12:39 15/10/2009

Bảo vệ môi trường: Du khách quan tâm, khách sạn thờ ơ

Y Nhung

Du lịch vốn được coi là ngành công nghiệp không khói, nhưng các cơ sở lưu trú du lịch lại gây ra không ít vấn đề đối với môi trường

Tại khách sạn 5 sao một ngày đêm, mỗi phòng có thể tiêu thụ hết gần 86kWh điện.
Tại khách sạn 5 sao một ngày đêm, mỗi phòng có thể tiêu thụ hết gần 86kWh điện.
Du lịch vốn được coi là ngành công nghiệp không khói, nhưng các cơ sở lưu trú du lịch lại gây ra không ít vấn đề đối với môi trường.

Ngày 14/10, hội thảo giới thiệu về sáng kiến “Du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam” đã được Tổng cục Du lịch phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), tổ chức tại Hà Nội.

Cùng với sự không ngừng tăng lên của cả khách du lịch trong nước và quốc tế, các cơ sở lưu trú trong cả nước cũng liên tục tăng thêm. Tính đến hết năm 2008, nước ta có 10.400 cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó số cơ sở được xếp hạng (từ đạt tiêu chuẩn đến 5 sao) là 5.259 , với trên 131 nghìn buồng.

Tuy nhiên trong số này, số lượng khách sạn từ 3 sao trở lên vẫn khá hạn chế. Hiện cả nước mới chỉ có 33 khách sạn 5 sao, 4 sao là 90 khách sạn và  176 khách sạn 3 sao.

So với lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2008 là 4,2 triệu lượt và 19,5 triệu khách du lịch nội địa thì “số lượng cơ sở lưu trú hiện có vừa thừa lại vừa thiếu”, bà Nguyễn Phương Anh, Phó vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) cho biết. 

Theo bà Phương Anh, Việt Nam vẫn thiếu những khách sạn cao cấp, có chất lượng dịch vụ đủ tiêu chuẩn phục vụ cho những sự kiện lớn của đất nước, cũng như nhu cầu nghỉ ngơi của khách du lịch quốc tế vào thời kỳ cao điểm. Còn trung bình công suất khai thác phòng của các cơ sở lưu trú chỉ vào khoảng 50%.

Mặc dù vậy, trong quá trình xây dựng và vận hành các cơ sở lưu trú du lịch này cũng đã sử dụng không ít tài nguyên như điện, nước… và thải ra lượng lớn các chất thải, nước thải, khí thải, tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường.

Số liệu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về tiết kiệm năng lượng (Enerteam) cho thấy: tại khách sạn 5 sao một ngày đêm, mỗi phòng có thể tiêu thụ hết gần 86kWh điện, ở các khách sạn 4 sao con số này là khoảng 45kWh và khách sạn 3 sao là gần 27kWh.

Về mức tiêu thụ nước, một ngày đêm trung bình mỗi khách nghỉ tại khách sạn 5 sao sử dụng khoảng 1,7m3, ở khách sạn 4 sao là gần 1m3.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát mới đây cũng do Enerteam tiến hành thì có tới 80% số cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn tỉnh Bình Thuận không quan tâm tới trách nhiệm xã hội với địa phương và môi trường, mặc dù theo quy định họ vẫn phải nộp báo cáo đánh giá về tác động môi trường.

Thừa nhận thực tế trên, bà Phương Anh còn cho biết thêm, hiện nay hầu hết các cơ sở lưu trú đã chú ý hơn tới các vấn đề như tiết kiệm nước, năng lượng, điện, vệ sinh môi trường… nhưng chủ yếu là vì lợi ích của chính bản thân họ chứ không phải vì lợi ích của cộng đồng cũng như địa phương nơi họ kinh doanh.

Còn nghiên cứu của SNV tại Nepal lại cho thấy: Hơn 2/3 khách du lịch Mỹ, Úc và 90% khách du lịch Anh rất quan tâm tới việc bảo vệ môi trường và coi việc ủng hộ cộng đồng địa phương là một phần trách nhiệm của khách sạn. Bên cạnh đó, khoảng 70% khách du lịch Mỹ, Anh và Úc sẵn sàng trả thêm 150 USD cho 2 tuần ở một khách sạn có quan điểm thân thiện với môi trường.

“Điều này chứng tỏ rất nhiều du khách đã quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình du lịch. Vì vậy, để có thể thu hút ngày càng nhiều khách tới tham quan và nghỉ ngơi, các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến phát triển các dịch vụ nhưng phải đi đôi với bảo vệ môi trường”, ông Paul Stevens cố vấn cao cấp của SNV tại Nepal chia sẻ.