Cổ, hay 
Mãn Châu Lý (Manchuria). Các hòn đảo Đài Loan và Hải Nam trên bản đồ này
 cũng được thể hiện bằng đường biên giới với màu sắc khác so với của 
Trung Quốc. Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng 
không hề có trong bản đồ này - Ảnh: Reuters.<br>
Theo ghi chú bằng chữ Latin trên tấm bản đồ, “Trung Quốc đích thực” (“China Proper”) khi đó là vùng đất với dân số chủ đạo là người dân tộc Hán, không bao gồm Tây Tạng (Tibet), Tân Cương (Xinjiang), Mông Cổ, hay Mãn Châu Lý (Manchuria). Các hòn đảo Đài Loan và Hải Nam trên bản đồ này cũng được thể hiện bằng đường biên giới với màu sắc khác so với của Trung Quốc. Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng không hề có trong bản đồ này - Ảnh: Reuters.<br>
Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel tổ chức tiệc tối chiêu đãi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến thăm của ông Tập tới Berlin.

Sau bữa tiệc này, bà Merkel tặng ông Tập một món quà đặc biệt: một tấm bản đồ Trung Quốc cổ.

Tờ Foreign Policy của Mỹ nói rằng, đây là một tấm bản đồ Trung Quốc thời năm 1735 do nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville vẽ và được một nhà xuất bản của Đức in lại. Theo một trang web chuyên về bản đồ, tấm bản đồ của tác giả d’Anville dựa trên những cuộc nghiên cứu địa lý trước đó của các nhà truyền giáo Dòng Tên ở Trung Quốc và đại diện cho “sự hiểu biết của châu Âu về Trung Quốc vào thế kỷ thứ 18”.

Theo ghi chú bằng chữ Latin trên tấm bản đồ, “Trung Quốc đích thực” (“China Proper”) khi đó là vùng đất với dân số chủ đạo là người dân tộc Hán, không bao gồm Tây Tạng (Tibet), Tân Cương (Xinjiang), Mông Cổ, hay Mãn Châu Lý (Manchuria). Các hòn đảo Đài Loan và Hải Nam trên bản đồ này cũng được thể hiện bằng đường biên giới với màu sắc khác so với của Trung Quốc.

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng không hề có trong bản đồ này.

Một loạt tờ báo phương Tây đã có những bài bình luận về món quà của bà Merkel. Tờ Foreign Policy có bài “Một Merkel, một tấm bản đồ, một thông điệp cho Trung Quốc”. Tờ Time có bài “Có lẽ các nguyên thủ quốc gia không nên tặng quà là bản đồ”.

Các tấm bản đồ lịch sử vốn là một vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc. Tất cả các trẻ em ở Trung Quốc đều được dạy ở trường học rằng, Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan và quần đảo Điếu Ngư là “những phần không thể tách rời của Trung Quốc từ thời cổ đại”. Trong khi đó, tấm bản đồ của tác giả d’ Anville, ít nhất về phương diện nhìn, là một sự phủ nhận đối với lời khẳng định đó.

Bởi vậy, không có gì là ngạc nhiên khi báo giới Trung Quốc có vẻ như không đánh giá cao món quà mà bà Merkel dành cho ông Tập Cận Bình. Tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin về mọi hoạt động của Chủ tịch Tập ở châu Âu, nhưng không đưa bất kỳ thông tin nào về món quà là tấm bản đồ nhạy cảm.

Đáng chú ý hơn, khi thông tin về món quà bản đồ này về đến Trung Quốc, nó lại được “biến” thành một thứ hoàn toàn khác.

Một tấm bản đồ được đăng kèm nhiều bài báo của các tờ báo Trung Quốc về món quà mà bà Merkel tặng ông Tập Cận Bình cho thấy lãnh thổ Trung Quốc bao gồm cả Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ, và một phần rộng lớn của Siberia.

Thực ra, đây là tấm bản đồ vẽ tay của nhà làm bản đồ người Anh John Dower, xuất bản năm 1844 bởi công ty Henry Teesdale & Co. ở London, và chắc chắn không phải là tấm bản đồ mà bà Merkel tặng cho ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, “sai lầm” này không được ghi chú hay giải thích trong các bài báo mà báo chí Trung Quốc đăng tải.

Hai “phiên bản” về món quà mà bà Merkel tặng cho ông Tập Cận Bình đã cùng xuất hiện trên các mạng xã hội của Trung Quốc và dẫn tới những phản ứng khác nhau. Những người nhìn thấy tấm bản đồ của tác giả d’Anville có vẻ bị sốc bởi lãnh thổ hạn hẹp hơn của Trung Quốc trong bản đồ này.

Hao Qian, một nhà báo tài chính, nhận xét rằng, tấm bản đồ là “một món quà khá kỳ quặc”.

Nhà văn Xiao Zheng nói, bà Merkel đang tìm cách “hợp thức hóa phong trào đòi ly khai của Tây Tạng và Tân Cương”.

Kiến trúc sư Liu Kun viết: “Người Đức chắc chắn đang có động cơ ngầm”.

Một cư dân mạng đặt câu hỏi: “Thế này là sao? Tây Tạng, Tân Cương, vùng phía Đông Bắc đâu? Ông Tập đã phản ứng thế nào?”

Trong khi đó, tấm bản đồ của tác giả Dower, với lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn hơn, dường như đem đến cảm giác “dễ chịu” hơn cho dư luận nước này. Một cư dân mạng làm trong ngành quảng cáo thốt lên: “Tổ tiên của chúng ta thật tuyệt vời”. Một người khác hy vọng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cảm thấy “được khuyến khích” bởi tấm bản đồ này để “nhận ra sự nổi lên thực sự của Trung Quốc có nghĩa là như thế nào”.