Ba lý do khiến nhà đầu tư cá nhân không còn đổ tiền cuồn cuộn vào chứng khoán năm 2022
Dòng tiền mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước được dự báo sẽ khó tăng trưởng mạnh mẽ như 2021 bởi nhiều yếu tố...
Trong báo cáo triển vọng thị trường năm 2022 vừa cập nhật, Chứng khoán Nhất Việt nhận định, đến năm 2022 dòng tiền sẽ khó có thể vào thị trường mạnh như giai đoạn 2020 – 2021.
Đối với dòng tiền nội, dòng tiền mới của nhà đầu tư cá nhân nội được dự báo sẽ khó tăng trưởng mạnh mẽ như 2021. Nguyên nhân thứ nhất do việc tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán trở nên khó khăn hơn trong năm 2022 do mặt bằng giá cổ phiếu đã ở mức khá cao và sẽ phân hóa mạnh theo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thứ hai, mặt bằng lãi suất hiện tại đang ở ngưỡng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, việc hạ tiếp lãi suất sẽ khó có thể xảy ra đồng nghĩa rằng tiền sẽ khó có thể rẻ hơn được nữa nên dòng tiền vào thị trường sẽ chậm lại. Thậm chí, một phần dòng tiền từ thị trường chứng khoán sẽ được rút bớt ra để chảy vào khu vực sản xuất.
Thứ ba, Chính phủ còn đang có các động thái để siết chặt dòng tiền nóng đổ vào thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Theo đó tại họp báo tổng kết ngành ngân hàng năm 2021, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh cần kiểm soát chặt vốn vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản hay kênh trái phiếu
Đối với dòng tiền ngoại, nhóm này đã liên tục rút ròng trong năm 2021 và năm 2020. Chứng khoán Nhất Việt cho rằng, giá trị giao dịch ròng của khối ngoại khỏi thị trường Việt Nam trong 2 năm gần đây sẽ khó thay đổi trong năm 2022 khi nguy cơ rủi ro đến từ đại dịch Covid-19 vẫn còn hiện diện đặc biệt đến từ biến chủng mới khiến dòng vốn ngoại rút khỏi các thị trường cận biên như Việt Nam để quay về các thị trường phát triển.
Thêm nữa, xu hướng tăng lãi suất tại các nước phát triển trước áp lực lạm phát tăng cao, đi đầu là FED với kế hoạch tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán.
"Dòng tiền yếu đi sẽ khó khiến thị trường tăng nóng như năm 2020 vì vậy thị trường sẽ tăng điểm chậm hơn cùng với đó xuất hiện các phiên điều chỉnh xen kẽ. Ngoài ra, các cổ phiếu cũng khó tăng điểm đồng loạt mà sẽ diễn biến giống với năm 2021 là phân hóa theo chủ đề và câu chuyện nhưng với một mức độ phân hóa mạnh hơn", công ty chứng khoán này nhận định.
Dù vậy, thị trường chứng khoán hiện đang được định giá ở mức hợp lý. Đồng thời, với kỳ vọng về việc các doanh nghiệp Việt sẽ có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô 2022 khởi sắc cũng như tăng trưởng từ mức nền thấp của năm 2021, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được chiết khấu về mức giá hấp dẫn hơn nữa.
Dự phóng cẩn trọng đến hết năm 2021 tổng lợi nhuận sau thuế của VN-Index sẽ đạt tương đương 420,5 nghìn tỷ đồng. Sang năm 2022, kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của VN-Index sẽ tăng 20% so với cùng kỳ nhờ vào triển vọng kinh tế lạc quan. VN-Index sẽ đạt 504 nghìn tỷ đồng, P/E của thị trường sẽ được chiết khấu về ngưỡng 14,8. Hiện nay P/E của thị trường ở mức 17x, mức P/E này là phù hợp với thị trường Việt Nam cho năm 2021 và 2022 lúc đó dự báo VNIndex sẽ ở quanh vùng 1.600 điểm.
Dựa trên tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ước tính 2022, ngành Du lịch và giải trí được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất thị trường (116%) do năm 2021 là năm thua lỗ. Ngoài ra, các ngành như Ngân hàng, Dầu khí, Dịch vụ tài chính, Bán lẻ và Bất động sản cũng có mức tăng trưởng hấp dẫn lên tới hơn
20%.
Còn dựa trên PE fw 2022, các ngành lớn như Ngân hàng, bất động sản, Bảo hiểm và Tài nguyên cơ bản đều có mức định giá thấp hơn hẳn so với trung bình 5 năm gần nhất. Các nhóm ngành như Điện - nước - xăng dầu khí đốt, Y tế, Hàng & Dịch vụ công nghiệp cũng có mức PE fw 2022 tương đối hấp dẫn khi có giá trị tương đương với mức trung bình 05 năm gần nhất.
Về mức độ biến động giá trong giai đoạn 04/2020 – 01/2022 khi VN-Index đã tăng trưởng mạnh lên tới hơn 200%, nhiều nhóm ngành như Dịch vụ tài chính, Hóa chất, Bán lẻ, Tài nguyên cơ bản cũng đều ghi nhận mức tăng bằng lần. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhóm ngành còn nhiều dư địa tăng trưởng như Thực phẩm và đồ uống, Điện – nước – xăng dầu khí đốt, Ngân hàng, Bất động sản.