18:27 28/11/2023

Bất động sản Việt Nam đang hấp dẫn với các thương vụ M&A

Ban Mai

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn “thú vị” với thị trường bất động sản Việt Nam dù nhiều dự án đang vướng pháp lý, vì Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, đi sau các thị trường Hồng Kông, Thượng Hải, Singapore…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Điều này lý giải vì sao thị trường bất động sản Việt vẫn giữ được sự bền bỉ với số vốn đầu tư nước ngoài đáng kể, được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thương vụ M&A (mua bán - sáp nhập) trong 02 năm tới, theo Savills Việt Nam.

TRIỂN VỌNG M&A

Theo Savills Việt Nam, năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam đã phải trải qua áp lực kinh tế toàn cầu và các thách thức toàn cầu cũng như nội địa. Tình trạng lãi suất cao làm suy thoái nền kinh tế thế giới, gieo rắc những bất ổn cho các nhà đầu tư. Lạm phát gia tăng cũng gây áp lực lên chi tiêu hộ gia đình. Lĩnh vực sản xuất ghi nhận mức tồn kho cao, đơn đặt hàng sản xuất giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành tăng trưởng chủ chốt của Việt Nam.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thị trường bất động sản đã giữ được sự bền bỉ cũng như sẵn sàng tận dụng các chính sách và chuyển biến kinh tế tích cực. Trong năm 2023, Savills Việt Nam vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường tiềm năng này.

Dù lãi suất cao, nhưng triển vọng tăng trưởng và lợi suất tương đối cao của Việt Nam vẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Savills cho biết lượng giao dịch bất động sản trong khu vực đã giảm mạnh, điều này để lại nguồn vốn đầu tư sẵn có đáng kể. Do đó, 2 năm tới được dự kiến sẽ là giai đoạn sôi động của lĩnh vực M&A tại Việt Nam.

Theo Savills, thị trường nhà ở tại Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt ở phân khúc trung cấp trở lên. Vì khách hàng tầng lớp trung lưu đang gia tăng, cũng như bối cảnh thị trường với nguồn cung nhà ở đang khan hiếm. Bất kỳ nhà đầu tư nào đủ năng lực ra mắt dự án đều có thể khai thác nhu cầu cao của thị trường lúc này.

Ông Paul Tostevin, Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của Savills, cho rằng thời gian qua, các nhà phát triển bất động sản nước ngoài thường tập trung phát triển sản phẩm cao cấp hơn để phù hợp với thương hiệu của mình khi đầu tư vào Việt Nam. Thực tế điều này cũng xảy ra ở nhiều thành phố trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có những lợi thế khi có dân số trẻ dồi dào và triển vọng mạnh mẽ về gia tăng thu nhập.

Ở phân khúc văn phòng, tại TP.HCM mặc dù nguồn cung mới các dự án hạng A khá dồi dào, nhưng hiệu suất cho thuê tích cực là cơ hội cho các nhà đầu tư và nhà phát triển văn phòng trong tương lai. Những bên cung cấp hoặc tái định vị tòa nhà văn phòng đạt chứng chỉ xanh sẽ thu hút được mức giá thuê cao.

Savills cho rằng thị trường văn phòng TP.HCM là một trong những điểm sáng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những tòa văn phòng cao cấp đạt chứng chỉ xanh cũng giúp đảm bảo tỷ lệ lấp đầy và giá thuê cao.

Theo Báo cáo ESG Việt Nam 2023 của Savills, có 20 tòa nhà văn phòng có chứng chỉ LEED hoặc Green Mark tại Việt Nam, 17 trong số đó ở TP.HCM, chiếm khoảng 25% tổng cung văn phòng hiện tại và dự kiến sẽ tăng lên 31% vào năm 2026.

VẪN CÒN THÁCH THỨC

Thủ tục hành chính, đặc biệt là trong việc giải quyết các khoản phí sử dụng đất vẫn là những thách thức lớn của các nhà đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Các nhà đầu tư cũng đang gặp vướng mắc về quyền sở hữu pháp lý của dự án trong việc giải quyết phí sử dụng đất và phê duyệt quy hoạch 1/500. Đây là những yếu tố quan trọng nhất đối với các dự án phát triển nhà ở.

Hiện tại, không có nhiều dự án có đủ văn bản phê duyệt cần thiết để phát triển, ít nhiều dẫn đến những khó khăn đối với việc các nhà đầu tư tham gia thị trường. Điều này cũng đã gây ra tình trạng khan hiếm về tín dụng, khi các ngân hàng gặp khó khăn không thể giải ngân vì thủ tục pháp lý chưa đầy đủ đối với tài sản thế chấp để cho vay của các dự án bất động sản.

Ngoài ra, Savills cho rằng những thay đổi trong tiến độ hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng cũng làm tăng sự phức tạp trong việc xác định thời điểm tối ưu cho quá trình phát triển dự án bất động sản.

“Dù vậy, Việt Nam với nền kinh tế vững mạnh được thúc đẩy bởi dân số đông, sự phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị hóa, khoản đầu tư dồi dào trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng, nếu khung pháp luật cho phép, dự kiến hoạt động M&A bất động sản sẽ bùng nổ trong 02 đến 03 năm tới”, Savills nhận định.

Hầu hết các khoản đầu tư đến từ các quốc gia châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Nhật Bản. Những quốc gia này đã là những nhà đầu tư tích cực tại Việt Nam và dự kiến sẽ tăng cường đầu tư trong hai đến ba năm tới, bên cạnh tiềm năng từ các nhà đầu tư Trung Đông. Đặc biệt, ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo cơ sở đầu tư đa dạng và tăng đầu tư vào sản xuất và bất động sản công nghiệp.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao các kinh nghiệm dày dặn và kiến thức về thị trường Việt Nam mà các doanh nghiệp trong nước mang đến cho mối quan hệ hợp tác.

Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước đã cung cấp cơ hội đầu tư lớn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ, như cơ sở rộng khắp hoặc các ngành phụ hỗ trợ. Điều này cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng mở rộng nhanh chóng sau khi bước vào thị trường, đồng thời sử dụng kinh nghiệm và mạng lưới mà đối tác địa phương cung cấp.