07:57 03/12/2015

Bất chấp Nga cảnh báo, NATO mời Montenegro gia nhập

An Huy

Montenegro, quốc gia 650.000 dân, có thể là thành viên thứ 29 của NATO vào năm tới

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg - Ảnh: AP.<br>
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg - Ảnh: AP.<br>
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 2/12 đã chính thức mời Montenegro gia nhập, đánh dấu lần mở rộng đầu tiên của khối này kể từ năm 2009.

Lời mời được NATO đưa ra bất chấp những cảnh báo trước đó của Nga rằng việc mở rộng liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu về phía vùng Balkan sẽ bị Moscow xem là gây hấn.

Tại một cuộc họp diễn ra tại trụ sở của NATO tại Brussels, Bỉ, Ngoại trưởng Montenegro Igor Luksic xuất hiện trong tiếng vỗ tay chào đón của những người đồng cấp NATO. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg công bố: “Đây là sự khởi đầu của một liên minh rất đẹp”.

Theo hãng tin Reuters, ông Stoltenberg nói rằng việc mời Montenegro gia nhập NATO không liên quan gì đến Nga.

Tuy nhiên, giới chức ngoại giao NATO nói quyết định mời Montenegro gia nhập khối sẽ gửi một thông điệp tới Nga rằng Moscow không thể ngăn NATO mở rộng về phía Đông, cho dù việc Gruzia xin gia nhập khối này từng bị cản trở bởi cuộc chiến Gruzia-Nga năm 2008.

Từ lâu, Nga vẫn phản đối mạnh mẽ bất kỳ kế hoạch mở rộng nào của NATO về phía Đông và Đông Nam của châu Âu, nơi có các nước vệ tinh của Liên Xô cũ.

Hồi tháng 9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói bất kỳ sự mở rộng nào như vậy của NATO cũng là “một sai lầm, thậm chí là một sự gây hấn”. Khi đó, ông Lavrov gọi chính sách mở cửa của NATO là “vô trách nhiệm”.

Ngày 2/12, hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời ông Viktor Ozerov, người đứng đầu Ủy ban An toàn và Quốc phòng thuộc Hội đồng Liên bang Nga, cho biết nước này sẽ chấm dứt các dự án chung với Montenegro, bao gồm các dự án quân sự, nếu nước này gia nhập NATO.

Theo dự kiến, Montenegro, quốc gia 650.000 dân, sẽ chính thức trở thành thành viên thứ 29 của NATO vào năm tới. Lời mời Montenegro gia nhập khối được NATO đưa ra 16 năm sau ngày khối này ném bom Montenegro trong cuộc chiến tranh Kosovo.

Các ngoại trưởng NATO đã cắt đứt liên lạc chính thức với Nga vào tháng 4 năm ngoái sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea ly khai khỏi Ukraine, châm ngòi cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đến nay đã khiến hơn 8.000 người thiệt mạng.

Hiến chương NATO có điều khoản quy định khi bất kỳ một thành viên nào của khối bị tấn công, thì điều đó đồng nghĩa với toàn bộ khối bị tấn công, và khối sẽ hành động theo nguyên tắc phòng thủ tập thể.

Hiện nay, Gruzia dù muốn vẫn chưa thể gia nhập NATO, do một số nước châu Âu cho rằng khối này không thể bảo vệ Gruzia trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga.