10:08 19/04/2010

“Bắt bệnh” giáo dục đại học Việt Nam từ con số

Nguyễn Lê

Những con số ấn tượng qua kết quả giám sát về giáo dục đại học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Từ 1998 đến 2009, đã có 312 trường đại học, cao đẳng được thành lập.
Từ 1998 đến 2009, đã có 312 trường đại học, cao đẳng được thành lập.
“Chưa bao giờ Quốc hội giám sát sâu và rộng như vậy về giáo dục đại học”, Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua.

Và kết quả cuộc giám sát “sâu rộng” đó đã cho thấy rất nhiều con số ấn tượng về giáo dục đại học Việt Nam.

155 văn bản quy bản pháp luật có phạm vi điều chỉnh liên quan đến nội dung giám sát đã được thống kê đầy đủ ngay tại phụ lục gồm 70 trang của bản báo cáo kết quả giám sát. Chậm, chưa đồng bộ, chưa cụ thể, thiếu khả thi… là những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra trong việc ban hành.

Luật Giáo dục năm 1998 có hiệu lực thi hành từ 1/6/1999, nhưng sau hơn 1 năm mới có nghị định hướng dẫn thi hành, sau gần 2 năm mới có quy chế trường đại học dân lập. Hơn 5 năm rưỡi sau, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục mới xuất hiện. Và, đến nay, sau 12 năm, nghị định về trường của tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân (trong luật giao cho Chính phủ ban hành) vẫn chưa có.

Một văn bản quan trọng như hướng dẫn thi hành Quyết định 121/2007/QĐ - TTg về quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020 cũng đang phải… chờ.

Trong điều kiện “chậm và chờ” như vậy, song từ 1998 đến 2009, đã có 312 trường đại học, cao đẳng được thành lập. Tuy nhiên trong đó chỉ có 64 trường được thành lập mới hoàn toàn. Còn lại 248 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn. Và, 50/64 trường thành lập mới là trường ngoài công lập, chiếm tỉ lệ 78,1%.

Sự nâng cấp quá nhanh và chiếm tỷ lệ đến gần 80% như thế có phải là nguyên nhân ảnh hưởng không tốt đến cơ cấu ngành nghề và chất lượng đào tạo hay không, một vị ủy viên thường vụ Quốc hội lo ngại đặt câu hỏi.

Lo ngại này càng có cơ sở khi con số tiếp theo trong báo cáo giám sát được nêu ra: khoảng 20% số trường mới chưa xây dựng trường, phải thuê mướn cơ sở để tổ chức đào tạo và hầu hết là thiếu diện tích cho sinh viên vui chơi và hoạt động thể dục thể thao.

Thế nhưng, từ 1987 - 2009, số sinh viên cả nước đã tăng 13 lần, số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Do đó, điểm trúng tuyển của nhiều thí sinh có khi chỉ là 9 -10 điểm (3 môn) và tại nhiều trường, nhiều giảng viên dạy tới 1000 tiết/năm trong khi quy định là 260 tiết/năm.

Đáng chú ý, trong tổng số 61.190 giảng viên đại học, cao đẳng, mới có 6.217 tiến sỹ, (10,16%), 22.831 thạc sỹ (37,31%) và 2.286 giáo sư, phó giáo sư (3,74%). Trong khi, mục tiêu mà quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020 đặt ra là đến năm 2015 phải có ít nhất 50% giảng viên trình độ tiến sỹ ở bậc đại học.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, bất cập trong giáo dục đại học được cho là do năng lực tài chính hạn hẹp của ngân sách Nhà nước không cho phép tăng đầu tư để đảm bảo đủ chi phí cho giáo dục và đào tạo. Suất đầu tư thực tế từ ngân sách nhà nước chỉ đạt từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng/sinh viên/năm; nếu gộp cả học phí theo mức tối đa trong hàng chục năm qua là 1.800.000 đồng/năm thì suất đầu tư mới đạt khoảng 200 USD/năm.

Ở hầu hết các trường ngoài công lập, suất đầu tư/sinh viên cao nhất là bằng học phí, thường dao động từ 4.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng/năm. Trong khi đó, mức học phí của Đại học RMIT (Australia) mở ở Tp.HCM là từ 5.000 USD đến 7.000 USD/năm.

Theo phản ánh của Đại học Y - Dược Cần Thơ, trước đây trong giờ thực hành giải phẫu, mỗi sinh viên được thực hành trên một con ếch, 5 sinh viên thực hành trên một con chó. Nay do suất đầu tư thấp, 10 sinh viên mới có một con ếch và 30 sinh viên mới có một con chó để thực hành.   

Những con số liên quan đến sự lạc hậu trong quản lý cũng được điểm qua. Theo đó, từ năm 2006 bắt đầu khởi động và đến thời điểm này, Hội đồng Quốc gia Kiểm định chất lượng giáo dục mới tiến hành thẩm định được 20 trường đại học, song kết quả này cho đến nay vẫn chưa được công bố.

Đoàn giám sát cũng nhận định, hệ thống quản lý giáo dục đại học hiện nay còn cồng kềnh, phân tán. Trong tổng số 412 trường đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ quản 58 trường (chiếm tỉ lệ 14%); các bộ, ngành khác và các doanh nghiệp quản lý 130 trường (31,6%); UBND các tỉnh, thành phố quản lý 134 trường (31,8%); hai trường đại học quốc gia quản lý 13 trường (0,31%) và 77 trường ngoài công lập không có cơ quan chủ quản (chiếm 18,6%).