16:46 18/10/2023

Bất cập về quản lý đất đai tạo “nút thắt” trong phát triển kinh tế

Phan Dương

Những sai phạm, vi phạm và những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư công, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp cùng với tình trạng quản lý lỏng lẻo, bị lợi dụng, mang lại lợi ích cho cá nhân và lợi ích nhóm, dẫn đến đất đai bị sử dụng lãng phí, kém hiệu quả cả trong đầu tư công, trong phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp…

Toàn cảnh hội thảo chuyên đề về quản lý đất đai diễn ra ngày 18/10
Toàn cảnh hội thảo chuyên đề về quản lý đất đai diễn ra ngày 18/10

Ngày 18/10, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” với ba hội thảo chuyên đề riêng về: quản lý đất đai và xác định giá đất; đầu tư công; phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tham dự diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau phân tích thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các “nút thắt” trong những lĩnh vực nêu trên.

BA LĨNH VỰC ĐỀU BỘC LỘ NHIỀU HẠN CHẾ

Phát biểu tại hội thảo chuyên đề “Quản lý đất đai và xác định giá đất - Những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động kiểm toán Nhà nước”, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết tại nhiều địa phương, số thu từ đất đai chiếm tới hơn 30% ngân sách địa phương và là nguồn vốn chính cho đầu tư công. Đất đai cũng là điều kiện vật chất hàng đầu để thực hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp, dịch vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua còn rất nhiều những vấn đề bất cập, hạn chế, vướng mắc, thậm chí sai phạm phải xử lý như: chính sách, pháp luật về đất đai vừa chồng chéo, vừa phức tạp nhưng lại thiếu các quy định, chế tài cụ thể dẫn tới khó khăn trong áp dụng thực tiễn, chưa tạo dựng được một hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhất là cho phát triển kinh tế.

Trong hội thảo "Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của Kiểm toán Nhà nước", Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ nhìn nhận đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp nền kinh tế đạt được các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra trong từng thời kỳ kế hoạch. Đầu tư công đã và đang tiếp tục đóng vai trò là nguồn vốn mồi, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư; việc triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng, có tác động lan tỏa tích cực đến sự phát triển của các ngành, các doanh nghiệp.

Song lĩnh vực này cũng còn những hạn chế: đầu tư công một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn dàn trải; hoàn thành các dự án đầu tư chưa kịp thời so với mục tiêu đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn thấp, đâu đó còn có trường hợp thất thoát, lãng phí trong đầu tư công… “Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với bối cảnh khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng tiêu cực tới các yếu tố cấu thành tăng trưởng GDP (như tiêu dùng, đầu tư tư nhân, xuất khẩu ròng), đầu tư công đang được xác định là một trong những trụ cột, động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế thì những hạn chế trên cần phải sớm khắc phục, đặc biệt tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, chậm hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng đã kéo dài nhiều năm qua”, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đánh giá.

Về vướng mắc trong phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, tại hội thảo chuyên đề "Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán Nhà nước", Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng nhận định: quá trình phục hồi và phát triển kinh tế chưa như kỳ vọng. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 4,24%, khiến cho mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025 rất khó khăn. Điều này đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải chung tay tháo gỡ những nút thắt, tìm ra những động lực mới để thực đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Một trong những giải pháp đó là tăng cường thúc đẩy phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Từ đó, thu hút các nguồn lực về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực từ bên ngoài nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng thời là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế, chính sách mới kỳ vọng tạo đột phá.

VẤN ĐỀ GỐC RỄ LÀ BẤT CẬP TRONG QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Chỉ rõ những “nút thắt” trong 3 lĩnh vực trên, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên, Nguyên Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, phân tích: những “nút thắt”, “điểm nghẽn”, theo chúng tôi, vấn đề gốc rễ trước hết liên quan đến bất cập về chính sách đất đai, kéo theo vấn đề đầu tư công, vấn đề phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp. Đó là giá đất, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư, hạ tầng, môi trường, quy trình, thủ tục, thực thi pháp luật...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Đơn cử như hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ; chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Vấn đề chậm công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chậm phê duyệt quy hoạch dẫn đến việc lập kế hoạch sử dụng đất chưa phù hợp, chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.

Tình trạng điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thay đổi chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhiều lần, nhiều trường hợp còn tùy tiện, tạo sự thiếu ổn định cho môi trường kinh doanh... cũng là những điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai, cũng như trong thực hiện các dự án đầu tư công, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Ngoài ra, theo GS,TS. Đoàn Xuân Tiên, tồn tại những "nút thắt" còn là do chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với một số vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai trong kinh tế thị trường, vấn đề đầu tư công, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp. Nhận thức về chính sách pháp luật có nơi, có lúc chưa đúng, chưa đầy đủ; ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật còn nhiều hạn chế, máy móc, thiếu linh hoạt và sợ trách nhiệm nên rụt rè, né tránh.

Bên cạnh đó, năng lực quản lý nhà nước về các lĩnh vực liên quan chưa đáp ứng yêu cầu; vấn đề cải cách hành chính chậm đổi mới, chưa đáp thực tiễn; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về đất đai, công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư công, các dự án chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch cũng là những lý do gây cản trở, điểm nghẽn.

“Những sai phạm, vi phạm và những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư công, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp cùng với tình trạng quản lý lỏng lẻo, bị lợi dụng mang lại lợi ích cho cá nhân và lợi ích nhóm, dẫn đến đất đai bị sử dụng lãng phí, kém hiệu quả cả trong đầu tư công, trong phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp; Tình trạng suy thoái, ô nhiễm môi trường, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, nhiều dự án bị bỏ hoang hoặc còn trống, đất nông lâm trường bị lấn chiếm, tranh chấp còn nhiều, khiến cho nguồn lực đất đai, nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước và xã hội chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, chưa thực sự trở thành nguồn lực quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.