09:00 01/02/2022

Bật Champagne ăn mừng cùng chứng khoán

Kiều Linh

Xuân Nhâm Dần đã đến.Mùa xuân phơi phới với dân “chơi” chứng khoán...

Bật champagne nâng ly ăn mừng trong một nhà hàng sang trọng bậc nhất nội đô Hà Nội, anh Nguyễn Trọng Tín, nhà đầu tư điển hình của thế hệ F0 trên sàn chứng khoán dõng dạc nói: “Chưa từng có trong lịch sử, không những chỉ số chứng khoán mà khoản lợi nhuận của tôi và nhóm đầu tư Phát Đạt ghi nhận được trong một năm cũng kỷ lục. Gần 10 tỷ đồng chỉ riêng tiền lời có được từ đầu tư chứng khoán, chưa kể vốn. Năm nay gia đình tôi đón Tết sớm hơn, đã đặt vé máy bay và chuẩn bị mọi hành lý để có kỳ nghỉ Tết ở Phuket - Thái Lan”.

NHỮNG MÓN LÃI KHỦNG, PHÁT THÈM!

Anh Tín vốn là dân đơn thuần kỹ thuật xây dựng. Cuối năm 2020, dịch bệnh đỉnh điểm các công trình dự án gần như tê liệt, anh đầu tư thời gian chuyển hẳn sang đánh chứng khoán. Lịch làm việc của anh đều như vắt tranh, sáng ra quán cà phê đọc báo, ngắm bảng giá, hết giờ giao dịch lên mạng tìm hiểu thông tin, đọc sách phân tích kỹ thuật. Qua lời kể, thời gian đầu anh bỏ vốn 2 tỷ sau đó mua cổ phiếu bluechips lãi gấp đôi. Về tài sản tăng càng khủng hơn. Hỏi riêng anh lãi được bao nhiêu trong năm 2021, anh cười tít: ”Chừng 5 tỷ”.

Bật Champagne ăn mừng cùng chứng khoán - Ảnh 1

Dân chơi chứng khoán những ngày cuối năm còn truyền tai nhau về doanh số bán ô tô năm nay tăng mạnh chủ yếu khách hàng là đầu tư chứng khoán và nhân viên môi giới các công ty chứng khoán. Buổi sáng cuối năm trên phố Lê Trọng Tấn, Hà Đông, ô tô đỗ thành hai hàng dài dằng dặc, bên trong quán cà phê là tiếng nói cười rổn rảng của nhà đầu tư. “Tôi lên đời xe BMW, và mua tặng riêng vợ một chiếc Vinfast Lux A2.0. Tổng lãi nhờ chứng khoán năm qua gần 10 tỷ đồng. Để có được số lãi trên tôi phải huy động vốn từ khoản tiết kiệm suốt gần 20 năm của hai vợ chồng, bán hai căn chung cư đang cho thuê tại quận Hoàng Mai làm vốn liếng”, anh Trọng Hiếu, một nhà đầu tư tại Xã Đàn, Đống Đa, cho biết.

Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Phân tích Công ty CK Mirae Asset chia sẻ cảm xúc: “Một năm thành công thắng lợi lớn vượt mong đợi của nhà đầu tư và cá nhân tôi. Thị trường có quá nhiều cơ hội, ngành nào cổ nào cũng lên, theo lớp theo lang. Nửa đầu năm là bluechips, giữa năm là cổ phiếu nhỏ penny, cuối năm là bất động sản. Sân chơi chứng khoán đáp ứng mọi nhu cầu khẩu vị của nhà đầu tư. Khách hàng của chúng tôi lợi nhuận tối thiểu nhất cũng phải 50%. Đây cũng là một năm ăn Tết rất to với nhà đầu tư chứng khoán, về cơ bản tất cả đều thắng, ít ai thua. Có những khách hàng của chúng tôi thắng lợi nhờ đầu tư chứng khoán đã rút tiền đi mua bất động sản, mua đất”.

Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Phân tích Công ty CK Mirae Asset.
Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Phân tích Công ty CK Mirae Asset.

Người thắng lớn thì muốn lớn hơn nữa, người được vài chục phần trăm thì ước được gấp đôi khiến cho kẻ ngoài cuộc cũng phải thèm thuồng thảng thốt “ước gì biết đầu tư chứng khoán”. “Tôi không biết đọc bảng giá, gửi anh hàng xóm 200 triệu đồng thế mà cũng được lãi lên gần 500 triệu. Nhưng chắc chắn năm nay tôi sẽ dành thời gian để học và tìm hiểu về thị trường chứng khoán, nhìn tất cả mọi người ai cũng chiến thắng mà thèm thuồng”, bà Lan - một người bán trà đá vỉa hè trên phố Quang Trung, Hà Đông ngưỡng mộ.

Trong khi đó, “cánh” văn nghệ sĩ cũng sục sôi không kém, Mai Phương Thuý đã trở thành “chỉ báo” quan trọng cho nhiều nhà đầu tư, còn hoa hậu Hương Giang thì triết lý ngắn gọn đơn giản súc tích “đầu tư cũng được, đầu cơ cũng được, miễn là kiếm được tiền”.

Nhiều công ty chứng khoán lợi nhuận vớ bẫm nhờ thị trường tăng điểm, hứa hẹn một mùa thưởng Tết bội thu cho nhân viên. Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên về đào tạo nhân sự tiết lộ: “Ngành chứng khoán sẽ soán ngôi ngành ngân hàng về mức thưởng Tết cao. Năm ngoái, có những công ty chứng khoán thưởng Tết đến gần 15 tháng lương cho cán bộ nhân viên. Với sự bùng nổ của ngành này trong năm nay, chắc chắn mức trả thưởng kỷ lục của năm ngoái sẽ bị phá vỡ. Thậm chí, có những công ty có thể trả đến 20 tháng lương hoặc cao hơn”.

MỘT NĂM CỦA NHIỀU KỶ LỤC 

2021 là một năm không thể nào quên trong cuộc đời của mỗi nhà đầu tư chứng khoán khi liên tiếp được chứng kiến những thời khắc lịch sử huy hoàng của thị trường. Hàng loạt kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” được chinh phục, trong đó ấn tượng nhất là thành tích của chỉ số VN-Index, công phá từ đỉnh này sang đỉnh khác. Nhờ đó, lớp lớp nhà đầu tư chứng khoán cũng có một năm giao dịch huy hoàng với lợi nhuận tăng trưởng “lộng lẫy”.

Diễn biến này khác hẳn với những gì được dự báo trước đó. Những tưởng 2021 sẽ là một năm thôi bỏ đi với toàn bộ giới đầu tư toàn cầu lẫn Việt Nam khi mà Covid-19 với đủ thể loại biến chủng tàn phá mọi ngóc ngách của nền kinh tế, sản xuất kinh doanh tê liệt, thì thật bất ngờ, đây lại là một năm thành công ngoài mong ước với dân chơi chứng khoán.

Lãi suất giảm xuống trung bình còn 4,7% - 5,5%, tiền rẻ ngập tràn đã cùng nhau đổ cuồn cuộn vào thị trường giúp thanh khoản chứng khoán cao chưa từng có trong lịch sử. Năm 2021, ghi nhận giá trị bình quân cao nhất trên sàn HOSE (ngày 17/12/2021) đạt 26.211 tỷ đồng, tăng 254% so với năm 2020. Nếu so với năm 2019 thì thanh khoản của HOSE năm 2021 tăng gấp hơn 5 lần. Nếu tính chung cả 3 sàn chứng khoán, thanh khoản lập kỷ lục vào phiên 23/12, giá trị khớp lệnh trên 45.560 tỷ đồng. Những ngày cuối năm, HOSE đã dần lớn mạnh với thanh khoản ổn định trên 30.000 tỷ, mỗi phiên giao dịch hàng tỷ cổ phiếu sánh ngang với các thị trường trong khu vực.

Lớp lớp nhà đầu tư mở tài khoản, dìu dắt nhau chinh phục thị trường. Tháng 11 vừa qua tiếp tục là tháng ghi nhận kỷ lục lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam với số nhà đầu tư cá nhân mở mới 221.314 tài khoản, nhiều hơn những gì đạt được của cả năm 2019 khoảng 192.000 tài khoản. Đồng thời đây cũng là tháng thứ 9 liên tiếp số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước duy trì ở mức trên 100.000 mỗi tháng và là tháng đầu tiên có trên 200.000 tài khoản được mở mới. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).

Đồ hoạ: K.Linh.
Đồ hoạ: K.Linh.

Không ai khác, chính là những nhà đầu tư cá nhân trong nước trở thành động lực mạnh mẽ nhất giúp Vn-Index công phá đỉnh này chinh phục đỉnh khác, tháng 11 có lúc vượt mốc 1.500 điểm. Đây là mức cao nhất trong 21 năm hoạt động của sàn chứng khoán Việt Nam. Với mức tăng trưởng 34%, VN-Index thậm chí nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới. Là thị trường có mức sinh lời cao nhất toàn cầu. Vốn hoá của HOSE tính đến ngày 25/11 đã vượt 5,791 triệu tỷ đồng, tương ứng gần 252 tỷ USD.

Một năm đầu tư quả thực như mơ với quá nhiều kỷ lục. Kỷ lục thanh khoản, kỷ lục của số lượng nhà đầu tư mở mới, kỷ lục của chỉ số và cả kỷ lục của lợi nhuận mà nhà đầu tư cá nhân ghi nhận. Có những nhà đầu tư tài khoản nhân hai, nhân ba chỉ trong vòng vài tháng giao dịch. Chẳng có mấy ai buồn vì nhắc đến lỗ. Mùa xuân năm nay vì thế cũng đến sớm hơn, vui hơn, và rực rỡ hơn. Khi Giáng sinh đến, cũng là lúc khắp các nơi từ quán cà phê hay nhà hàng, dân chơi chứng khoán F0 hay Fn “rửa tay gác kiếm” tụ tập tưng bừng cho một năm buôn bán phát tài phát lộc.

TIỆC VUI CÒN DÀI...

Một năm tưng bừng tràn đầy khí thế. Kinh tế èo uột đầu năm nhưng cuối năm nhờ độ phủ vaccine rộng rãi của Chính phủ mà mọi hoạt động trở lại bình thường. Cho dù những ngày cuối năm VN-Index phi như tàu lượn lúc trồi lúc sụt với nhiều pha sụt điểm đi vào lịch sử song hiệu ứng chung vẫn là lạc quan.

Đầu tiên phải nhắc đến nền tảng cơ bản từ chính doanh nghiệp. Chấp tất cả các thể loại Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn báo lợi nhuận kỷ lục của năm 2021. Năm 2022, tăng trưởng EPS các công ty niêm yết trên HOSE được dự báo duy trì ở mức cao 23-25%. Theo dữ liệu của Bloomberg, VN-Index đang giao dịch ở mức P /E trượt 12 tháng là 16,7 lần, thấp hơn một chút so với mức P/E hồi đầu năm 2021 ở mức 17,3 lần. Định giá thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫn với P/E dự phóng 2022 và 2023 lần lượt ở mức là 13,4 lần và 11,5 lần (thấp hơn P/E trung bình 3 năm gần nhất là 16,1 lần).

Chỉ số còn được kỳ vọng bởi hệ thống giao dịch chứng khoán mới KRX sẽ được đưa vào triển khai trong nửa đầu năm 2022. Hệ thống giao dịch mới cũng giúp giải quyết điểm nghẽn về tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt, từ đó có thể thúc đẩy dòng vốn nước ngoài trở lại Việt Nam, mặc dù trong năm 2021 nhóm này đã bán ròng gần 60.000 tỷ trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Dẫu vậy, thì câu hỏi quan trọng nhất cần trả lời lúc này là liệu phong độ của dòng vốn có giữ được ổn định như năm 2021 không khi mà sản xuất kinh doanh phục hồi, lạm phát tăng, mặt bằng lãi suất lên theo? Tiền sẽ rút khỏi thị trường chứng khoán?

Những lo ngại này của nhà đầu tư có cơ sở, chính đáng, tuy nhiên, câu trả lời vẫn là: Không, tiền vẫn ở thị trường chứng khoán.

“Tiền vẫn còn tiếp tục ở lại thị trường tuy nhiên tiền sẽ luân chuyển giữa các nhóm ngành chứ không hẳn sẽ đồng đều ở tất cả các ngành”, Tiến sĩ Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln (Vương quốc Anh) nói. Tức là dòng tiền vẫn sẽ duy trì, nhưng sự phân hoá lên đỉnh điểm. Cổ phiếu đầu cơ tăng vượt xa giá trị của doanh nghiệp sớm thành dĩ vãng, những doanh nghiệp nền tảng cơ bản tốt, lợi nhuận tăng đều đều, giá cổ phiếu “ngủ quên”, sẽ lên ngôi.

Tiệc rõ ràng còn được dự báo vui và dài. Nhưng cũng sẽ chỉ “chiêu đãi thực khách” ở những nhóm ngành được đánh giá là nhiều tiềm năng hơn cả thị trường như ngân hàng, xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản và dầu khí.

“Nếu phải nhắn nhủ nhà đầu tư cho năm 2022, theo tôi nên cẩn trọng tránh xa với cổ phiếu penny, nhiều cổ phiếu nhỏ định giá cao gấp rưỡi lịch sử 10 năm trên thị trường chứng khoán hàm ý rủi ro gia tăng ở nhóm này. Nhà đầu tư cũng phải biết tỉnh táo và biết điểm dừng, ăn vừa vừa thôi rồi “chuyển phỏm còn được”. Trong khi đó nhóm VN30 gần đây chưa tăng quá nhiều. Nhìn trung hạn cổ phiếu nào “ngon vẫn ngon” vấn đề là cần chọn điểm vào hợp lý”, Chủ tịch FiinGroup, ông Nguyễn Quang Thuân nhắn nhủ.